22/11/2024 | 01:30 GMT+7, Hà Nội

Không để tình trạng khan hiếm, tăng giá mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên Đán

Cập nhật lúc: 28/12/2020, 10:00

Các doanh nghiệp TP.HCM đã chuẩn bị 19.679,7 tỷ đồng để cung ứng, phân phối hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng dịp Tết Tân Sửu.

Không để tình trang khan hiếm, tăng giá các mặt hàng thiết yếu Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định, sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm.

Sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng. Với con số thông tin về nguồn cung hàng hóa từ các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, có thể tương đối yên tâm về nguồn cung hàng hóa cuối năm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết và cuối năm.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào 30, 31/1/2021 (rơi vào những ngày cuối tuần và là ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào ngày 6, 7/2/2021 (25, 26 tháng Chạp âm lịch), các nhà sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng.

Về giá cả, do nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình chuẩn bị Tết khá chu đáo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Bộ Công Thương dự báo, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn.

Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở ngành, làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Cụ thể, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027,3 tỷ đồng), trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng.

Riêng Tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.

Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4% – 17,3% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 12% – 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020.

Đặc biệt, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, căn cứ Quyết định số 1115/QĐ-UBND, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35% - 50% nhu cầu thị trường.

Đồng thời, để bổ sung nguồn hàng Tết phục vụ người tiêu dùng Thành phố, Sở Công Thương Thành phố phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành tổ chức thành công Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 (29 địa phương và 486 Doanh nghiệp các Tỉnh, thành phố tham gia, doanh thu đạt 40 tỷ đồng) và Hội nghị Kết nối cung – cầu giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2020. Nhờ đó, vào dịp Tết trên địa bàn thành phố sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết với giá cả không tăng, tương đương giá trị năm 2019 nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức mua và tiêu thụ của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo.

Các hệ thống phân phối lớn như: Sàigòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% – 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/tphcm-khong-de-tinh-trang-khan-hiem-tang-gia-cac-mat-hang-thiet-yeu-dip-tet-nguyen-dan-post110851.html