Khám chữa bệnh từ xa: Giảm tỷ lệ chẩn đoán nhầm, chẩn đoán chậm
Cập nhật lúc: 06/10/2020, 16:00
Cập nhật lúc: 06/10/2020, 16:00
Việc xây dựng và ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh cả nước đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng là việc làm rất cần thiết và cấp bách.
Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được.
Các hoạt động này cần có hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trợ giúp. Trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả.
Ban chỉ đạo quốc gia đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19”.
Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.
Vì vậy, việc ứng dụng CNTT đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các BV xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới. Việc hội chẩn trực tuyến trên nền tảng CNTT này đã đóng góp quan trọng vào kết quả điều trị người bệnh Covid-19.
Trước đó, ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp... Y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính như: “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo;
100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.
Việc xây dựng và ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh cả nước Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng là việc làm rất cần thiết và cấp bách.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử, Bộ Y tế đang triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, đến nay 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa đang được thiết lập để đáp ứng mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư.
PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” (Telehealth) giai đoạn 2020-2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các BV tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.
Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các BV tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Được biết, hiện nay đã có gần 20 BV Trung ương kết nối khám chữa bệnh từ xa, trong đó BV Bạch Mai đã kết nối được 300 điểm cầu; BV Việt Đức kết nối gần 130 điểm cầu; BV ĐH Y kết nối với gần 200 điểm…
Với những lợi ích, hiệu quả của hoạt động, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viettel để xây dựng và triển khai đề án Khám chữa bệnh từ xa và chỉ trong thời gian 2 tháng đề án đã đạt mốc 1.000 cơ sở y tế được kết nối trực tuyến để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của người dân trên mọi miền Tổ quốc.
Với thông điệp chủ đạo của là “Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, Đề án không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế mà đề án có tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới.
Bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa
Trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cần thực hiện đúng Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quy định tại Điều 8. Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, bao gồm: Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định...
20:40, 01/04/2020
15:00, 22/03/2020
13:56, 06/03/2020