19/01/2025 | 15:34 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Cập nhật lúc: 04/11/2022, 13:54

Trong 10 tháng năm 2022, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. CPI bình quân được kiểm soát với mức 2,89%; kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 616 tỷ USD.

Người dân mua hàng tại một siêu thị

Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2022 và 10 tháng năm 2022. Trong đó, có công bố chi tiết chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và đô la. Cụ thể, Bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ 2021; lạm phát cơ bản tăng 2,14%. So với tháng 9, CPI tháng 10/2022 tăng 0,15%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá; 02 nhóm hàng giảm giá.

CPI bình quân được kiểm soát với mức 2,89%
CPI bình quân được kiểm soát với mức 2,89%

Đáng lưu ý là chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 10/2022 tăng 2,35% so với tháng 9, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,64% do một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn. Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng.

Trong tháng 10, chỉ số giá vàng tăng 0,5%. Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/10/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.766,26 USD/ounce, giảm 0,66% so với tháng 9/2022. Giá vàng thế giới giảm khi các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại hai cuộc họp vào tháng 11 và tháng 12 năm nay khiến đồng USD có thể tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, kéo theo đà tăng lợi suất trái phiếu Mỹ và giá vàng thế giới có thể rơi vào thế bất lợi. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10/2022 tăng 0,5% so với tháng trước; tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 6,08%.

Tính đến ngày 25/10/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 112,24 điểm, tăng 1,35 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.080 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 10/2022 tăng 1,84% so với tháng trước và tăng 5,42% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 1,17%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 616 tỷ USD

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022, ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022, ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 105,28 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,14 tỷ USD, tăng 12%. Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,7 tỷ USD.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu của Việt Nam, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2022 của Bộ Công thương mới đây, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng cao ở nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA, như: Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều ghi nhận tăng trưởng trên hai con số. Đặc biệt, mới đây, Malaysia đã trở thành thành viên thứ 9 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc Malaysia phê chuẩn CPTPP sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định khi xuất khẩu sang nước này kể từ ngày 29/11/2022.

Trong Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, Bộ Công thương cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm, cũng như dự báo cho năm 2023 Việt Nam sẽ đứng trước một số khó khăn, thách thức như: Đứt gãy nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, EU dự báo sẽ gặp những thách thức và có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,35 triệu lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ 2019. Riêng trong tháng 10/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 12,1% so với tháng trước. Trong tổng số hơn 2,35 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không chiếm 88,8%, gấp 24,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến bằng đường bộ chiếm gần 11,2% và bằng đường biển chiếm 0,03%.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kinh-te-viet-nam-tiep-tuc-xu-huong-phuc-hoi-tich-cuc-310556.html