19/01/2025 | 13:24 GMT+7, Hà Nội

Khó khăn của doanh nghiệp thép 6 tháng cuối năm

Cập nhật lúc: 27/06/2022, 06:32

Các doanh nghiệp (DN) thép trong nước sẽ tiếp tục đương đầu với những khó khăn, thách thức và những yếu tố bất ổn trong 6 tháng cuối năm 2022.

Đó là nhận định của ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tại Toạ đàm “Tháo gỡ khó khăn để ngành thép phát triển bền vững” vừa qua.

Khó khăn của doanh nghiệp thép 6 tháng cuối năm
Khó khăn của doanh nghiệp thép 6 tháng cuối năm

Ngay từ đầu năm 2022, VSA nhận định đây sẽ là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với doanh nghiệp ngành thép Việt Nam. Nhận định này xuất phát từ một số yếu tố như: đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn; biến động lớn về địa chính trị trên thế giới; chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng; diễn biến khó lường của thị trường thép Trung Quốc… Đặc biệt, cuối tháng 2/2022, xung đột Nga - Ukraine khiến tình hình giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào của ngành thép liên tục gia tăng.

Trong khi đó, ở trong nước, ngân hàng mạnh tay “siết” tín dụng cho vay bất động sản; giải ngân vốn đầu tư công chậm… cũng tác động tiêu cực đến ngành thép Việt Nam thời gian qua.
“Trong quý I, ngành thép vẫn còn hưởng “vị ngọt” tăng trưởng của năm 2021. Tuy nhiên, bước sang quý II, các DN trong ngành bắt đầu “lao đao” khi giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao. Đặc biệt, từ cuối tháng 5 đến nay, DN thép đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Đa cho biết.

Điển hình là về giá. Hiện giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất thép như: than, dầu, khí… đều tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm liên tục giảm, dẫn đến tiêu thụ chậm, hàng tồn kho cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN thép sụt giảm; thậm chí, trong tháng 6/2022, xuất hiện một số DN thua lỗ.

Chia sẻ thực trạng của DN mình, ông Trịnh Tiến Anh - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam cho hay: “Tại thời điểm này, hàng tồn kho của Shengli Việt Nam rất cao do nhu cầu về thép xây dựng thấp. Để tháo gỡ, DN bắt buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến DN”.

Lãnh đạo VSA hy vọng, với những kinh nghiệm tích lũy được trong việc ứng phó của thị trường nhiều năm qua, các DN thép Việt Nam sẽ tìm ra những giải pháp, đặc biệt là có những giải pháp sáng tạo để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.

Nguồn: https://congly.vn/kho-khan-cua-doanh-nghiep-thep-6-thang-cuoi-nam-209420.html