Khó kiếm khách thuê mặt bằng bán lẻ tại các chung cư Hà Nội
Cập nhật lúc: 13/02/2022, 09:24
Cập nhật lúc: 13/02/2022, 09:24
Những đợt bùng phát dịch kèm theo lệnh giãn cách kéo dài đã khiến 2021 trở thành một năm ảm đạm đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tình hình kinh doanh kém khởi sắc của các đơn vị bán lẻ đã gây ra áp lực kinh tế lớn trong việc duy trì mặt bằng cho thuê.
Nhiều doanh nghiệp đã phải trả lại cửa hàng hoặc dừng hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình hoạt động của phân khúc bất động sản bán lẻ.
Theo báo cáo quý IV/2021 của Savills Việt Nam, công suất cho thuê tại thị trường Hà Nội thấp hơn so với năm trước. Cụ thể, công suất thuê chung của toàn thị trường đạt 92%, giảm 2 điểm % theo quý và theo năm.
Riêng hạng mục khối đế bán lẻ ghi nhận mức giảm cao nhất do tỷ lệ lấp đầy thấp từ các dự án mới. Khu vực phía đông bị ảnh hưởng nặng nề trong quý IV với diện tích khách thuê giảm 7.000 m2.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, lý giải do phần lớn khách thuê khu vực khối đế TTTM và TTTM tại các chung cư cung cấp tiện ích cho người dân tại dự án, họ là nhóm đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh đóng cửa kéo dài.
"Hạn chế tiếp xúc trực tiếp đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các đơn vị ngành hàng dịch vụ, bao gồm nhà hàng, gym, và spa. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc tạo ra thu nhập và trả tiền thuê mặt bằng. Hậu quả là họ phải di dời địa điểm hoặc đóng cửa hàng, bà Nguyệt Minh nói.
Trước những thay đổi của thị trường bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh chia sẻ các giải pháp dành cho nhà phát triển bất động sản để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách thuê và giải quyết bài toán về mặt bằng.
Thứ nhất, các đơn vị cho thuê bán lẻ nên cân nhắc điều chỉnh lại phương án giá thuê và thời hạn thanh toán tiền thuê trong thời gian dịch Covid-19 kéo dài. Ví dụ, các hộ kinh doanh có thể được phép thanh toán hàng tháng, thay vì đóng gộp 3 tháng như trước.
Để giảm áp lực tài chính cho các nhãn hàng trong giai đoạn phục hồi hoạt động kinh doanh, giá thuê có thể giảm 20-30% và sẽ được thanh toán bù vào các năm sau của hợp đồng. Ngoài ra, các nhà phát triển TTTM và dự án chung cư cũng nên cân nhắc các tiện ích khác về chỗ để xe hay biển hiệu quảng cáo.
Thứ hai, hoạt động truyền thông marketing cũng cần được các nhà phát triển chủ động xem xét và thực hiện để tăng nhận diện cũng như kéo nhiều nhãn hàng bán lẻ về thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy tốt và ổn định.
Thứ ba, diễn biến dịch bệnh khó dự đoán cũng yêu cầu nhà phát triển bất động sản phải luôn chuẩn bị phương án dự phòng để sẵn sàng thích nghi. Một phương án tiềm năng mà đơn vị cho thuê có thể cân nhắc là việc phân bổ hoặc tái cơ cấu mặt bằng.
Thay vì cung cấp địa điểm cho mục đích thương mại, tầng khối đế thuộc các TTTM và dự án chung cư có thể được tận dụng với công năng cho thuê văn phòng.
Vị chuyên gia của Savills cũng nhấn mạnh thị trường bán lẻ trong năm vừa qua cũng nhận thấy nhu cầu gia tăng trong việc mở rộng cửa hàng flagship thuộc các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, và ẩm thực.
Mặc dù giá thuê mặt bằng bị đẩy lên 15% so với cùng kỳ năm trước do hạn chế về nguồn cung, Savills cho biết nhiều doanh nghiệp bán lẻ hạng sang ở khu vực trung tâm vẫn có dự định đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Hà Nội.
Những giao dịch cho thuê mặt bằng nhỏ ở Tràng Tiền Plaza, Metropole Arcade và Pacific Place gần đây thể hiện sự sẵn sàng mở rộng quy mô của những thương hiệu phân khúc cao cấp.
Vì vậy, đây cũng là xu hướng mà các nhà phát triển mặt bằng bán lẻ TTTM hay chung cư cần quan tâm để cải thiện tình hình cho thuê và đảm bảo tỷ lệ lấp đầy trong tương lai.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/kho-kiem-khach-thue-mat-bang-ban-le-tai-cac-chung-cu-ha-noi-326288.html
10:15, 06/01/2022
06:06, 02/01/2022
06:15, 18/11/2021