20/01/2025 | 03:37 GMT+7, Hà Nội

Khó chặn được bạo lực học đường nếu bệnh thành tích núp bóng “nhân văn”

Cập nhật lúc: 04/04/2019, 13:40

Trong thời gian gần đây, ở một vài nơi như Hưng Yên, Nghệ An… đã xảy ra hàng loạt vụ bạo hành, điều này đang cho thấy bạo lực học đường ngày càng đáng sợ. Đã đến lúc, không thể coi đây là hiện tượng bình thường của xã hội và chỉ “hô hào” phòng, chống trên văn bản, lấp liếm vì bệnh thành tích, dưới vỏ bọc “nhân văn”.

 

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường gần đây gây bức xúc dư luận. (Ảnh cắt từ clip).

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường gần đây gây bức xúc dư luận. (Ảnh cắt từ clip).

Liên tiếp những màn đánh “hội đồng” dã man bạn học

Những ngày gần đây, dư luận xã hội hết sức bất bình trước một loạt clip được người trong cuộc là những học sinh tiểu học, trung học đưa lên mạng xã hội. Sau khi xem clip, nhiều người bật khóc vì thương những nạn nhân. Tiêu biểu như, sự việc nữ sinh bị bạn học lột quần áo, đánh “hội đồng” tại lớp học vào ngày 22/3 tại Trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên. Ngay sau khi vừa tan học, giáo viên chủ nhiệm ra về, một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 đã đánh nữ sinh H.Y. Nữ sinh này bị lột quần áo, bị liên tiếp đấm đá vào vùng mặt đau đớn, chỉ biết ôm mặt.

Trong khi cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ sự việc ở Hưng Yên thì vào ngày 1/4, trên mạng xã hội xuất hiện clip 1 nữ sinh bị một nhóm nữ sinh khác bắt quỳ xin lỗi và tát vào mặt xảy ra tại địa bàn xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu. Cụ thể, người bị bắt quỳ, đánh trong clip là em H.T.P.Th (lớp 7, Trường THCS Diễn Hùng). Nhóm nữ sinh bắt em Th quỳ và đánh gồm em T.T.H.Tr (lớp 8, Trường THCS Diễn Hùng) và 4 người bạn khác cũng ở lớp 8, Trường THCS Diễn Kim, huyện Diễn Châu. Cũng tại Nghệ An, sáng 3/4, lãnh đạo Trường Tiểu học Cửa Nam 1 (phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An) cho biết, trường sẽ có hình thức xử lý việc một em học sinh dùng dao gây thương tích bạn ở trường xảy ra vào ngày 2/4.

Thừa nhận các vụ việc bạo lực học đường hiện nay có xu hướng phức tạp, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, mới diễn ra cách đây 2 ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Bộ đã đề nghị các địa phương xử lý nghiêm những nơi xảy ra vi phạm. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các văn bản quy định đã đủ, đã phân công rõ trách nhiệm đến từng Bộ, ngành. Tuy vậy, một số địa phương, trường học và cơ sở giáo dục, giáo viên thực hiện chưa nghiêm. Điều đó khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng phức tạp.

Làm sao để ngăn chặn dứt điểm?

Trước một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng trong thời gian gần đây, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, học sinh đánh bạn rồi quay clip hầu như không hiểu biết pháp luật, không ý thức được việc làm của mình sai thế nào và phải chịu trách nhiệm ra sao. Hầu hết các em đều dưới 16 tuổi nên chủ yếu bị phạt dưới góc độ nhà trường. Do đó, cần có chế tài mạnh hơn như phạt tiền chẳng hạn, để chính các em hiểu được bản thân các em và gia đình phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái do mình gây ra. Ngoài ra, các em có thể tiếp tục đi học nhưng phải lao động công ích để suy ngẫm về sai phạm của mình.

Chia sẻ thêm về các biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục phải thay đổi phương pháp giáo dục cho phù hợp. Ngoài học văn hóa, các em cần phải được tăng cường học cách tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng bản thân và khoan dung với bạn học, đó mới là giải pháp hữu hiệu để triệt tiêu bạo lực học đường. Ngoài ra, vai trò của giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng nhà trường cũng hết sức quan trọng, phải là những người có các kỹ năng xử lý tốt các tình huống, gần gũi, lắng nghe và chia sẻ để hiểu, tư vấn cho các em không được làm các hành vi xấu”.

Về các quy định hiện nay, nếu chiếu theo quy định Thông tư 08/TT Bộ Giáo dục (ban hành năm 1988), Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD&ĐT, các mức phạt học sinh đánh nhau cũng chỉ ở các mức khá nhẹ từ cảnh cáo đến buộc thôi học có thời hạn (cao nhất là 1 năm). Ngoài ra, sau một số vụ việc xảy ra, giáo viên, Ban Lãnh đạo nhà trường thường dấu diếm, xử lý nhẹ dưới vỏ bọc “nhân văn”, nhưng thực tế vì danh tiếng nhà trường, thành tích của tập thể, cá nhân là chính.

Trong khi các hình phạt nhà trường mang tính nhân văn, giáo dục là chủ yếu và chưa đủ mạnh. Để phòng, chống bạo lực học đường, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Ngoài các biện pháp tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh, trong trường hợp các trường học để xảy ra tình trạng bạo lực học đường nghiêm trọng, Hiệu trưởng của trường này và cán bộ quản lý giáo dục địa phương nên từ chức để thể hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng. Có thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy thì mới mong đầy lùi được nạn bạo lực học đường cũng như bảo vệ tốt hơn đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của học sinh”.

Xử lý nghiêm đơn vị để xảy ra bạo lực học đường như: Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã đề cập đến việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, giáo viên nơi xảy ra vụ việc. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ cũng đã trao đổi với các địa phương xử lý kiên quyết cho thôi chức vụ, vì không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao. Còn những hiện tượng, tùy theo mức độ sẽ xử lý theo quy định. Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc khắc phục hiệu quả tình trạng bạo lực học đường.

Về giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, đề nghị lãnh đạo địa phương, các nhà trường nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường, có các giải pháp quyết liệt để không tái diễn các trường hợp tương tự. Ban Giám hiệu, giáo viên các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm các quy định để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo niềm tin cho phụ huynh gửi con đến trường. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với một số Bộ, ngành thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra và xây dựng các chương trình về tâm lý học đường cho các em, có các hoạt động để hóa giải các bức xúc, những vấn đề về đạo đức nhà giáo…

 

Quang Anh