22/11/2024 | 06:03 GMT+7, Hà Nội

Khai thác thị trường du lịch nội địa: Cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá

Cập nhật lúc: 09/11/2022, 09:54

Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay, khi thị trường quốc tế chưa ổn định trở lại sau đại dịch, thì việc khai thác thị trường nội địa chính là cơ hội để doanh nghiệp du lịch tận dụng để phục hồi, bứt phá.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch toàn cầu và du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhu cầu, thị hiếu của thị trường du lịch, người tiêu dùng có sự thay đổi lớn trước và sau đại dịch Covid-19. Tuy vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế dần mở cửa, du lịch Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc.

Du lịch nội địa tăng trưởng mạnh so với trước đại dịch
Du lịch nội địa tăng trưởng mạnh so với trước đại dịch

Song để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, đảm bảo thích ứng với các điều kiện, bối cảnh kinh tế xã hội chung, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Tổng cục Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới”. Với mức tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng năm nay ngành du lịch sẽ đón được khoảng 100 triệu lượt khách nội địa.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch nội địa tăng đều qua các năm và đạt đỉnh cao nhất vào năm 2019 với 85 triệu lượt khách; 8 tháng đầu năm 2022 đón 79,8 triệu lượt. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, 10 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt người, vượt qua con số cả năm 2019. Qua các cuộc khủng hoảng, có thể thấy thị trường nội địa luôn là cứu cánh của ngành du lịch, giúp ngành này phục hồi nhanh và lấy lại đà phát triển hơn cả mong đợi.

Khai thác thị trường du lịch nội địa: Cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá - Ảnh 1
Với mức tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng năm nay ngành du lịch sẽ đón được khoảng 100 triệu lượt khách nội địa.
Mức tăng trưởng hàng năm lên tới 2 con số của du lịch nội địa là minh chứng rõ ràng cho nhận định, thị trường du lịch nội địa Việt Nam có sự phát triển đáng kinh ngạc. Thế nhưng, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tổng lượng khách du lịch nội địa cũng như tổng thu du lịch nội địa của chúng ta chưa xứng với tiềm năng.

So với cùng kỳ năm trước, nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận mức tăng ấn tượng của ngành dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành trong 9 tháng vừa qua: Cần Thơ tăng 122,5% và tăng 766,8%; TP.HCM tăng 100,2% và tăng 151,9%; Hà Nội tăng 92,4% và tăng 386,3%; Quảng Ninh tăng 84,7% và tăng 90,3%; Đà Nẵng tăng 84,0% và tăng 634,7%;…. 

Nhận xét về nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc trong một thập niên qua cũng như hành trình hồi phục thần kỳ của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Giải thưởng World Travel Awards - Graham Cooke nhấn mạnh: “Du lịch Việt Nam cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ, phát huy được những giá trị tài nguyên, bản sắc của mình và có những điểm sáng mang tính đột phá. Nếu xác định một yếu tố đằng sau sự thành công của du lịch Việt Nam sau một thập niên qua, thì đó là cách mà Chính phủ Việt Nam đã hợp tác rất tốt với khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc”.

Khơi dậy thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển bền vững

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ nhiệm nhóm thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới”, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, đến nền kinh tế và xã hội đất nước. Không chỉ vậy, đại dịch cũng gây ảnh hưởng lớn lên tâm lý, tình cảm, sở thích, nguyện vọng của khách du lịch.

Chính vì vậy, thị trường du lịch có những đặc điểm thay đổi nhất định trong các giai đoạn trước, trong và sau đại dịch. Trên cơ sở đó, các giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa được đưa ra sẽ đóng góp vào sự phục hồi và phát triển của du lịch trong bối cảnh mới.

Trong đó có các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường du lịch nội địa; giải pháp về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; giải pháp về phát triển sản phẩm; giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch; tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại với phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch...

Thực tế hiện nay, khi thị trường quốc tế chưa ổn định trở lại sau đại dịch, thì việc khai thác thị trường nội địa chính là cơ hội để doanh nghiệp du lịch tận dụng để phục hồi, bứt phá. Năm 2022, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Nhìn vào mục tiêu này có thể thấy du lịch nội địa vẫn là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Con số thực tế khách quốc tế đến trong 10 tháng đầu năm 2022 là 2,13 triệu và số khách nội địa là 91,8 triệu càng minh chứng cho việc thị trường nội địa quan trọng như thế nào đối với du lịch Việt Nam, nhất là trong giai đoạn phục hồi, phát triển sau dịch Covid-19.

Vì thế, việc định hướng khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch trong nước là một chiến lược quan trọng để góp phần khôi phục nhanh và lấy lại đà tăng trưởng. Trong đó, các chuyên gia cho rằng cần đảm bảo yếu tố an toàn và vệ sinh khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Bên cạnh đó, những tác động mạnh mẽ và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà yếu tố an toàn trở thành tiêu chí hàng đầu của du lịch, xu hướng du lịch an toàn, du lịch không chạm, không gian mở... sẽ chiếm ưu thế.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/khai-thac-thi-truong-du-lich-noi-dia-co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-but-pha-73185.html