14/11/2024 | 12:15 GMT+7, Hà Nội

Khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, công nghệ nhanh chân len lỏi vào thị trường bất động sản

Cập nhật lúc: 06/01/2022, 06:06

Sau nhiều năm thử nghiệm, làm quen, đại dịch Covid-19 đã buộc thị trường bất động sản phải nhanh chóng chấp nhận các hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ.

Những năm gần đây, nhiều người thường nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng của công nghệ vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong khi nhiều ngành nghề khác đã chứng kiến những ứng dụng của công nghệ vào việc tăng chất lượng, tốc độ, hiệu quả công việc thì với lĩnh vực bất động sản, việc ứng dụng protech - công nghệ bất động sản vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ ở một số thị trường, một số lĩnh vực. Dường như với bất động sản, công nghệ vẫn còn là một cuộc dạo chơi thử nghiệm mà chưa tận dụng tối đa và phát huy đúng tiềm lực của lĩnh vực này.

Trong đại dịch, không thể phủ nhận, Covid-19 đã có tác động tàn phá với thị trường bất động sản trong một thời gian, nhưng cũng chính đại dịch trở thành chất xúc tác cho việc áp dụng công nghệ vào thị trường bất động sản.

2 năm qua là một khoảng thời gian khó khăn. Mặc dù ở nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp đã và đang quay trở lại làm việc tại văn phòng, nhưng bối cảnh làm việc có thể sẽ thay đổi mãi mãi khi lực lượng lao động chuyển sang làm việc theo mô hình hybrid - mô hình làm việc hỗn hợp cho phép nhân viên vừa làm việc từ xa vừa làm việc tại công ty vào một số ngày nhất định.

Đại dịch cũng tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm trước đây chỉ phục vụ chủ yếu các thị trường ngách, nay lại trở nên phổ biến và được tìm kiếm nhiều. Các giải pháp công nghệ ngày càng gia tăng và được ứng dụng nhiều ví dụ như Virtual Reality (VR) thực tế ảo và Augmented Reality (AR) - thực tế tăng cường, để đáp ứng nhu cầu tham quan, khảo sát của người mua nhà và các sàn giao dịch trong bối cảnh đại dịch. (VR thay thế hoàn toàn thực tại bởi một thế giới mô phỏng, AR chỉ bổ sung, lồng ghép các chi tiết ảo vào thế giới thực tại và ngược lại).

Chắc hẳn, bất kỳ ai cũng muốn nhanh quên thời kỳ đại dịch này. Nhưng lại không thể phủ nhận đại dịch được xem là thời kỳ khiến mối quan hệ giữa bất động sản và công nghệ càng thêm khăng khít.

Khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, công nghệ nhanh chân len lỏi vào thị trường bất động sản
Khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, công nghệ nhanh chân len lỏi vào thị trường bất động sản

Xu hướng làm việc trong tương lai và tác động đến thị trường văn phòng cho thuê

Tương lai của các văn phòng có thể sẽ là một mô hình kết hợp hướng tới sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống. Chính đại dịch đã khiến nhiều người nhận ra rằng, công việc không phải là nơi bạn đến mà là thứ bạn làm. Và chính người lao động, những người được trao quyền bởi công nghệ, những người có nhiều yêu cầu cải thiện tính bền vững và sự hài lòng với công việc, đang thúc đẩy sự thay đổi này. Sự thay đổi trong tư duy này không xuất hiện trong một sớm một chiều. Các công ty đã và đang điều chỉnh dần để phù hợp với nhu cầu của lực lượng lao động hiện đại trong nhiều năm nay.

Alison White, đồng sáng lập, nhà thiết kế và cố vấn của PLACEmaking, cho biết: “Thế hệ trẻ ngày nay đã từ chối sống, làm việc như thế hệ cha mẹ họ. Các chuẩn mực về thành công cũng đã thay đổi. Ngày nay, người ta ít chú trọng vào việc sở hữu các tài sản được xem là ổn định hay đảm bảo các khoản vay, vì vậy họ cũng dễ dàng chấp nhận rủi ro nghề nghiệp hơn, họ có thể thay đổi công việc liên tục và tập trung hơn vào sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống".

