22/11/2024 | 14:45 GMT+7, Hà Nội

Hạn chế phương tiện cá nhân: Giải pháp tất yếu để giảm khí thải

Cập nhật lúc: 04/11/2020, 14:25

Khí thải từ các phương tiện giao thông được cho là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, làm thế nào hạn chế được nguồn thải này vẫn là bài toán nan giải.

Tại buổi tọa đàm "Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam", PGS.TS Hồ Quốc Bằng, chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí, cho biết không khí tại TP HCM bị ô nhiễm nặng, đang và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống người dân thành phố. Trong đó, hoạt động giao thông chiếm tỉ lệ phát thải cao nhất hầu hết trong các chất gây ô nhiễm. Cụ thể, hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng chất phát thải CO2 của toàn TP HCM. Chỉ riêng với khói bụi phát ra từ khí thải xe máy và do ma sát mặt đường, thắng xe, lốp xe cũng đã chiếm tỉ lệ đến 37,7%.

Tương tự, nói đến Hà Nội, GS Phạm Ngọc Đăng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã cảnh báo có hơn 70% bụi mịn siêu vi trong không khí thải ra từ các phương tiện xe máy và ôtô.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), TP HCM hiện là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất cả nước với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia, trong đó phát thải khí từ hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%.

Hoạt động giao thông chiếm tỉ lệ phát thải cao nhất hầu hết trong các chất gây ô nhiễm. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đến tháng 6/2020, Thành phố đang quản lý gần 8,5 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó môtô, xe máy là gần 7,8 triệu chiếc, chiếm hơn 95% tổng lượng xe. Dự báo trong năm 2020, số lượng xe máy sẽ tiếp tục tăng lên đến 9 triệu chiếc, hầu hết đều sử dụng các loại nhiên liệu gốc carbon có chứa monoxit gây thải khí độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.

Kết quả quan trắc chất lượng không khí của Sở TN-MT TP HCM cũng cho thấy, đến cuối năm 2020, các phương tiện giao thông, vận tải trên địa bàn thành phố, đặc biệt là xe máy sẽ tạo ra lượng phát thải lên đến gần 17 triệu tấn các loại khí độc gồm HC (hydrocarbon), CO (carbon monoxit) và NOx (oxit nitơ).

Theo Sở TN-MT, với kịch bản phát triển này, nếu không có bất kỳ hành động giảm thiểu nào thì đến năm 2030, lượng phát thải giao thông tại TP HCM sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với hiện tại, tức là lên đến hơn 44 triệu tấn.

Trong “Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường TP HCM giai đoạn 2016-2020," Thành phố đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm 70% lượng phát thải ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn.

Nhằm kiểm soát lượng phát thải này, những năm qua, chính quyền Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần kéo giảm ô nhiễm không khí, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp và hệ thống vận tải phát thải carbon thấp.

Từ năm 2016 đến nay, Sở TN-MT TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, kêu gọi sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích tiêu dùng xăng E5 và triển khai nhiều giải pháp trong việc hạn chế khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng.

Nhiều giải pháp hạn chế xe cá nhân được đưa ra. (Ảnh: Báo Dân trí)

Tại Hà Nội, Theo thống kê, năm 2019, Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe ô tô, xe máy đăng ký và hơn 1 triệu xe ngoại tỉnh. Tần suất sử dụng xe cũng tăng lên do tần suất của xe ôm, xe taxi công nghệ ngày càng được ưa chuộng, điều này lại tỉ lệ thuận là ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Theo dự báo, với tốc độ tăng bình quân 10%/năm, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 11 triệu xe máy. Trong khi đó, tỉ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện mới đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị. Đến năm 2020, dù thành phố có đạt được chỉ tiêu tổng diện tích đất dành cho giao thông khoảng 13% đất đô thị như Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội đề ra, thì vẫn kém xa so tỉ lệ yêu cầu là từ 20 - 26% trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội.

Sở dĩ phương tiện xe cá nhân tăng cao là do giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù trong nhiều năm liên tục, chính quyền TP.Hà Nội và TP.HCM đã đầu tư mua mới hàng loạt xe buýt và chi một khoản tiền không nhỏ để trợ giá, song thực tế người dân đến với xe buýt còn khá ít, đáng báo động thời gian gần đây.

Ở những thành phố lớn trên thế giới, việc kiểm soát khí thải gắn liền với giải pháp hạn chế giao thông cá nhân, cấm hẳn xe máy nhờ thực hiện bài bản theo quy hoạch, phương tiện công cộng kết nối thuận lợi như Paris (Pháp), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha)... Hay như ở Trung Quốc đã cấm hẳn xe máy tại hai thành phố lớn là Thượng Hải và Quảng Châu, chính quyền cũng đã lên kế hoạch hàng chục năm để chuẩn bị, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, mua thêm xe buýt. Đặc biệt, tạo điều kiện cho người dân sử dụng giao thông công cộng, không cho đăng ký mới và mua lại xe máy cũ của người dân rồi đưa về các vùng quê có nhu cầu sử dụng hoặc thanh lý tùy loại xe.

Theo các chuyên gia, muốn hạn chế được xe cá nhân phải đảm bảo được cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, với kết cấu kiến trúc hạ tầng hiện nay, việc hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân nếu không có lộ trình rõ ràng và hoàn chỉnh thì sẽ ngày càng khó khăn.

Ở Việt Nam, với đặc trưng cơ bản là nhà phố, nhiều ngóc ngách nhỏ chiếm hơn 80%, cùng với đó là nền kinh tế phi chính thức tập trung rất đông người lao động tự do. Nền kinh tế này phù hợp xe máy, khó tương thích với loại phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, muốn giải quyết bài toán giao thông thì không thể không quan tâm đến cấu trúc đô thị. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng công suất lớn phải gắn liền việc dùng nhà cao tầng “gom dân” theo chiều dọc.

Ngoài ra, cần tiến hành xây dựng đô thị dọc theo hệ thống tuyến metro (tàu điện). Ở các trạm tàu điện, nên hình thành các dự án quy hoạch khu nhà ở hoặc nhóm nhà ở. Đối với các nhóm phức hợp cao tầng thì nên tập trung ưu tiên chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, bãi đậu xe, hạn chế chức năng ở, kết hợp khu công viên cây xanh, thể dục thể thao tập trung phục vụ công cộng…