Giá phòng khách sạn tại Hà Nội giảm sốc do ảnh hưởng từ dịch Covid-19
Cập nhật lúc: 24/02/2021, 13:30
Cập nhật lúc: 24/02/2021, 13:30
Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, giá đặt phòng khách sạn tại Hà Nội tiếp tục giảm sâu và chạm “đáy” trong 10 năm qua. Ngay cả những khách sạn 5 sao, sang nhất, đắt nhất Thủ đô cũng giảm “sốc”.
Khảo sát trên một số ứng dụng đặt phòng trực tuyến như Agoda, Booking, Traveloka cho thấy, giá đặt phòng khách sạn tại Hà Nội đã giảm 50% - 70%, thậm chí có khách sạn giảm trên 80%. Đặc biệt, khách sạn càng nhiều “sao”, mức giảm càng lớn.
Đơn cử, tại khách sạn cổ nhất Đông Dương, Sofitel Legend Metropole, giá đặt phòng đang giảm 65%, từ 7,9 triệu đồng/đêm, xuống còn 2,7 triệu đồng/đêm.
Cách đó không xa, Hotel de l'Opera Hanoi, cũng giảm từ 4 triệu đồng/đêm, xuống còn 1,9 triệu đồng/đêm.
Trong khi đó, khách sạn JW Marriott, nơi đã từng đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019, cũng đang giảm 54%, từ 6,5 triệu đồng/đêm, xuống 3 triệu đồng/đêm.
Một số khách sạn 5 sao khác như Intercontinental, giảm 50%, từ 3,8 triệu đồng/đêm, xuống còn 1,9 triệu đồng/đêm; Hilton Hà Nội giảm từ 2,1 triệu đồng/đêm xuống còn 1,6 triệu đồng/đêm;...
Trong khi đó, với nhóm khách sạn 4 sao tại Hà Nội, giá đặt phòng khá rẻ, trên dưới 1 triệu đồng/đêm. Cụ thể, giá đặt phòng tại khách sạn Daewoo Hà Nội chỉ 1,3 triệu đồng/đêm, khách sạn Pan Pacific có giá 1,6 triệu đồng/đêm, Fortuna Hotel chỉ 1 triệu đồng/đêm, The Pearl Hotel có giá 800.000 đồng/đêm;...
Với nhóm khách sạn 3 sao, mức giá đặt phòng bình dân chỉ trên dưới 500.000 đồng/đêm. Đặc biệt, nhiều khách sạn 3 sao tại khu vực phố cổ chỉ 250.000 đồng/đêm, rẻ chưa từng có.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Hưng, chủ một khách sạn 3 sao tại Hà Nội cho biết: Mặc dù giá thuê giảm mạnh, tuy nhiên công suất đặt phòng vẫn rất thấp, chỉ lấp khoảng 20% - 30%, đa phần là khách vãng lai, thuê 1 - 2 ngày.
“Nếu như mọi năm, thời điểm trước Tết và sau Tết thường khá tốt, công suất đạt trên dưới 80%. Tuy nhiên, do đợt Tết trùng với thời điểm dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động du lịch dường như đình trệ. Do đó, mọi doanh nghiệp làm trong ngành khách sạn đều rơi vào trạng thái “đóng băng”, vị này nói
Vị này dự báo, tình cảnh ế ẩm này có thể kéo dài cho tới hết quý II/2021, thậm chí có nguy cơ tới hết năm 2021.
“Ngành khách sạn phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Chỉ khi nào dịch bệnh kết thúc, du lịch trong và ngoài nước hoạt động trở lại. Từ đó, ngành khách sạn mới hồi phục”, ông Hưng quả quyết.
Năm 2020, thị trường khách sạn đã chịu thiệt hại nặng từ đại dịch Covid-19, công suất đặt phòng trong năm giảm kỷ lục. Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, công suất đặt phòng tại Hà Nội trong năm 2020, giảm 44% so với năm ngoái, giá thuê giảm trung bình 22%.
Phân khúc khách sạn 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng trung bình với 35 USD/phòng/đêm, phân khúc 4 sao đạt 15 USD/phòng/đêm trong khi phân khúc 3 sao chỉ đạt 9 USD/phòng/đêm.
Còn theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, tính tới hết năm 2020, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt từ 10 - 15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc.
Nguồn: https://congluan.vn/gia-phong-khach-san-tai-ha-noi-giam-soc-song-nhu-ong-hoang-chi-27-trieu-dong-post120220.html
13:30, 29/01/2021
13:30, 27/01/2021
08:21, 24/01/2021