Không phải "tổ chim", HH là tổ ấm!
Cập nhật lúc: 08/05/2018, 11:02
Cập nhật lúc: 08/05/2018, 11:02
HH là 2 từ được gọi tắt của Tổ hợp Nhà ở Thương mại và dịch vụ HH Linh Đàm do chủ đầu tư là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Nhắc đến đây chắc ai cũng biết đến một nhân vật đình đàm trong lĩnh vực Bất động sản, người đứng sau những tòa nhà chung cư đông đúc tại những mảnh đất thuận tiện bậc nhất thủ đô. Đó là ông Lê Thanh Thản
Nhưng bài viết này chẳng phải nhằm vào ông ấy, hay vào những tranh cãi đã kéo dài liên tục vài năm qua. Đây là những suy nghĩ của một cư dân HH Linh Đàm, người đang trực tiếp sinh sống và cảm nhận cuộc sống tại nơi này.
Đối với những công chức tỉnh lẻ lên lập nghiệp tại Hà Nội, để có một nơi an cư không phải là điều dễ dàng. Nó là giấc mơ xa vời mà không biết bao giờ với tới được. Để có một nơi an cư thuận tiện cho công việc, sinh hoạt, lại hợp túi tiền càng khó như lên trời. Đúng lúc hoang mang và chán chường sau liên tiếp những lần vợ chồng dắt díu nhau chuyển từ nhà trọ này sang nhà trọ khác thì thông tin về dự án nhà ở HH xuất hiện, nó như cơn mưa thỏa cơn khát của biết bao người dân tỉnh lẻ nghèo, trong đó có vợ chồng tôi.
Rồi những người như vợ chồng tôi cũng có một cơ ngơi, nhưng cũng là trách nhiệm. Trách nhiệm lao động để trả tiền cho giấc mơ của mình, trách nhiệm để xây dựng nơi đang sống trở thành một nơi đáng sống. Tôi tin rằng, hầu hết những người ở HH đều đang cố gắng xây dựng tập thể đáng sống như thế.
Ấy thế mà đâu có được yên. HH lên báo với toàn những từ ngữ “không muốn nghe, không muốn nhìn”. Nào là họ bảo nhà chúng tôi như tổ ong, tổ chim, ổ chuột hay tổ gì gì đó; nào là họ nói chúng tôi phá nát khu đô thị kiểu mẫu. Có những kẻ còn lộng ngôn dùng những từ ngữ chê bai, đả kích, có phần hạ nhục những con người đang sống tại đây.
Mà kể cũng lạ, mấy bài báo lên cứ nói mãi mấy chuyện về thang máy, về nước nôi, điện đóm, xe cộ như thể đang sống tại HH vậy. Có khi những người dân đang sống tại đây, như tôi chẳng hạn nhiều lúc còn há hốc mồm và tự hỏi: “Ồ, có chuyện đó sao mình không biết nhỉ”. Chắc nhiều trong số cư dân HH cũng nghĩ như vậy.
Thế mới thấy, người dân HH chưa kêu khổ, kêu chán, mà anh em báo chí đã “yêu thương” đến độ “săm soi, nhòm ngó” khóc hộ luôn. Thật cảm động quá mà!
Người ta tìm kiếm sự tiện nghi, chúng tôi tìm kiếm tình người
Sống tại nơi này, điều tôi tự hào nhất không phải vì có nhà, có xe. Mà tôi được sống trong một nơi giàu tình cảm bậc nhất. Gọi HH là làng quê cũng chẳng sai, vì đến đây mới thấy cái không gian thân tình, đầm ấm thế nào. Vui thì ới nhau uống chén trà ly rượu, buồn thì rủ nhau tâm sự giãi bày. Thử hỏi trong cuộc sống ồn ào náo nhiệt ở nhiều khu đô thị mới, làm sao có được những người hàng xóm thân thương đến vậy.
Ngay tại nơi tôi sống, tôi không chỉ có thêm những người hàng xóm, mà đó còn là anh chị em, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công việc, bên nhau mỗi khi trái gió trở trời và cùng nhau tạo niềm vui, tiếng cười trong cuộc sống đã vốn nhiều lo toan
Chúng tôi cùng nhau xây dựng một cộng đồng từ những thứ “cây nhà lá vườn” nhất, đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Đó là những đội cổ động náo nhiệt với nhân tố là những “mẹ bỉm sữa”, đó là đội bóng đã xuất phát từ những ông bố “trụ cột gia đình”.
Tôi từng biết một “việc tử tế” tại nơi tôi đang sống. Đó là từ một lời kêu cứu của một em bé không may mắc bệnh hiểm nghèo, cả tòa nhà chúng tôi không ai bảo ai, người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, mặc mưa gió bão bùng đến động viên cho em và gia đình. Mà đó chỉ là những gì ít ỏi tôi biết, còn nhiều nhiều những điều tốt đẹp vẫn đang diễn ra tại nơi này.
Thế mới thấy, người ta không thể hành động nếu không có tình yêu. Và nếu không có tình yêu với nơi mình đang sống, thì thử hỏi cuộc đời sẽ đau khổ như thế nào!!!
Nói thế không phải nơi tôi sống hoàn hảo quá. Nó có vấn đề, rất nhiều là đằng khác. Môi trường nào cũng có người tốt – kẻ xấu, nhất là tại nơi đông đúc hơn 10 vạn dân thì cũng có người ý thức tốt, có người tồi. Điều những người ở HH đang làm là cố gắng sống tốt và lan tỏa giá trị đẹp đến mọi người. Cư dân HH biết họ đang sống như thế nào, hãy cho họ thời gian để hoàn thiện.
Gửi những người “dùng ngòi bút xoay chuyển càn khôn”
Tôi biết nhiều anh chị em nhà báo sẽ chau mày khi tôi viết bài này. Nhưng ngoài việc là một người dân HH, tôi cũng là một người hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Nghề báo yêu cầu chúng ta phải “bôn tẩu, kiếm tìm” chứ không phải viết bài qua điện thoại, facebook.
“Một nửa bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, còn một nửa sự thật không còn là sự thật”. Chân lý đó luôn luôn đúng. Nếu vẫn tiếp tục là những bài viết xuất phát từ một nửa sự thật, thì bài viết đó sẽ nhanh chóng chìm vào lãng quên.
Chắc hẳn không phóng viên nào muốn tên tuổi của mình chỉ là hư vô.
20:39, 07/05/2018
22:11, 23/03/2018
21:56, 20/03/2018
21:50, 20/03/2018