19/01/2025 | 12:01 GMT+7, Hà Nội

Kinh doanh khó khăn, nhiều chủ đầu tư \"bán tháo\" khách sạn

Cập nhật lúc: 12/10/2021, 18:03

Trước tình cảnh hoạt động du lịch "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài, thậm chí đã phải rao bán khách sạn.

Hoạt động du lịch “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không còn khách lưu trú đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lâm vào cảnh đình đốn. Trước tình cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài, thậm chí đã phải rao bán khách sạn.

Hàng loạt khách sạn được rao bán 

Chỉ cách đây vài năm, kinh doanh khách sạn ở khu phố cổ Hà Nội được xem là ngành “hái ra tiền” khi luôn kín phòng du khách lưu trú. Thế nhưng, giờ đây hình ảnh này đã lùi vào dĩ vãng khi dịch Covid-19 quét qua khiến ngành du lịch Thủ đô “đóng băng", làm nhiều khách sạn đóng cửa, ngừng kinh doanh. Dọc các con phố tập trung nhiều khách sạn trên khu vực phố cổ như Gia Ngư, Hàng Bè, Hàng Bạc… hầu hết khách sạn "cửa đóng, then cài" dừng hoạt động, thậm chí rao bán.

Cách hồ Hoàn Kiếm chỉ hơn 100 mét, khách sạn Democracy trên phố Cầu Gỗ đang rao bán với giá 145 tỷ đồng. Chủ của khách sạn cho biết, việc làm ăn không thuận lợi nên buộc lòng rao bán khách sạn 7 tầng, rộng 129m2, với 21 phòng. Mặc dù mức giá đưa ra là 145 tỷ đồng nhưng có thương lượng giảm giá, nhưng theo chủ khách sạn, số người hỏi mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Cũng có người đến xem mặt bằng nhưng thời buổi khó khăn, không phải ai cũng dám đổ cả trăm tỷ để kinh doanh lúc này, thành ra rao bán cả tháng nay vẫn chưa được" - chủ khách sạn chia sẻ.

 Khách sạn trên phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm) đồng loạt tạm dừng hoạt động do Covid-19
 Khách sạn trên phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm) đồng loạt tạm dừng hoạt động do Covid-19

Tương tự chủ một khách sạn trên phố Hàng Bè tâm sự, năm 2019 sau khi đâu tư xây dựng khách sạn 3 sao trên phố Hàng Bè với 16 phòng ngủ, đã đem lại doanh thu lên đến 250 triệu đồng/tháng. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh số ngày càng sụt giảm; đặc biệt từ tháng 4/2021 đến nay do vắng khách du lịch, không có doanh thu, nên tôi đành rao bán với giá 67 tỷ đồng. “Vốn đầu tư không nhỏ, trong khi nợ ngân hàng vẫn phải trả nên giờ bán gấp mới may ra đỡ lỗ quá nhiều. Mặc dù tiếc công gây dựng nhưng cũng không còn cách nào khả dĩ hơn" - chủ khách sạn tâm sự.

Thông tin từ các sàn giao dịch bất động sản cho thấy, thời gian gần đây lượng tin đăng bán khách sạn ở khu vực phố cổ xuất hiện với số lượng ngày càng nhiều. Trên sàn giao dịch batdongsan.com.vn có hàng chục thông tin rao bán khách sạn, trong đó có cả những “ông lớn” 4-5 sao. Cụ thể tọa lạc trên diện tích 560m2 tại khu đất vàng 49 Hàng Chuối ( quận Hai Bà Trưng) khách sạn 5 sao Atlanta với quy mô 16 tầng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân rao bán khách sạn, hầu hết chủ đầu tư kinh doanh loại hình dịch vụ này có chung ý  kiến, du lịch Hà Nội lâu nay mang tính chất đặc thù là văn hóa lịch sử nên nguồn khách du lịch chủ yếu là khách nước ngoài tham gia tour tìm hiểu văn hóa lịch sử. Từ cuối năm 2020 đến nay TP Hà Nội nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội nên ngành du lịch “đóng băng” không đón khách. Trong khi đó các khách sạn đối mặt với áp lực vay lãi ngân hàng, vì vậy bán khách sạn là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn, giảm lỗ.

Chờ ngành du lịch phục hồi

Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng qua ngành du lịch Thủ đô chỉ đón được 2,92 triệu lượt khách nội địa, giảm 57,5% so với cùng kỳ năm 2020. Công suất sử dụng phòng hệ thống khách sạn từ 1 - 5 sao đạt 21,4%, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020; Dịch Covid-19 đã khiến 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Theo các chuyên gia du lịch, để phân khúc khách sạn phục hồi đòi hỏi thị trường du lịch khởi sắc trở lại sau khi Việt Nam xác định “sống chung” với Covid-19. Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên cho rằng, sau khi Chính phủ cho phép đảo Phú Quốc được đón khách quốc tế vào cuối tháng 11/2021, sau  đó có thể sẽ là Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt vào tháng 12.

Đặc biệt từ tháng 6/2022, Việt Nam sẽ “mở cửa” lại hoàn toàn đón du khách khách quốc tế. Cũng trong thời gian này các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn cũng được đón khách nội địa.

 Khách sạn trên phố Hàng Bè dừng hoạt động do Covid-19
 Khách sạn trên phố Hàng Bè dừng hoạt động do Covid-19

“Việc ngành du lịch được phép mở cửa đón khách sẽ là bàn đạp để các khách sạn thoát khỏi cảnh ế ẩm, người kinh doanh không phải bán khách sạn để trả nợ, thu hồi vốn”- ông Kiên phân tích. Đồng tình với phân tích này, Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Hồ Nguyễn Phương Chi nêu rõ, doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn hy vọng từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ được kiểm soát trên cả nước. “Khi không còn giãn cách xã hội, những tỉnh, thành du lịch trọng điểm sẽ đạt tỷ lệ đón khách 90-100% so với trước kia sẽ mở ra cơ hội hồi sinh cho ngành du lịch nói chung, khách sạn nói riêng”-bà Nguyễn Phương Chi nói.

Nhìn nhận về sự hồi phục thị trường khách sạn từ nay đến cuối năm 2021, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths dự báo, nếu như trong năm 2021, Việt Nam thành công trong việc khống chế dịch bệnh, du lịch nội địa sẽ có khả năng phục hồi, kéo theo thị trường khách sạn khởi sắc.

Ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cho thấy việc ngành du lịch “sống chung” với Covid-19 sẽ là bàn đạp cho ngành du lịch lữ hành,khách sạn hồi phục.

"Đây là thời điểm rất khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh loại hình khách sạn khi lượng khách thuê phòng hầu như về 0.  Việc thị trường khách sạn tại Hà Nội có phục hồi sớm hay không phụ thuộc rất lớn vào việc ngành du lịch xây dựng được phương án “sống chung” với Covid-19 qua đó khai thác thị trường nội địa từ nay đến cuối năm 2021 và đón khách du lịch nước ngoài vào tháng 6/2022." - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/covid-19-khien-kinh-doanh-kho-khan-chu-dau-tu-ban-thao-khach-san-437509.html