19/01/2025 | 10:19 GMT+7, Hà Nội

Kiến nghị của các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đối với Ngân hàng Nhà nước

Cập nhật lúc: 08/02/2023, 20:03

Sáng 8/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tại hội nghị, hàng loạt doanh nghiệp đã đồng loạt kiến nghị NHNH giảm lãi suất.

Hàng loạt doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất

Hàng loạt các doanh nghiệp đều kiến nghị việc điều chỉnh lãi suất. Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho rằng, lãi suất vay vốn cần được điều chỉnh lại, song song với việc duy trì tỷ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường đối với các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý.

"Đề nghị NHNN và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư", ông Hoa nói.

Đồng thời, ông Phạm Thiếu Hoa cũng đề nghị NHNN cho phép các ngân hàng tài trợ cho hoạt động mua bán, đặt cọc, chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần trong các công ty đầu tư dự án và hoạt động M&A.

Các doanh nghiệp đồng loạt đề nghị NHNN nới room tín dụng, xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ. Ảnh minh hoạ: Reatimes
Các doanh nghiệp đồng loạt đề nghị NHNN nới room tín dụng, xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ. Ảnh minh hoạ: Reatimes

Còn đối với Novaland, bà Đỗ Thị Phương Nam - Giám đốc phụ trách tái cấu trúc của tập đoàn cho hay khi làm việc với chủ nợ là các tập đoàn quốc tế, tất cả đều thống nhất những khó khăn hiện nay là rủi ro hệ thống, rủi ro của toàn thị trường.

Do đó, các bên chấp thuận phương án cơ cấu lại các khoản nợ cho phù hợp hơn với tình hình đang diễn ra ở Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp không rơi vào tình trạng vỡ nợ hay vi phạm chéo các khoản vay.

Tuy nhiên, khi tạm thời thỏa thuận xong với các chủ nợ quốc tế, doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi làm việc với các chủ nợ trong nước.

"Chúng tôi hi vọng NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong 24-36 tháng", bà Nam nêu ý kiến.

Cùng chung đề nghị này, ông Lê Trọng Khương - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cũng đề xuất việc cơ cấu lại nhóm khi gia hạn nợ để tránh trường hợp nhảy nhóm nợ.  

“Điều này cũng là hỗ trợ cho việc giải ngân tiếp theo trong sản xuất kinh doanh. Bởi vì hiện nay, Tập đoàn Hưng Thịnh chưa nhảy nhóm nợ chứ không phải không nhảy và nếu không có chính sách quyết liệt hỗ trợ thì đến một thời điểm nào đó, câu chuyện nhảy nhóm nợ cũng có thể xảy ra”, ông Khương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khương, việc nới room tín dụng cũng là điều cần thiết để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh, đồng thời qua đó gia tăng niềm tin ở các trái chủ để họ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Ông cho rằng việc phát hành trái phiếu ở một số quốc gia khác là nguồn huy động lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên ở Việt Nam, niềm tin của thị trường đang lung lay bởi trái chủ lo ngại doanh nghiệp không thể tiếp tục tồn tại, phát triển, sản phẩm không thể đến tay người tiêu dùng.

Mặc khác, hiện nay lãi suất đang rất cao ảnh hưởng đến giá thành khi chủ đầu tư đưa ra. Năm 2022, Tập đoàn cũng có kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhưng để làm được điều này thì cần phải có nguồn vốn huy động. Tuy nhiên với tình trạng hiện nay, Tập đoàn cũng đang bị bế tắc trong câu chuyện xây dựng nhà ở xã hội để phát triển thêm hoặc xây dựng nhà ở phù hợp vừa túi tiền của đại đa số người dân, công nhân.

"Chúng tôi đề xuất NHNN và một số bộ ngành xem xét phương án hỗ trợ trái chủ, làm sao để họ cảm thấy an tâm rằng doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển tốt mới an tâm đầu tư. Trong đó, đề nghị NHNN nới room tín dụng", ông Khương nói.

Tháo gỡ pháp lý để khơi thông dòng vốn trong bất động sản

Theo các lãnh đạo các doanh nghiệp, cần phải tháo gỡ pháp lý để phát triển các dự án bất động sản, giải quyết tình trạng mất cân đối nguồn cung trên thị trường và khơi thông dòng vốn trong bất động sản.