Theo một cuộc khảo sát gần đây của JLL với 1.500 nhân viên trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên số một của lực lượng lao động, xếp hạng cao hơn cả tiền lương.

Việc "work from home" có thể đã khá thuận lợi và quen thuộc với nhiều người trong phần lớn thời gian suốt 2 năm qua, nhưng điều đó cũng không đủ để khiến “work from home” trở thành lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp và nhân viên trong thời gian tới. Sự mệt mỏi khi phải làm việc ở nhà đang gia tăng và mức năng suất đang giảm xuống. Gần 70% số người được hỏi cho rằng 3 ngày ở văn phòng và 2 ngày làm việc từ xa là một sắp xếp lý tưởng.

Theo Ben Hamley, trưởng nhóm Công việc tương lai của JLL Châu Á - Thái Bình Dương, không có một cách tiếp cận chung nào phù hợp với tất cả khi nói đến việc điều chỉnh văn phòng để phù hợp với xu hướng làm việc hybrid. Thay vào đó, người sử dụng lao động cần tạo nên một môi trường làm việc giúp thúc đẩy động lực làm việc trong nhân viên của mình.

Ben Hamley cho biết: "Sau khi vượt qua được những mệt mỏi do phải làm việc từ xa, chúng tôi nhận thấy có nhiều sự quan tâm dành cho việc thiết kế lại nơi làm việc. Công nghệ mới sẽ giúp các chủ doanh nghiệp thiết kế không gian tốt hơn, cách tổ chức cách thức làm việc mới tốt hơn và các chương trình gắn kết nhân viên để hỗ trợ sự tập trung, giảm thiểu sự phân tâm và căng thẳng cũng như hỗ trợ tinh thần cho người lao động tốt hơn".

Nhiều tổ chức dự kiến sẽ áp dụng mô hình làm việc hybrid với không gian vật lý dành cho các hoạt động xã hội hóa, ngoài ra nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ cho các cuộc họp, làm việc hằng ngày và quản lý nhân sự.

Và việc sử dụng công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo tiền đề cho những cách thức làm việc mới. Các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu các ứng dụng tích hợp tại nơi làm việc để cung cấp cho họ quyền truy cập liên tục và quản trị văn phòng, chẳng hạn như lên lịch phòng họp tự động, quản lý dịch vụ tòa nhà và cung cấp tiện nghi cho nhân viên. Và cũng chính bởi vậy, thị trường bất động sản văn phòng cho thuê cũng sẽ chịu nhiều thay đổi lớn. Khách hàng cũng sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn với các mặt bằng cho thuê và sự yêu cầu về công nghệ là không thể tránh khỏi.

Hamley nói: “Cơ hội để định hình công việc và xây dựng văn phòng trong tương lai chưa bao giờ lớn hơn lúc này. Các công ty nên khám phá tất cả các giải pháp linh hoạt và phù hợp với mình, đặc biệt là mô hình hybrid trên nền tảng ứng dụng công nghệ”.

Fintech đứng trước cơ hội bùng nổ trên thị trường bất động sản

Một loạt các giải pháp công nghệ ứng dụng trong giao dịch đang giúp cho việc mua bán bất động sản đơn giản hơn nhiều so với trước đây.

Với rất nhiều người và gia đình, điều căng thẳng nhất và phải suy nghĩ nhiều nhất chính là mua một ngôi nhà. Từ việc phải tìm kiếm những sản phẩm phù hợp đến việc thực hiện các thủ tục hành chính, hay các tranh chấp mà người mua không thể tưởng tượng nổi… các vấn đề có thể phát sinh khi mua một bất động sản rất nhiều và phức tạp.

Một cuộc khảo sát gần đây của HSBC cho thấy 37% người mua nhà cảm thấy không thoải mái khi buộc phải tiếp xúc với các đại lý, luật sư và nhân viên bán hàng, trong khi gần 30% nói rằng việc đàm phán giá là “rất mệt mỏi”.

