Kịch bản nào cho tương lai đô thị biển trước thách thức biến đổi khí hậu
Cập nhật lúc: 24/08/2019, 07:00
Cập nhật lúc: 24/08/2019, 07:00
Những năm gần đây, các thành phố ven biển đang phải đối mặt với những thách thức khó lường từ tác động của thiên nhiên cuồng nộ. Đó là hậu quả của biến đổi khí hậu, mưa lũ, bão lớn, triều cường,... Theo đó, 34/63 tỉnh thành có vị trí nằm kề sát biển và cửa sông lớn sẽ phải chịu những hậu quả do ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai.
Ước tính nếu nước biển dâng một mét thì 5,2% diện tích tự nhiên với 10,8% dân số sẽ bị tác động và không ít bãi biển đẹp của Việt Nam sẽ biến mất. Ngoài ra, bão lũ, ngập úng kéo dài sẽ gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hoá, tài nguyên du lịch. Các công trình dịch vụ du lịch bị hư hỏng hoặc xuống cấp dưới tác động của bão lũ cường độ mạnh, các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm.
Cách đây gần chục năm, các tỉnh thành từ Nghệ An đến Quảng Bình đã phải trải qua hai đợt lũ liên tiếp. Khắp một dải miền Trung trắng xóa một màu, mảnh đất vốn đã tang thương lại càng thêm gian khó bởi cơn thịnh nộ của thiên tai, sự dữ dằn của thời tiết. Hai đô thị ven biển bấy giờ là Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng chung cảnh ngộ. Có thể xem đây là lời cảnh báo cho sự khắc nghiệt của thiên nhiên sẽ tác động đến con người trong tương lai.
Tuy nhiên, xét trên phương diện địa lý thì Hà Tĩnh hay Quảng Bình đều có vị trí địa lý thường xuyên phải gánh chịu những tác động của biến đổi khí hậu, hệ sinh thái dễ bị tổn thương do thời tiết, nên không mấy làm lạ. Điều đáng nói là đến nay, hiện tượng ngập úng ngày càng nghiêm trọng, diễn ra thường xuyên với quy mô lớn. Phố Đảo Phú Quốc, nơi bốn bề là biển, tưởng chừng như sẽ không bao giờ bị ngập, thời gian qua cũng đã phải chịu chung cảnh ngộ.
“Để nói về biến đổi khí hậu cần lưu ý ba điều là tính dị thường của thời tiết, nhiệt độ tăng và nước biển dâng. Đây là những yếu tố quan trọng cần hết sức quan tâm đặc biệt đối với các thành phố ven biển. Tuy nhiên, lụt ở Phú Quốc cần phải xem nguyên nhân cốt lõi từ đâu mà nước thoát không kịp. Bởi lẽ mưa bão thì năm nào cũng có, nhưng trước đây chưa có đô thị, chưa phát triển cư dân thì đâu có ngập đến vậy”, ông Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhận định.
Ông Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
Theo ông Chinh, yếu tố thiên tai luôn khó lường và khó kiểm soát đặc biệt trong bối cảnh thời tiết cực đoan và khó dự báo chính xác như hiện nay, tuy nhiên, "nhân tai" mới là yếu tố tác động không nhỏ đến hiện tượng ngập úng ở Phú Quốc:
“Những năm gần đây, Phú Quốc có tốc độ phát triển vượt bậc, như một đại công trường thu hút rất nhiều dự án đầu tư tầm cỡ. Đặc biệt phải kể đến sức hút của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chưa bao giờ hạ nhiệt. Trong khi cơ sở hạ tầng lại chưa theo kịp tốc độ bê tông hóa. Mặt khác, có thể nói Phú Quốc đang trong giai đoạn xây dựng đô thị mới từ một huyện đảo, nhưng với những gì xảy ra mới đây thì phải khẳng định rằng vấn đề quy hoạch tại Phú Quốc có vấn đề”.