Về vấn đề này, ông Lê Trọng Khương cho rằng, ách tắc pháp lý đang xảy ra tại rất nhiều dự án, đặc biệt ở phía nam, khiến chính các ngân hàng thương mại quan ngại và đặt ra nhiều biện pháp phòng ngừa. Do đó, nếu giải được bài toán pháp lý, không những giá thành bất động sản được điều chỉnh mà nguồn vốn cho doanh nghiệp cũng được khơi thông.

“Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong phát triển condotel do vướng mắc về tín dụng đối với cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Chúng tôi đề nghị NHNN nghiên cứu xem xét có phương án cho vay với condotel và các loại hình nhà ở thương mại nói chung", ông Khương nói thêm.

Riêng với Novaland, do đặc thù tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, cần nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ tầng với thời gian thu hồi vốn dài hơi, bà Nam kiến nghị các cơ quan quản lý có chính sách tín dụng riêng kèm hướng dẫn chi tiết, thay vì đánh đồng với các dự án bất động sản riêng lẻ tại các thành phố lớn.

Đại diện Tập đoàn Sungroup cũng mong muốn có cơ chế riêng cho bất động sản du lịch: "Cần coi đây là một ngành sản xuất kinh doanh nằm trong lĩnh vực ưu tiên chứ không phải hạn chế, kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ tháo gỡ tất cả vấn đề về vốn vay, lãi suất. Hiện lãi suất người mua đang ở mức 14-17%/năm, chủ đầu tư cũng lên đến 14%/năm, chi phí tài chính cao dẫn đến hiệu quả đầu tư không có".

Đặc biệt, đại diện Sungroup cho biết đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư khác nhau liên quan đến kinh doanh bất động sản với nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Dù các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa nhưng vẫn không theo kịp thực tế.

Đơn cử với loại hình condotel như tập đoàn đang đẩy mạnh, hiện chưa có cơ chế nào để huy động nguồn lực, chưa kể sự chồng chéo trong các văn bản pháp lý dẫn đến vướng mắc trong thực thi của cơ quan quản lý địa phương.

"Chúng tôi đề nghị có hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ hết các chồng chéo để doanh nghiệp và khách hàng có kênh đầu tư, kinh doanh hiệu quả, tạo nguồn lực cho xã hội", đại diện Sungroup nêu ý kiến.
Ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, đại diện Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW cho biết quy định của Thông tư 22 và dự thảo Thông tư 39 hiện nay đều hạn chế cho vay để góp vốn cổ phần và chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty. Do đó các ngân hàng cũng rất thận trọng vấn đề tài trợ cho các hoạt động M&A.

Ông cho rằng NHNN không nên hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần hay vốn góp mà nên tập trung vào quản lý bản chất giao dịch.

"Bên cạnh đó, kiến nghị NHNN làm rõ hướng dẫn quy định về mục đích được phép vay nước ngoài bởi doanh nghiệp FDI trong giai đoạn tiền đầu tư trước khi có giấy phép thường sử dụng những khoản vay ngắn hạn từ nước ngoài. Nhưng hiện nay, theo dự thảo về Thông tư cho vay trả nợ nước ngoài đang hạn chế cho vay ngắn hạn đối với hoạt động đầu tư bất động sản", đại diện BW nói thêm.

Đồng thời, vị này đề nghị NHNN xem xét cho phép công ty con được vay các khoản vay nước ngoài để tiến hành hoạt động kinh doanh, tức sẽ đồng ý cho công ty mẹ trực tiếp vay các khoản vay nước ngoài để tiến hành để đầu tư vào các công ty con.

Riêng với các thủ tục hành chính, doanh nghiệp này lấy ví dụ một kho bãi có vốn đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên và dự án nhà xưởng có vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp phải gửi hồ sơ xem xét phê duyệt lên các bộ, ngành mất 9-12 tháng hoàn thành, trong khi thời gian xây dựng cũng mất khoảng thời gian như trên.

"Việc xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công trình trên đất cũng là một thách thức lớn của doanh nghiệp. BW có một dự án mua gần 2,5 năm đã sang tên nhưng đến nay vẫn chưa có giấy quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất do cơ quan thuế chưa xác định được nghĩa vụ thuế", đại diện BW chia sẻ.

Nguồn: https://reatimes.vn/kien-nghi-cua-cac-tap-doan-doanh-nghiep-bat-dong-san-20201224000017491.html