Điều đáng ngạc nhiên là dù như vậy nhưng trước đây, các ứng dụng công nghệ lại gần như không thể “chen vào” các cuộc giao dịch bất động sản để giúp khâu này gọn nhẹ hơn.

Kosta Ligris, một doanh nhân bất động sản và là giảng viên về đổi mới công nghệ tại Trường Quản lý MIT Sloan cho biết: “Cuối cùng thì, trong bối cảnh đại dịch và trong dòng chảy của thị trường, chính công nghệ mới là ngành có khả năng chống chịu trước khó khăn và chống lại sự thay đổi. Chúng tôi thường nói với nhau rằng “đây là cách mà công nghệ luôn làm” khi nói đến tất cả các dịch vụ và sản phẩm cần thiết cho một giao dịch bất động sản. Bởi vì có rất nhiều việc mà công nghệ có thể thay thế và giúp cả người bán và người mua dễ thở hơn, nhưng chưa được khai thác đúng mực".

Về cốt lõi, fintech được sử dụng để giúp các công ty, chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng quản lý tốt hơn các hoạt động tài chính, quy trình và cuộc sống của họ bằng cách sử dụng phần mềm và thuật toán chuyên biệt. Được quản lý bởi các phương thức sinh lợi như hệ thống thanh toán trực tuyến,… công nghệ này có thể cung cấp nền tảng lý tưởng cho thị trường bất động sản phát triển mạnh.

Đầu tư toàn cầu vào các công ty khởi nghiệp fintech bất động sản đã tăng từ 2,2 tỷ USD lên 31,3 tỷ USD. Giới chuyên gia nhận định, dường như đại dịch lại là chất xúc tác để fintech trở nên bùng nổ trên thị trường bất động sản.

Andy Crisenbery, Phó Chủ tịch cấp cao của eLending Solutions tại Black Knight, một nhà cung cấp phần mềm, dữ liệu và phân tích trong lĩnh vực thế chấp cho biết: “Đại dịch đã thúc đẩy công nghệ vào từng phần của quy trình cho vay thế chấp”.

Thực tế cũng đã chứng minh, đại dịch đã ảnh hưởng sâu sắc đến hầu hết các ngành nghề kinh doanh trên thị trường bất động sản và cho vay. Cả hai đều có truyền thống là các ngành kinh doanh đậm tính xã hội với hàng loạt hoạt động cần có kể từ khi một tài sản được niêm yết để bán, thông qua quá trình mua bán và trong hầu hết các trường hợp, là hoạt động ngân hàng thế chấp và cho vay. Do đó, khi dịch bệnh hoành hành suốt gần 2 năm qua, giới kinh doanh bất động sản thực sự đã phải học lại cách kinh doanh với fintech đóng một vai trò quan trọng trong sự vận động này.

Công nghệ hiện đại và các nền tảng trực tuyến đang cung cấp cho các cá nhân và đơn vị bán hàng cơ hội hoàn tất các giao dịch bằng cách đơn giản hóa quy trình mua và bán bất động sản.

“Nhiều người tham gia thị trường hiện nay đã biết rằng có nhiều dịch vụ mà họ từng tham gia trực tiếp thì nay có thể sử dụng trên nên tảng công nghệ. Đại dịch đã mở mang tầm nhìn của mọi người về các mô hình dịch vụ mới và thay đổi hành vi của người tiêu dùng một cách có cấu trúc hơn: Họ cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện các giao dịch quan trọng trên nền tảng trực tuyến”.

XR, VR, AR có tiềm năng cho nhiều mục đích sử dụng trong bất động sản
XR, VR, AR có tiềm năng cho nhiều mục đích sử dụng trong bất động sản

Một thực tế mới đang mở ra 

Với việc hạn chế  di chuyển do đại dịch, các công nghệ XR – Extended Reality – thực tế mở rộng – đã phát huy tác dụng, mang đến vô số khả năng cho các lĩnh vực từ thiết kế từ xa đến các chuyến tham quan ảo. Sự ra đời của công nghệ thực tế mở rộng (XR) đã tạo nên một cuộc cách mạng. Và các ứng dụng nâng cao của giao diện thực tế ảo (VR) và tăng cường nhập vai (AR) được thiết lập và trở nên giá trị hơn bao giờ hết.

