22/11/2024 | 10:38 GMT+7, Hà Nội

Khái niệm thẻ ngân hàng? Các loại thẻ ngân hàng phổ biến

Cập nhật lúc: 23/10/2015, 02:08

Các ngân hàng thường phát hành các loại thẻ dựa trên đối tượng khách hàng và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Bạn cần phải có một cái nhìn chung về các loại thẻ ngân hàng từ cấp đơn giản cho đến nâng cao, thông qua các loại thẻ phổ biến không chỉ tại Việt Nam và những nước khác.

Khái niệm thẻ ngân hàng:

Thẻ ngân hàng là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, ra đời từ phương thức mua bán chịu hàng hóa bán lẻ và phát triển gắn liền với việc ứng dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán do ngân hàng phát hành cấp cho khách hàng sử dụng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ hoặc rút tiền mặt trong phạm vi số dư tiền gửi của mình hoặc hạn mức tín dụng được cấp.

Thẻ ngân hàng còn dùng để thực hiện các dịch vụ thông qua hệ thống giao dịch tự động hay còn gọi là hệ thống tự phục vụ ATM.

Dù do bất cứ tổ chức tài chính hoặc phi tài chính phát hành, thẻ ngân hàng đều được làm bằng plastic theo kích cỡ chuẩn quốc tế và bao gồm các yếu tố căn bản như: nhãn hiệu thương mại của thẻ, tên và logo của Nhà phát hành, số thẻ, ngày hiệu lực và tên chủ thẻ.

Ngoài ra, thẻ còn có thể có tên công ty chịu trách nhiệm thanh toán thẻ hoặc thêm một số yếu tố khác theo quy định của Tổ chức hoặc tập đoàn thẻ quốc tế.

Phân loại thẻ: 

Trên thế giới có rất nhiều loại thẻ ngân hàng. Các loại thẻ chính được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Thẻ tín dụng (Creadit Card).
  • Thẻ thanh toán (Charge Card).
  • Thẻ ATM.
  • Thẻ ghi nợ (Debit Card).
  • Thẻ bảo đảm (Check Guarantee Card)…

Thẻ tín dụng (Creadit Card)

Thẻ tín dụng là một công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, cho phép người sử dụng khả năng chi tiêu trước trả tiền sau. Khoảng thời gian từ khi thẻ được dùng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tới lúc chủ thẻ trả tiền cho ngân hàng phụ thuộc vào từng loại thẻ tín dụng của các tổ chức khác nhau.

Nếu chủ thẻ thanh toán toàn bộ số dư nợ vào ngày đến hạn, thời gian này sẽ trở thành thời gian ân hạn và chủ thẻ hoàn toàn được miễn lãi đối với số dư nợ cuối kỳ.

Tuy vậy, nếu hết thời gian này mà toàn bộ số dư nợ cuối kỳ chưa được thanh toán cho ngân hàng thì chủ thẻ sẽ chịu những khoản phí và lãi trả chậm. Khi toàn bộ số tiền phát sinh được hoàn trả cho ngân hàng, hạn mức tín dụng của chủ thẻ được khôi phục như ban đầu. Đây là tính chất “tuần hoàn” (revolving) của thẻ tín dụng.

Các tổ chức tài chính như ngân hàng hay các công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng dựa trên uy tín và khả năng đảm bảo chi trả của từng khách hàng.

Khả năng đảm bảo chi trả được xác định dựa trên tổng hợp nhiều thông tin khác nhau như: thu nhập, tình hình chi tiêu, mối quan hệ sẵn só đối với các tổ chức tài chính, địa vị xã hội…của khách hàng.

Do đó, mỗi khách hàng có những hạn mức tín dụng khác nhau. Cũng từ việc thẩm định và phân loại khách hàng mà các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính đưa ra nhiều sản phẩm thẻ tín dụng đa dạng: ví dụ thẻ tín dụng Visa, MasterCard có thẻ Vàng (Gold) và thẻ Chuẩn (Classic/Standard)…

Khi sử dụng thẻ, thay bằng tiền mặt, chủ thẻ xuất trình thẻ tín dụng của mình tại các điểm cung ứng hàng hóa, dịch vụ có chấp nhận thẻ (gọi là đơn vị chấp nhận thẻ) để thanh toán.

Thẻ thanh toán (Charge Card)

Đề đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, các tổ chức thẻ đưa ra một loại sản phẩm thẻ tín dụng đặc biệt, phục vụ những khách hàng có thu nhập cao, có khả năng tài chính vững vàng và có mức chi tiêu lớn. Đó là thẻ thanh toán (charge card).

Nếu như thẻ tín dụng thông thường cho phép khách hàng có thể trả một phần số dư nợ cuố kỳ vào ngày đến hạn với điều kiện đảm bảo mức thanh toán tối thiểu thì đối với thẻ thanh toán, chủ thẻ sẽ phải thanh toán toàn số tiền phát sinh cho ngân hàng khi vào ngày đến hạn.

Tuy nhiên, để đổi lại, khi sử dụng thẻ thanh toán, khách hàng được hưởng một hạn mức tín dụng đặc biệt cao và không bị chi phối bởi hạn mức tín dụng.

Thẻ thanh toán có hai loại: nội địa và quốc tế, trong đó thẻ thanh toán nội địa chỉ được sử dụng giao dịch trong phạm vi Việt Nam và còn thẻ thanh toán quốc tế được dùng để rút tiền và thanh toán ở bất cứ nơi đâu trên thế giới có thể chấp nhận thẻ.

Thẻ ATM:

Được sử dụng phổ biến nhất. Thẻ ATM thực chất là thẻ rút tiền mặt, một loại thẻ cơ bản dùng để rút tiền từ tài khoản cá nhân, thông qua các máy ATM.

