19/01/2025 | 15:17 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Việt Nam đón nhiều tín hiệu lạc quan

Cập nhật lúc: 15/04/2019, 07:30

Tạp chí Forbes của Mỹ vừa nhận định Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á.

Kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, các yếu tố tích cực nội tại như môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Điểm đến “nóng” nhất châu Á

Tạp chí Forbes của Mỹ vừa nhận định Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư nóng nhất châu Á. Trong năm 2018, Việt Nam đã nhận được 17 tỉ USD cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - được cho là con số lớn nhất đối với một thị trường mới nổi so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 250 tỉ USD.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến đạt được trong những tháng tới sẽ đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Forbes cho biết, có nhiều lý do để có cái nhìn tích cực về dài hạn đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã trở thành “mảnh ghép” không thể thiếu của nguồn cung toàn cầu từ điện thoại thông minh và điện tử đến cá da trơn và hạt điều.

Việt Nam cũng sẵn sàng tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, khi các công ty nước ngoài tìm cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng của họ. Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế dân số trẻ, có học thức và đang nhanh chóng “đô thị hóa” với sức chi tiêu lớn chưa từng có.

Do vậy, các thương hiệu quốc tế như Apple, Starbucks và McDonalds “đặt cược lớn” vào thị trường Việt Nam, ngoài ra môi trường công nghệ của Việt Nam cũng đầy triển vọng phát triển.

Dòng chảy nhập khẩu Mỹ sang Việt Nam

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ khiến người tiêu dùng và các nhà sản xuất Mỹ thiệt hại, mà còn lấy mất các khoản đầu tư sản xuất ở thị trường Trung Quốc.

Theo một phân tích mới được công bố hôm thứ Tư (10/4), cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ chuyển hoạt động thu mua những sản phẩm nằm trong danh sách chịu thuế quan như đồ nội thất, tủ lạnh và lốp xe sang các nước, vùng lãnh thổ như Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Mexico.

Quyết định của Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump về việc đánh thuế từ 10% lên 25% đối với khoảng 250 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc đã khiến các nhà bán lẻ và nhà sản xuất Mỹ hoảng loạn khi họ đang chật vật để tránh tăng chi phí.

Tổng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 6,4% trong quí đầu tiên do người mua đã hết hàng dự trữ trước khi thuế quan tăng và chuyển đơn đặt hàng cho các quốc gia có chi phí thấp hơn, công ty dữ liệu thương mại Panjiva của S&P Global Market Intelligence cho biết trong báo cáo.

Nhập khẩu đồ nội thất do Trung Quốc sản xuất của các nhà bán lẻ như IKEA, Home Depot, Target Corp và Room to Go đã giảm 13,5% trong quí I/2019. Sự sụt giảm này đã được bù đắp một phần nhờ nhập khẩu từ Việt Nam tăng 37,2% và từ Đài Loan tăng 19,3%, Panjiva cho hay.

Nhập khẩu lốp xe từ Trung Quốc giảm 28,6% trong ba tháng đầu năm. Đồng thời, các cảng biển của Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng 141,7% từ Việt Nam và 11,1% đối với nhập khẩu lốp xe từ Hàn Quốc. Hankook Tyre và Nexen là một trong những nhà cung cấp tiếp nhận hoạt động kinh doanh mới, theo Panjiva.

Nhiều công ty Mỹ cũng đang chuyển các khoản đầu tư nhà máy theo sau cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, với ba chuyên gia kinh tế ước tính đã khiến người tiêu dùng và các công ty Mỹ thiệt hại 19,2 tỉ USD.

Như vậy, việc “hưởng lợi” từ những điều bất lợi của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã thực sự có những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế hội nhập toàn cầu.

Nhật Phương