Khăn ướt giả và những chiêu trò móc túi người tiêu dùng
Cập nhật lúc: 10/07/2015, 17:40
Cập nhật lúc: 10/07/2015, 17:40
Khăn giấy ướt là sản phẩm được sử dụng khá phổ biến trong đời sống hằng ngày, kể cả công dụng làm vệ sinh cho trẻ nhỏ. Bộ Y tế vừa bổ sung những chất cấm dùng trong mỹ phẩm, trong đó có khăn giấy ướt, do những nguy cơ đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Công bố trên của Bộ Y tế xuất phát từ một nghiên cứu mới đây của châu Âu cho hay, khăn giấy ướt chứa hóa chất độc hại có nguy cơ gây ung thư. Không giống như chất tẩy rửa có thể trôi khi rửa với nước, các loại khăn giấy ướt này sẽ lưu hóa chất trên da tay, da mặt, thậm chí trên miệng hoặc dính vào thức ăn, sau đó đi vào cơ thể qua đường miệng.
Làm nhái sản phẩm để người tiêu dùng không phân biệt được hàng thật hay hàng giả là cách tốt nhất để kiếm lời. Nhiều loại khăn giấy trên thị trường hiện nay có kích thước tương tự nhau, nhiều mặt hàng nhái theo các thương hiệu có tiếng trên thị trường và bán ngang ngửa giá hàng có thương hiệu. Cách nhái hàng cũng rất khôn ngoan từ hình ảnh cho đến tên thương hiệu cũng tương tự nhau.
Không mấy ai đi mua khăn giấy ướt lại đếm từng tờ nên nhiều cơ sở sản xuất khăn giấy ướt đã lợi dụng điều này để ăn bớt số lượng. Phần lớn các loại khăn ướt làm nhái đều thiếu số lượng so với bao bì đã ghi. Các cơ sở sản xuất vẫn coi đó là "chuyện thường ngày ở huyện" còn người tiêu dùng vẫn không hề hay biết.
Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thực tế có rất nhiều trường hợp trẻ em bị dị ứng da do dùng khăn giấy ướt kém chất lượng hoặc do các hóa chất trong giấy. Có bệnh nhi vài tuần tuổi bị viêm da cấp tính với các triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy ở vùng da thường xuyên được lau bằng giấy ướt. Không ít trường hợp trẻ bị hăm đỏ, viêm da, nhiễm trùng, nấm da... chỉ vì khăn giấy ướt.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng bất kỳ sản phẩm nào chứa chất bảo quản đều có nguy cơ gây dị ứng. Với những sản phẩm có chứa chất bảo quản paraben và methylisothiazonlinone, cha mẹ nên thận trọng khi sử dụng cho trẻ nhỏ vì làn da của chúng rất mỏng manh, nhạy cảm nên việc lạm dụng có thể gây dị ứng, viêm da, thậm chí tổn hại lâu dài cho sức khỏe. Đó là chưa kể một số loại giấy ướt có chứa cồn dễ làm da khô rát.
Theo giới chuyên môn, paraben và methylisothiazolinone là những chất có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn do nấm hoặc vi khuẩn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng cảnh báo những chất bảo quản này có thể gây ung thư, vô sinh và tác động đến hệ nội tiết. Trên thị trường, ngoài một số sản phẩm khăn giấy ướt, sữa tắm cho trẻ nhỏ, những chất bảo quản này hiện diện phổ biến trong các sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng da, son môi, mascara, sữa tắm, nước hoa hồng, nước tẩy trang, kem cạo râu, nước xịt phòng, nước rửa nhà...
PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho biết cả 2 chất bảo quản trên đang được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp mỹ phẩm nhờ tác dụng chống nấm mốc, chống thối, kháng khuẩn. “Thông tin về paraben gây ung thư vú, vô sinh đã được nhiều công trình nghiên cứu cảnh báo từ lâu. Việc ngừng sử dụng 2 chất bảo quản này trong mỹ phẩm là cần thiết, nhất là các sản phẩm dành cho trẻ em. Hiện chúng ta đã có nhiều chất bảo quản khác có thể thay thế paraben và methylisothiazolinone” - PGS Côn nhận định.