Vụ trường “ma” GWIS tại Việt Nam: Vẫn chờ Bộ Giáo dục lên tiếng
Cập nhật lúc: 26/04/2018, 08:30
Cập nhật lúc: 26/04/2018, 08:30
GWIS là tên viết tắt của trường George Washington International School – một cơ sở giáo dục “ma” do ông Việt kiều Philip Nguyen “sáng lập” nhằm kiếm tiền phi pháp từ 2011.
Với những lời giới thiệu có cánh như hệ thống giáo dục đẳng cấp, giáo trình ưu việt và đội ngũ giáo viên hàng đầu cùng sự khôn khéo của những kẻ đứng đầu, GWIS đã chiếm được lòng tin của ít nhất 14 Sở Giáo dục các tỉnh thành.
Qua đó, rất nhiều trường từ cấp 1 tới cấp 3 đã bị “ăn trái đắng” khi đặt bút ký vào hợp đồng liên kết giúp GWIS và những kẻ cầm đầu đút túi những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Đáng kể nhất, có thể kể đến trường Phổ thông Quốc tế Newton (Hà Nội), trường tiểu học Âu Cơ và THCS Hùng Vương (Thành phố Tuy Hòa), trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Thành phố Quy Nhơn), Trường tiểu học - Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Victory (Đắk Lắk), trường Tiểu học - THCS - THPT Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh và trường Hồng Hà - trường Trung Cấp Đông Nam Á (cùng ở TPHCM),…
Ngoài ra, các địa phương khác như, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tiền Giang, Quảng Ngãi... đều có chương trình liên kết với GWIS đã được cấp phép bởi các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng như chính quyền địa phương.
Điều này quả thực là một cú lừa kinh điển đối với ngành giáo dục Việt Nam.
Không rõ vì những nguyên nhân nào mà việc GWIS chỉ là một trường “ma”, không có thật nhưng vẫn có thể lọt qua rất nhiều vòng thẩm định của các Sở ban ngành và điềm nhiên ký kết hợp đồng hợp tác với hàng chục trường, Sở giáo dục trên cả nước trong suốt 8 năm qua.
Thậm chí, đến khi sự việc bước đầu được làm rõ, người “sáng lập” ra GWIS vẫn còn rất tự tin gửi công văn và giải trình sự việc với Sở Giáo dục Hà Nội. Thậm chí, ngay cả cơ quan này cũng đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ về trường hợp của trường Newton và GWIS với quan điểm cho rằng đây là một ngôi trường đàng hoàng.
Chỉ đến khi Đại sứ quán Mỹ lên tiếng, cho biết họ không thể tìm được thông tin nào liên quan đến sự tồn tại thực tế của GWIS tại Mỹ thì phụ huynh, học sinh và các Sở ban ngành mới thực sự tin vào sự thật bẽ bàng đằng sau sự hào nhoáng của GWIS.
Mới đây nhất, ngày 25/4, xác minh từ các cơ quan báo chí và chính những bậc phụ huynh từ Sở Giáo dục Florida, nơi GWIS đăng ký hoạt động cũng khẳng định trường này không hề có học sinh, giáo viên và giáo trình. Các cuộc điều tra thường niên từ chính quyền địa phương đã phát hiện ra điều này từ lâu và xác nhận trường này ở chế độ "closed" (đã đóng cửa).
Vậy là, hóa ra, tất cả chúng ta đều đã bị lừa gạt trong một thời gian quá dài. Các bậc phụ huynh và học sinh thì tin tưởng vào nhà trường. Nhà trường thì tin vào Sở Giáo dục. Sở Giáo dục thì tin vào các giấy tờ hồ sơ mà GWIS cung cấp.
Tuy nhiên, việc để lọt GWIS cho thấy năng lực thẩm định của các Sở Giáo dục đang “có vấn đề” khi không phải chỉ một mà tới 14 Sở Giáo dục đồng ý trải thảm đỏ cho GWIS mà không hề phát hiện sự lừa dối của ngôi trường này.
Ở đây, cũng cần nói thêm rằng, GWIS mà đại diện là “nhà sáng lập” Phillip Nguyen đã trưng ra một cái giấy kiểm định về GWIS do trung tâm kiểm định FRACC cấp mà trung tâm này đã bị FBI Mỹ đóng cửa năm 2012. Thế nhưng, các Sở Giáo dục, hoặc không cập nhật tin tức, hoặc đã quá chủ quan nên đã hoàn toàn tin vào giấy kiểm định “ma” của GWIS.
Còn về các giấy tờ có dấu công chứng của Đại sứ quán Mỹ? Thực tế là Đại sứ quán tại các nước không có trách nhiệm đi kiểm định thông tin. Họ chỉ công chứng, chứng thực thân nhân và tổ chức còn nội dung thì bên đi công chứng tự chịu trách nhiệm. Phillip Nguyễn quốc tịch Mỹ và GWIS là một doanh nghiệp được đăng ký tại Florida thì Đại sứ quán Mỹ xác nhận là hoàn toàn bình thường, giống như người Việt Nam ra phường xin xác nhận thân nhân trong Sơ yếu lý lịch vậy.
Bên cạnh đó, khi sự việc đã vỡ lở và không chỉ gói gọn trong phạm vi một tỉnh thành hay trách nhiệm của một Sở Giáo dục địa phương mà lan rộng tới 14 tỉnh thành với mức độ nghiêm trọng thì việc xử lý phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Thế nhưng, cho đến tận ngày hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ ra công văn yêu cầu trường Newton và các trường khác dừng hợp tác với trường Quốc tế GWIS mà không đề cập đến việc giải quyết triệt để vấn đề này.
Vẫn biết rằng, đây là một sự việc nghiêm trọng, Bộ Giáo dục cũng như các Sở ban ngành cần thời gian để tìm hướng xử lý tốt nhất, ít ảnh hưởng đến các em học sinh nhất, tuy nhiên, chính sự chậm trễ của các cơ quan này có thể sẽ khiến các em học sinh và cha mẹ chúng ảnh hưởng tâm lý, hoang mang lo ngại và không ổn định tư tưởng học tập khi kỳ thi cuối năm đang đến rất gần.
Bởi vậy, với vai trò cơ quan chịu trách nhiệm về ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chung cũng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói riêng có lẽ không nên tiếp tục im lặng mà cần lập tức lên tiếng trấn an phụ huynh, học sinh, tìm biện pháp gỡ rối cho các trường đã liên kết với GWIS và nhận trách nhiệm về vụ việc nghiêm trọng này.
06:17, 19/04/2018
08:33, 18/04/2018
08:30, 18/04/2018
00:29, 18/04/2018