19/01/2025 | 01:30 GMT+7, Hà Nội

Khi các thương hiệu làm quảng cáo: “Thượng đế” ở đâu trong mỗi giấc mơ?

Cập nhật lúc: 04/10/2018, 07:00

Sau hơn 1 thập kỷ tồn tại và phát triển, với kỳ vọng tham chiếm toàn bộ thị phần cũng như khai thác hết dư địa của một thị trường có mức thu nhập trung bình và dân số trẻ thì chuỗi các cửa hàng đồng giá dường như chưa hoàn thành được giấc mơ ngày đầu.

Cứ ước mơ vì đâu có ai đánh thuế?

Câu chuyện các thương hiệu ngoại hay trong nước tung ra những chiếc "bánh vẽ" nhân ngày đầu ra mắt đã không còn quá mới lạ với người Việt. Kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng trên khắp cả nước, mở rộng thị trường, mỗi tháng mở tới hàng chục, hàng trăm cửa hàng, chi nhánh... là những slogan quảng cáo quen thuộc mà người nghe phải gật gù “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Daiso Japan - Ông lớn trong phân khúc hàng đồng giá khi có mặt tại Việt Nam đã không ngần ngại đặt ra kỳ vọng sau 4 năm sẽ hoàn thiện hệ thống 20 siêu thị đồng giá, mang đến cho khách hàng 90.000 sản phẩm và đặc biệt, mỗi tháng bổ sung 1.000 sản phẩm mới.

Nhiều khách hàng nhầm lẫn các sản phẩm của Miniso là của Nhật Bản. (Ảnh: Đỗ Linh).

Còn cậu em ít tuổi hơn - Miniso lại tham vọng mở 100 cửa hàng trên 38 tỉnh thành trong năm 2017. Mumuso thì lên kế hoạch mở 80 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.

Và sau 10 năm song hành cùng người tiêu dùng Việt, Daiso đã phải đôi lần đóng cửa thay đổi địa điểm, số cửa hàng của chuỗi này hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay với 7 cửa hàng. Mumuso có 27 cửa hàng, Miniso có 25 cửa hàng – tất cả đều chưa đạt được 1 nửa giấc mơ đã đặt ra.

Phải chăng mô hình hàng đồng giá đang kém hấp dẫn người dùng Việt?

Phải chăng mô hình hàng đồng giá đang kém hấp dẫn người dùng? (Ảnh: Bảo Châu).

Trên thực tế mô hình kinh doanh cửa hàng đồng giá đã và đang giảm sức hút đối với người tiêu dùng. Nhiều người mua than phiền về việc các cửa hàng đồng giá bỗng chốc biến mất không một dấu vết mà chẳng có một thông báo qua website hay fanpage.

Do đó mà thay vì phải chạy theo các cửa hàng đồng giá để cập nhật thông tin thì người tiêu dùng đã chọn trung thành hơn với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay trung tâm mua sắm lớn bởi sự tiện ích và ở đó họ mới thực sự được làm "thượng đế."

Vậy là, so với xuất phát điểm ban đầu, mô hình cửa hàng đồng giá vẫn chưa tiến bước được bao nhiêu trong khi giấc mơ vẫn còn quá xa vời và thương hiệu dần rơi vào điểm đen trong mắt người tiêu dùng. 

“Thượng đế” ở đâu trong mỗi giấc mơ?

Mỗi lời quảng cáo thương hiệu sản phẩm, mỗi kế hoạch đề ra các nhãn hiệu đều hướng đến nhằm phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng. Tuy nhiên, “thượng đế” lại đang thấy ngán ngẩm với các cửa hàng đồng giá bởi những tin xử phạt liên tiếp, các dấu hiệu lừa đảo, đánh tráo khái niệm và phản hồi tiêu cực ngày càng nhiều.

Một cửa hàng Mumuso tại Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Linh).

“Không có lửa thì làm sao có khói” khi mà một sản phẩm lại mang tới hai loại nhãn mác khác nhau, hay cửa hàng tung hô hàng hóa toàn bộ sản phẩm là hàng nhập khẩu Nhật Bản nhưng quá nửa lại có xuất xứ... Trung Quốc. Từ nguồn gốc chính xác của sản phẩm cho tới xuất xứ nhãn hàng và chất lượng của các mặt hàng đồng giá là câu hỏi còn bỏ ngỏ khi mà chỉ với mức giá trung bình nhưng lại quảng cáo chắc nịch rằng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật, Hàn...

Miniso khiến người dùng băn khoăn chuyện hàng Trung Quốc nhưng mượn bóng dáng người Nhật làm thương hiệu, Mumuso "lập lờ" về câu chuyện nhượng quyền thương hiệu, còn Daiso Japan có lẽ nên đổi tên thành Daiso... China vì đến 2/3 mặt hàng của chuỗi có xuất xứ từ Trung Quốc.

Các sản phẩm xuất xứ không rõ ràng tại nhiều cửa hàng của thương hiệu Sakuko gây hoang mang cho người tiêu dùng. (Ảnh: Đỗ Linh).

Thực tế thì hầu hết các sản phẩm của các chuỗi này được sản xuất tại Trung Quốc bởi chi phí rẻ, sau đó đăng ký thương hiệu tại các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung Quốc vốn được ví là công xưởng của thế giới với nhân công giá rẻ và có không ít doanh nghiệp có cơ sở gia công, sản xuất sản phẩm tại đây. Do vậy mà việc sản phẩm "Made in China" tràn lan trên thị trường là điều không quá lạ. Nhưng câu hỏi đặt ra là sản phẩm tới tay người tiêu dùng có thực sự đạt tiêu chuẩn như các thương hiệu vẫn quảng cáo?

Người tiêu dùng ngày nay đã không còn quá đề cao nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, nhưng giá cả cần đi đôi với chất lượng và trên hết là sự thành thật thay vì dùng “vải thưa che mắt thánh”. Lẽ chăng anh bán hàng Trung Quốc thì hãy cứ nói tôi bán hàng Trung Quốc nên giá rẻ, anh bán hàng nội địa, hàng Nhật nên giá cao hơn, thuận mua vừa bán... thì người tiêu dùng lại trân quý hơn anh chàng "vỏ Nhật" nhưng "ruột" lại đặc là hàng Tàu.

Dư địa thị trường đồng giá tại Việt Nam vẫn còn đó, nhưng để lấy lại niềm tin của khách hàng và chinh phục lại thị trường cũng như cạnh tranh với các mô hình siêu thị nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi thì có lẽ các nhãn hiệu như Miniso, Daiso, Mumuso, Sakuko cần sự thành thật và thực tế hơn thay vì cứ mãi ôm giấc mơ mở rộng thị trường, tăng nhanh về số lượng nhưng lại sụt giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ.