23/11/2024 | 19:19 GMT+7, Hà Nội

Khi Chính phủ “truyền lửa” !

Cập nhật lúc: 02/01/2019, 02:00

Gần đây, các Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức tại các địa phương đều có sự tham gia và nhận được sự chỉ đạo cụ thể của người đứng đầu Chính phủ. Một quan điểm chung nhất được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhấn mạnh tại hội nghị là cần khơi dậy quyết tâm, khí thế tầm nhìn mới trong tư duy phát triển, thu hút đầu tư ở các địa phương, cần hấp thụ nhuần nhuyễn Liêm chính - kiến tạo - hành động - phục vụ, thậm chí là văn hóa mọi cấp để tạo sức hút đầu tư.

Từ quyết tâm của Chính phủ

Dự hội nghị tại các tỉnh, thành phố, người đứng đầu Chính phủ luôn tranh thủ thời gian để đi thực tế, thăm các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, đặc biệt, Thủ tướng liên tục nhắc nhở các địa phương phải luôn trăn trở, tìm tòi những cách làm mới, sẵn sàng bứt phá vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Trong đó, quan trọng hàng đầu là phải liên tục đổi mới tư duy, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách, đang cản trở sự phát triển, cản trở sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Cũng bởi vậy, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại các địa phương đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, như tại Bình Phước, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 315 triệu USD và 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 818 triệu USD. Tại Quảng Bình, Hội nghị cũng đã chứng kiến việc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 66 dự án với tổng số vốn đầu tư 168.869 tỷ đồng (tương đương 7,34 tỷ USD)...

Nhìn những con số hết sức đáng khích lệ, nhiều chuyên gia kinh tế có cùng nhận định cho rằng: Ở Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng đã hết sức nỗ lực, hết sức quyết liệt trong việc đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngay từ những ngày đầu của Chính phủ nhiệm kỳ mới cũng đã nhấn mạnh và đưa ra những chủ trương, định hướng rõ ràng về phát triển DN, cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với những thông điệp Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, Chính phủ đã có những hành động cụ thể và tạo được niềm tin cho cộng đồng DN và người dân.

Điểm nổi bật của Chính phủ là sự kiên quyết của người đứng đầu, kiên quyết từ ngay trong phòng họp của Chính phủ cho đến kiên quyết trong việc chỉ đạo, giải quyết những vấn đề cụ thể… Điều đó đưa ra niềm tin, tín hiệu mới về cải cách, cho thấy sức nóng trong điều hành của Chính phủ. Thủ tướng như người truyền lửa cho công cuộc cải cách, truyền tải thông điệp đến từng địa phương nhằm thúc đẩy thay đổi nhận thức, từ đó góp phần xác lập và củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường.

Thủ tướng chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Quảng Bình.
 

Để “ngọn lửa kiến tạo” không trở thành “ngọn lửa cô đơn”

Cũng từ đó, “ngọn lửa kiến tạo” đã và đang thắp lên ở các địa phương. Ông Trần Công Hòa - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ là tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một Chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, luôn sáng tạo và lấy sự cống hiến, phục vụ lợi ích Quốc gia, dân tộc làm chính, một Chính phủ thân thiện. Đổi mới tư duy về quản trị, cải cách bộ máy chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp và cán bộ phải gương mẫu trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ đã và đang thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân cả nước.

Chính sách, luật pháp hiện nay đã khá đầy đủ, tuy nhiên chính sách đó phải được triển khai và được thực thi một cách có hiệu quả, tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe, chính sách ban hành một đằng nhưng ở các địa phương thực thi một nẻo, từ đó kìm hãm sự phát triển của đất nước. Điều các doanh nghiệp cần không phải là sự giúp đỡ về nguồn vốn mà là chủ trương, cơ chế, chính sách thông thoáng. Một khi đã có chủ trương đúng đắn, cộng với một cơ chế thông thoáng, doanh nghiệp có thể huy động được rất nhiều nguồn lực để xây dựng đất nước lớn mạnh hơn.

Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ là cả hệ thống các cơ quan nhà nước phải chuyển động, đối với địa phương thì từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, phường đều phải chuyển động phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, đổi mới tư duy, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế chính sách cho người dân và doanh nghiệp. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, với quyết tâm chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính, minh bạch, hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đồng thời với sự ủng hộ của toàn hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, tin chắc rằng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ sẽ thành công, đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới – ông Hòa cho biết thêm.

Cũng theo ông Hòa, thông điệp của Thủ tướng đã và đang thực sự lan tỏa. Cụ thể ở Bắc Kạn xác định công tác thu hút đầu tư là nhiệm vụ rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, tỉnh đề ra năm giải pháp cụ thể như: Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với lĩnh vực nông - lâm nghiệp, du lịch, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng; Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại tất cả các sở, ban, ngành và UBND các cấp; Thành lập tổ công tác của tỉnh để tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư, thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường, cấp phép xây dựng, tư vấn các thủ tục pháp lý liên quan trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; giải quyết nhanh gọn các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp; chủ động tìm hiểu, thường xuyên nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã; Xây dựng cơ chế đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp, hợp tác xã để nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, xây dựng kế hoạch, giải pháp chi tiết thực hiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đến từng đơn vị chủ trì, làm đầu mối thực hiện và từng sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện theo từng chỉ số PCI thành phần; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, văn hóa ứng xử, phong cách, thái độ làm việc,... cho cán bộ trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng thăm mô hình nuôi tôm ở Sóc Trăng.
 

Xây dựng bộ chỉ số và tổ chức khảo sát, điều tra thái độ làm việc của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố (DDCI) hằng năm, kết quả khảo sát làm cơ sở để tỉnh có những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng: Thu hút đầu tư là việc làm cần thiết. Vấn đề đặt ra là thẩm quyền của địa phương đến đâu và Chính phủ phải làm gì?

Cần phải nhìn thẳng vào sự thật là Chính phủ yêu cầu cắt giảm về thủ tục, chi phí, thời gian và tiền bạc nhất là chi phí ngoài pháp luật. Nhưng có một thực tế mà các doanh nghiệp phản ánh với cá nhân tôi là họ thừa nhận việc làm các thủ tục trên mạng đã giúp giảm rất nhiều phiền hà đi lại… Nhưng bao giờ cũng có một điểm kết thúc là phải gặp cán bộ thì mới giải quyết được. Và chi phí tiền bạc tăng lên, phong bì phải nặng hơn trước, tăng hơn 200%, tùy vào công việc. Như vậy, trong thủ tục hành chính mới chỉ cải thiện được một phần mà chưa như mong muốn của doanh nghiệp.

Riêng cá nhân tôi thấy, về lương của viên chức khách quan mà nói là chưa đủ sống nên họ phải làm cách này hay cách khác như làm thêm, bán hàng qua mạng nhưng nhiều người lợi dụng chức vụ ấy để kiếm thêm tiền từ doanh nghiệp. Chính vì thế, cá nhân tôi nghĩ rằng Chính phủ cần thu gọn bộ máy, giảm biên chế, nâng lương cho viên chức hay có một quy chế khuyến khích theo kiểu ai làm thêm được nhiều thì được thưởng nhiều. Ví như, trước kia anh xét hồ sơ cho 5 doanh nghiệp nhưng nay anh làm được cho 10 doanh nghiệp đăng ký thì thưởng tăng lên. Bằng cách đó ta có thể nâng cao được hiệu quả cũng như thu nhập cho viên chức. Nếu để viên chức có mức lương thấp mà không có động viên thì không có động lực, như vậy thì cải cách của Chính phủ sẽ dừng lại ở mức độ hiệu quả nhất định.

Có thể nói, sự chủ động trong hành động của Thủ tướng đã mở ra nhiều cơ hội và đem về nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng triệu USD cho đất nước. Ngọn lửa kiến tạo được thắp lên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không thể trở thành ngọn lửa cô đơn. Nó cần nhiên liệu ổn định và đều đặn không chỉ đến từ từng con người tạo nên bộ máy, tạo nên nội các chính phủ; mà còn từ đội quân tiên phong trong hội nhập là doanh nhân. Đó không chỉ là một nhiệm vụ phải đáp ứng với người đứng đầu Chính phủ mà còn là nhiệm vụ đối với tương lai của quốc gia, của nhiều thế hệ sau này.