19/01/2025 | 15:16 GMT+7, Hà Nội

Kinh nghiệm thị trường carbon thế giới: Lựa chọn hướng quản lý phù hợp

Cập nhật lúc: 14/04/2021, 16:09

Thị trường carbon ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam hình thành khi đã thiết lập hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Việc điều tiết thị trường cần đảm bảo toàn vẹn môi trường, hiệu quả kinh tế.

Liên minh châu Âu: Phân phối theo cơ chế thị trường

Vận hành từ năm 2005, đây là thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên và là một trong các công cụ chính sách quan trọng nhất của Liên minh châu Âu để ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây là thị trường trao đổi phát thải carbon chính và lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu.

Thị trường carbon
Ảnh minh họa.

Nguyên lý hoạt động của EU-ETS là theo nguyên tắc hạn mức và thương mại (cap-and-trade). Theo đó, các hạn mức tuyệt đối về số lượng phát thải khí nhà kính được thiết lập và giảm dần theo thời gian, ví dụ các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch CDM. Với việc đặt hạn mức về lượng phát thải, các tín chỉ hoặc giấy phép trở nên có giá trị và trao đổi được trên thị trường. Trường hợp phát thải quá hạn mức được phép, các công ty và tổ chức được châu Âu quy định mức phạt chung là 100 EUR/tấn CO2. Danh sách các tổ chức vi phạm cũng sẽ được công bố hàng năm.

Trung Quốc: Thử nghiệm diện rộng, rút ra phương án hiệu quả

Trung Quốc bắt đầu đề cập đến việc xây dựng một thị trường carbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Điểm khác biệt lớn nhất của thị trường carbon Trung Quốc đó là tiến hành thí điểm trên diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Điều này cho phép Chính phủ Trung Quốc thử nghiệm và đánh giá hiệu quả nhiều giải pháp quản lý thị trường khác nhau trong cùng một thời điểm. Có thể nói, Trung quốc vẫn đang ở trong giai đoạn đầu xây dựng và triển khai thị trường carbon. Các thành tựu, kết quả hiện tại chủ yếu đến từ các kinh nghiệm, bài học có được thông qua việc tham gia Cơ chế phát triển sạch CDM, và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thái Lan: Phân giai đoạn, đẩy mạnh sự tham gia của tư nhân

Với trường hợp của Thái Lan, từ giai đoạn 2013 - 2016, cơ quan Quản lý khí nhà kính Thái Lan đã xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV) cho thị trường carbon tự nguyện. Từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2017, Thái Lan tiến hành thí điểm hệ thống này, làm cơ sở xây dựng hướng dẫn MRV cấp ngành và thiết lập hạn mức phát thải và phân bổ tín chỉ cho các nhà máy thuộc hệ thống. Giai đoạn thí điểm thứ hai từ 2018 - 2020, Thái Lan tiến hành thí điểm hệ thống đăng ký và giao dịch tín chỉ. Chính phủ Thái Lan cũng đề cập đến cơ chế thị trường khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Kế hoạch cải cách quốc gia. Điều này đã được cụ thể hóa trong Đạo luật biến đổi khí hậu, có hiệu lực vào năm 2020.

Hiện nay, các cơ sở nền tảng của hệ thống ETS được các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký tham gia sẽ giúp cho việc hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường và tìm ra công cụ định giá carbon thích hợp với cơ quan quản lý Nhà nước của Thái Lan trong thời gian tới.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/kinh-nghiem-thi-truong-carbon-the-gioi-lua-chon-huong-quan-ly-phu-hop-54443.html