Chiếc thẻ ATM không chỉ là công cụ cung cấp tiền, chiếc thẻ ATM còn có thể được sử dụng để thực hiện những thao tác kiểm tra số dư, chuyển khoản, thanh toán hoá đơn… cũng trên máy ATM. Cơ chế hoạt động của chiếc thẻ này là rút tiền của chính mình vốn đang được giữ trong tài khoản ngân hàng. Nếu còn tiền, bạn còn rút được, hết tiền thì đành thôi.

Thẻ ATM là hình thức phát triển đầu tiên của thẻ ghi nợ, cho phép chủ thẻ tiếp cận trực tiếp tới tài khoản tại ngân hàng từ máy rút tiền tự động. Chủ thẻ có thể thực hiện nhiều giao dịch khác nhau tại máy rút tiền tự động ATM, bao gồm: xem số dư tài khoản, chuyển khoản, rút tiền, in sao kê, xem các thông tin quảng cáo...

Hệ thống máy ATM hiện đại còn cho phép chủ thẻ gửi tiền vào tài khoản của mình ngay tại các máy ATM và tự mình thực hiện các dịch vụ ngân hàng khác.

Sự tiện lợi là đặc điểm quan trọng nhất của thẻ ATM. Bằng cách nhập mã số cá nhân (PIN), chủ thẻ có thể tiếp cận tài khoản cá nhân của mình tại ngân hàng mọi nơi, mọi lúc, 24/24h mỗi ngày và 7 ngày trong tuần.

Điều này có nghĩa là cùng với thẻ ATM, hệ thống ATM đã cung cấp cho khách hàng sử dụng thẻ khả năng giao dịch ngoài giờ làm việc, ngoài trụ sở của ngân hàng và khả năng tự phục vụ.

Theo thời gian, các tổ chức đã tự động kết nối hệ thống ATM với nhau tạo nên một mạng ATM khu vực, cho phép khách hàng có thể thực hiện giao dịch tại nhiều máy ATM hơn.

Hiện nay hai hệ thống ATM lớn nhất trên thế giới là CIRRUS của MasterCard và PLUS của Visa, sẵn sàng cho phép thẻ của các ngân hàng và những tổ chức tín dụng khác kế nối, tạo nên một mạng lưới rộng khắp toàn cầu.

Thẻ ghi nợ (Debit card)

Với đặc tính thuận tiện, thẻ ATM đã nhanh chóng trở thành sản phẩm rất phổ biến, đặc biệt có tốc độ tăng trưởng cao tại các thị trường đang phát triển.

Tuy nhiên, sử dụng thẻ ATM, chủ thẻ chỉ có thể tiếp cận với tài khoản của mình từ những máy rút tiền tự động. Đây là một hạn chế bởi tài khoản cá nhân chưa được tận dụng triệt để trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ. Chính vì lý do này, thẻ ghi nợ ra đời.

Giống như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ cũng là một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, nói về mức độ có thể thay thế tiền mặt, thẻ ghi nợ chiếm ưu thế vượt trội hơn thẻ tín dụng.

Điều này có được bởi tính chất của thẻ ghi nợ. Bất cứ khách hàng nào có tài khoản mở tại ngân hàng đều có thẻ phát hành thẻ ghi nợ hoặc trong trường hợp chưa có tài khoản, khách hàng muốn phát hành thẻ ghi nợ thì bản thân thẻ ghi nợ này sẽ gắn liền với một tài khoản của khách hàng.

Thẻ ghi nợ cho phép khách hàng tiếp cận với số dư trong tài khoản của mình qua hệ thống kết nối trực tuyến để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tài các đơn vị chấp nhận thẻ hoặc thực hiện các giao dịch liên quan tới tài khoản tại máy rút tiền tự động ATM.

Như vậy, mức chi tiêu của chủ thẻ chỉ phụ thuộc vào số dư trong tài khoản. Ngân hàng giữ vai trò cung cấp dịch vụ cho chủ thẻ và thu phí dịch vụ.

Đối với thẻ ghi nợ, giữa ngân hàng và khách hàng không diễn ra quá trình cho vay, không có việc phân loại khách hàng để được hưởng hạn mức tín dụng nên khách hàng chỉ cần có tài khoản tại ngân hàng đề có thể tiếp cận tới sản phẩm thẻ ghi nợ của ngân hàng.

Thẻ bảo đảm (Check Guarantee Card)

Thẻ bảo đảm cũng là thẻ tín dụng nhưng hạn mức tín dụng dựa vào số tiền chủ thẻ ký quỹ tại ngân hàng. Thẻ bảo đảm có uy điểm hơn so với thẻ tín chấp là không cần chứng minh thu nhập chỉ cần có số tiền ký quỹ. Thủ tục sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Và hầu hết ai cũng có thể mở được không cần thu nhập.

Về cơ bản thẻ bảo đảm là thẻ tín dụng nên nó sẽ khác thẻ ghi nợ ở chỗ. Tiền mà bạn sử dụng ở tài khoản thẻ ghi nợ chính là tiền của bạn. Bạn có bao nhiêu bạn tiêu số đó.

Còn thẻ tín dụng thì bạn vẫn có số tiền ký quỹ gửi theo dạng tiết kiệm tại ngân hàng nhưng không cần dùng số tiền đó mà ngân hàng sẽ cấp cho bạn hạn mức tín dụng dựa  trên số tiền ký quỹ tại ngân hàng đó.

Với thẻ bảo đảm bạn vẫn sử dụng được số tiền của ngân hàng mà không phải dùng tiền của mình và khi đi mua sắm vẫn được giảm giá ưu đãi khuyến mãi như bình thường.