Cùng quan điểm trên, chia sẻ với báo chí, GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam nhận định: “Vấn đề về quy hoạch, xây dựng đô thị chưa tính hết đến năng lực thoát nước trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, dù là nơi thuận lợi để tiêu thoát nước ra biển nhưng hệ thống cống thoát nước của Phú Quốc đã quá tải, không tiêu thoát kịp, nên lụt là điều đương nhiên”.
Thực tế cho thấy, các hoạt động kinh tế với cường độ cao, sự xuất hiện nhanh chóng của các khối bê tông bao quanh bờ biển song song với lượng khách du lịch tăng từ 25% - 50% mỗi năm, nhiều hơn gần 40 lần số dân trên đảo; đã và đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, làm mất dần các "túi chứa nước" tự nhiên trên đảo. Không gian trữ nước vốn là đất rừng, sông, suối tự nhiên đã dần biến mất, nhường “đất vàng” cho các khu đô thị, dân cư, các dự án đẳng cấp, hoành tráng phục vụ du lịch và nghỉ dưỡng.
“Quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng yếu kém, trật tự đô thị lộn xộn. Phát triển đảo chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu giải pháp đồng bộ. Hệ thống xử lý rác thải, nước thải, cấp nước trên đảo quá tải, chưa được đầu tư… Từ đó, ngập lụt là điều không tránh khỏi. Có thể thấy những gì mà thiên nhiên và chính con người gây ra sẽ là những thách thức không chỉ Phú Quốc mà các đô thị ven biển đều phải suy ngẫm, tìm lời giải” - ông Chinh khẳng định.
Nhiều thách thức đang bủa vây các đô thị biển.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam, cuối thế kỷ XXI, khi nước biển dâng 75cm (so với thời kỳ 1980 - 1999), khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng trong đó hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Không chỉ có vậy, biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn gây ra tình trạng xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt do triều cường ở các xã, phường ven biển.
Trả lời cho câu hỏi nếu vấn đề quy hoạch vẫn tiếp tục thiếu tính thích ứng như hiện nay thì tương lai của các đô thị biển sẽ ra sao, ông Nguyễn Viết Chinh khẳng định: “Chúng ta không nên nếu nữa, mà phải nghĩ xem làm thế nào để tình trạng không ngày càng tệ hơn. Các nhà quản lý cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch. Bởi hiện nay tốc độ đô thị phát triển quá nhanh, lấp ao hồ lấy đất làm dự án; sông ngòi cũng thu hẹp, hẳn sẽ không có chỗ thoát nước nên ngập, đừng để đợi đến lúc hậu quả nghiêm trọng hơn, “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã không kịp”.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tới tháng 5/2019, nước ta có 833 đô thị, dự báo đến năm 2025, con số này sẽ lên đến khoảng 1.000 đô thị. Với tiềm năng sinh lời từ biển như hiện nay thì sẽ có thêm rất nhiều các đô thị ven biển được hình thành. Vì thế, theo các chuyên gia, việc xem xét lại kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở cũng như xây dựng đề án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch là hết sức cần thiết và cấp bách để bảo vệ những vùng dễ bị tổn thương do thiên tai và hạn chế tối đa những hậu quả từ biến đổi khí hậu gây ra.
Có thể thấy, biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới. Con người tác động đến tự nhiên bao nhiêu thì ắt nhận lại những hậu quả bấy nhiêu thậm chí còn hơn thế. Do đó mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa thiếu tính đồng bộ, mất kiểm soát như hiện nay đều sẽ phải trả giá. Việc thiên tai xảy ra là chuyện không tránh khỏi và đây có thể sẽ là một phép thử để phản ánh chất lượng của phát triển đô thị, thức tỉnh các nhà quy hoạch, nhà quản lý.
Chính vì vậy “trong bối cảnh hiện nay, vấn đề phát triển đô thị cần phải đề cao khâu quy hoạch, trong đó quy hoạch môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải được đặt lên hàng đầu”, ông Nguyễn Viết Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh.
15:00, 23/08/2019
10:01, 23/08/2019
21:04, 22/08/2019
12:20, 22/08/2019