Trước đại dịch, hầu hết các ứng dụng cho VR đều chỉ xoay quanh việc trưng bày các sản phẩm. Với tai nghe VR, các đại lý có thể cung cấp cho khách hàng các chuyến tham quan mà không cần phải đến trực tiếp. Tuy nhiên trước đây, tính ứng dụng của công nghệ này vẫn còn rất hạn chế. Và tính đến năm 2019, trò chơi và giải trí vẫn là lĩnh vực ứng dụng VR nhiều nhất.

Edward Parry-Jones, JLL cho biết: “Một số đơn vị bán hàng trước đây có thể đã sai lầm khi thận trọng và tránh các chuyên tham quan ảo để mong có thể gặp gỡ trực tiếp khách mua bất động sản. Những người này có thể nghi ngờ sự nghiêm túc của người mua nếu họ không muốn xem trực tiếp. Nhưng điều này đến nay đã thay đổi vì ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến nay đã thay đổi nhận thức của mọi người và nhiều người đã thích ứng với điều đó, đặc biệt là sau 2 năm dịch bệnh hoành hành".

Đây là thông tin tích cực cho các công ty chuyên về công nghệ.

HubLearn, một doanh nghiệp xã hội chuyên tập huấn cho nhiều công ty trong nhiều ngành khác nhau về cách kết hợp công nghệ XR vào hoạt động kinh doanh, đã hợp tác với các công ty bất động sản để phát triển các chuyến tham quan ảo. Người sáng lập Adam Dollner khẳng định rằng đại dịch đã thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm bất động sản VR. Nhưng ông tin rằng thị trường bất động sản vẫn còn chần chừ trong việc đón nhận các cơ hội do XR mang lại.

“Ngay cả trong gần 2 năm qua, khi có nhu cầu đáng kể về các giải pháp từ xa, sáng tạo, tôi đã rất ngạc nhiên bởi việc áp dụng VR, XR vào thị trường bất động sản rất hạn chế. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong ngành vẫn chưa biết về những gì mà công nghệ có thể thực sự mang lại với thị trường bất động sản. Nhiều nhà phát triển và đại lý lớn trong thời kỳ đại dịch vẫn đang dựa vào một phương thức rất truyền thống là các bức ảnh và video quay bằng điện thoại, để bán hàng.

Trong khi đó, các công cụ XR khác cung cấp cho các nhà đầu tư, chủ sở hữu và khách hàng những hiểu biết sâu sắc về thiết kế, bố trí và xây dựng tiềm năng của các dự án trong tương lai, trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việc sử dụng các ứng dụng thực tế tăng cường (AR) - cho phép khách hàng khám phá các phiên bản kích thước thực của các sản phẩm bất động sản trong tương lai thông qua điện thoại hoặc máy tính bảng. Và đây sẽ là yếu tố khiến các doanh nghiệp sở hữu công nghệ này trở thành người thay đổi cuộc chơi trên thị trường bất động sản”, Adam Dollner nhấn mạnh.

Dù vậy, để đến khi thị trường bất động sản hoàn toàn chấp nhận và quen với việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động trên thị trường sẽ mất rất nhiều thời gian. Bởi hiện tại, không phải ai cũng tin vào những ứng dụng này.

“Sẽ chưa có những thay đổi đáng kể trên diện rộng cho đến khi các gã khổng lồ đứng đầu thị trường bất động sản ở các nước vượt qua sự bảo thủ và thực sự tiếp cận với công nghệ. Cuối cùng thì thế hệ trẻ - những người đang lớn lên cùng công nghệ - sẽ thay thế những người đi trước, nhưng cho đến lúc đó rất có thể, hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ vẫn diễn ra như bình thường”, Dollner chia sẻ.

Nguồn: https://reatimes.vn/khung-hoang-vi-dai-dich-covid-19-cong-nghe-nhanh-chan-len-loi-vao-thi-truong-bat-dong-san-20201224000009314.html