19/01/2025 | 10:08 GMT+7, Hà Nội

Khi người học bị coi là lợn?

Cập nhật lúc: 08/05/2018, 08:05

Tôi từng là nhà giáo, từng bị học sinh miệt thị, từng có lúc cảm thấy cuộc đời không đáng để mình cứ phải hy sinh. Nhưng rốt cuộc, chỉ vì luôn ý thức mình là thầy (dù là thầy bất đắc dĩ và học vẫn là chính) mà phải nén xuống những cơn giận hờn, bực tức, quên đi cả quyền chính đáng nhất là được mắng xối xả vào mặt ai đó.

Trong cuộc sống hằng ngày, có vô số tình huống để ta trút bỏ những cơn thịnh nộ. Và người làm thầy thì trước tiên cũng là con người, với tất cả những cái hay, cái dở như bất cứ ai. Nếu có lúc họ có hành xử giống người bình thường, thì cũng chẳng có gì đáng phải làm ầm lên?

Không ai có thể cãi lại lập luận đó. Nhưng nếu thế thì chúng ta sẽ không có và cũng không cần phải có những bậc thầy. Bởi vì làm thầy người khác (ở đây là các học sinh, sinh viên, những người đi học…) luôn chịu khổ cực trước rồi danh giá, nếu có, mới đến sau. Khổ nhất là không phải lúc nào cũng được thoải mái sống như người bình thường.

Người bình thường có thể ăn uống nhồm nhoàm, nói năng bạt mạng, chửi tục chửi thề văng mạng mỗi khi cáu giận, trong khi người làm thầy thì không được phép.

Thầy, trong quan niệm về thứ bậc quan trọng của dân gian, cả về tầm ảnh hưởng và quyền uy, xếp ngang hàng với vua và cha. Không thầy, đố mày làm nên! Khi ông bà chúng ta răn dạy con cháu như vậy để chúng biết cách ứng xử với thầy, thì các cụ cũng đặt kì vọng to lớn vào người làm thầy, đòi hỏi người làm thầy phải là một người hoàn hảo cả về tài và đức. Học trò có thể hư hỗn, chứ thầy thì không được phép hạ mình nói những điều tầm thường, không được phép nguyền rủa học trò kể cả khi dạy bảo bằng những lời lẽ nghiêm khắc nhất. Bởi vì trong mọi thời đại mà sự học được coi trọng, dưới mắt thẩy, học trò là con, là vốn quý cần nâng niu, chăm bẵm, là tương lai của chính mình.

Vì thế cả xã hội có lý do để nổi giận khi cô giáo tại trung tâm dạy tiếng Anh mắng học trò là lợn! Đoạn clip ghi lại cuộc đối thoại giữa người dạy và người học (trong đó chủ yếu là những lời rủa xả, văng tục của cô giáo) được ghi lại, là vết nhơ rất khó gột của ngành giáo dục nước nhà. Bất cứ người bình thường nào nghe được, cũng thấy xấu hổ, thấy bị xúc phạm về mặt văn hóa, chứ không chỉ riêng những người làm thầy. Có đủ cả những thứ mà hễ một trong số chúng xuất hiện là nền giáo dục sẽ phải cúi gằm mặt: Đó là tiền bạc bày sàng, là sự mặc cả trắng trợn, là những lời lẽ uế tạp, là sự thô bỉ trong thái độ, là sự xổ toẹt các giá trị kinh điển của giáo dục…

Hình ảnh cắt từ clip cô T. mắng chửi học viên thậm tệ

Hình ảnh cắt từ clip cô T. mắng chửi học viên thậm tệ

Có một số lời kêu gọi hãy thể tất cho cô giáo dạy tiếng Anh, rằng vì cô trẻ người non dạ, rằng vì đó chỉ là lớp học ngoại ngữ, rằng mọi người nên quen với sự sòng phẳng trong các quy chế thưởng phạt, rằng lỗi một phần ở phía học viên v.v. Nghe cũng thấy mủi lòng! Nhưng nếu đó là lớp hướng dẫn kỹ thuật thiến lợn cho các chủ trại chăn nuôi, thì có thể xem xét. Còn khi nó được khoác danh nghĩa là Trung tâm giáo dục, thì cho dù người đến học chỉ thuần túy học các kĩ năng phát âm, nó cũng không được phép phá vỡ hay bỏ qua các tiêu chuẩn bất biến của giáo dục, trong đó có tiêu chuẩn quan trọng là phải đảm bảo tạo ra các tấm gương về đối nhân xử thế, cho cả cộng đồng. Có những lỗi lầm trong giáo dục nếu bị bỏ qua, sẽ kéo theo sự mục ruỗng dây truyền vô phương cứu chữa!

Tôi không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này, nên chỉ xin có vài lời lạm bàn:

Theo tôi, thầy, khác một trời một vực với loại mượn danh thầy mang chữ đi bán. Làm thầy khó vô cùng. Vì thế, nếu không thể làm thầy, thì làm nhà buôn, làm nhân viên tiếp thị một cách danh chính, cũng là những nghề danh giá. Đừng vì bất cứ động cơ gì mà cố đóng vai thầy, để rồi biến nền giáo dục của chúng ta thành nơi coi người học là đối tượng đánh quả.

Nhà văn Tạ Duy Anh