18/01/2025 | 19:55 GMT+7, Hà Nội

"Khách hàng cẩn trọng khi mua căn hộ Goldseason 47 Nguyễn Tuân"

Cập nhật lúc: 19/01/2016, 15:11

Đó là ý kiến của không ít chuyên gia về tình trạng “đặt chỗ” mua căn hộ Goldseason 47 Nguyễn Tuân.

Như thông tin báo Gia đình Việt Nam đã đăng tải, dự án GoldSeason 47 Nguyễn Tuân mặc dù chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật nhưng vẫn công khai nhận tiền đặt cọc giữ chỗ mua nhà của khách hàng.

Về vấn đề này, theo nhiều chuyên gia trên thị trường BĐS cảnh báo, người mua nhà nên hết sức thận trọng khi mua những căn hộ này vì nguy cơ rủi ro là rất lớn.

Phối cảnh dự án Goldseason số 47 Nguyễn Tuân.

Phối cảnh dự án Goldseason số 47 Nguyễn Tuân.

Được biết, Dự án Golseason số 47 Nguyễn Tuân là dự án Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng để bán do Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông-VID làm chủ đầu tư và Công ty Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam làm đơn vị Quản lý và phát triển dự án.

Ngày 27/12/2015 vừa qua, chủ đầu tư cùng các đơn vị phối hợp thực hiện dự án Golseason đã có buổi lễ giới thiệu dự án hoành tráng tại Khách sạn Lotte, 54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nôi. Tuy nhiên, thực chất buổi lễ này lại nhằm thăm dò thị trường và chính thức nhận tiền đặt chỗ của khách hàng với mức tối thiểu 100 triệu đồng/căn hộ.

Theo thông tin từ nhiều nhân viên môi giới của dự án cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, hơn 200 căn hộ của dự án này đã nhận tiền đặt cọc giữ chỗ mua nhà của khách hàng. 

Trong khi đó, hiện dự án vẫn chưa xong móng và đủ điều kiện để mở bán theo quy định của pháp luật. Điện thoại đến đường dây nóng của báo Gia đình Việt Nam, nhiều người mua nhà tỏ ra rất hoang mang về tính pháp lý cũng như nguy cơ rủi ro khi “trót” đặt tiền giữ chỗ mua nhà tại dự án này.

Hiện dự án này vẫn chưa làm xong móng.

Hiện dự án này vẫn chưa làm xong móng.

Về vấn đề này, theo nhiều chuyên gia trên thị trường BĐS nhận định, đây thực chất là một hình thức lách luật, huy động vốn trá hình. Theo đó, với hình thức bán hàng này, chủ đầu tư sẽ “lợi cả đôi đường”, họ vừa có vốn để triển khai dự án mà chưa cần sử dụng đến nguồn vốn vay ngân hàng. Mặt khác, họ có thể "tạo bước đệm" hoàn hảo dẫn dắt người mua nhà vào "ma trận" giá, qua đó, dễ dàng nâng giá bán dự án. Cuối cùng chỉ người mua nhà là chịu thiệt.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, theo các chuyên gia cho rằng, thông qua số lượng khách hàng có "thành ý" đặt chỗ mua căn hộ, chủ đầu tư có thể dựa vào đó để biết được một cách chính xác loại căn hộ nào đang được nhiều khách hàng quan tâm nhất, số lượng khách mua các thời điểm là bao nhiêu.... Từ đó dễ dàng nâng giá bán căn hộ khi công bố mở bán chính thức ra thị trường sau này nhằm đạt lợi nhuận tối đa.

Bởi thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên khi trong vai là khách hàng đi mua căn hộ, nhân viên môi giới của dự án hoàn toàn không tiết lộ về mức giá chính thức của dự án mà chỉ đưa ra một con số tương đối. Trong khi đó, vẫn kêu gọi người mua nhà đặt cọc giữ chỗ mua căn hộ. Sự mập mờ không rõ ràng về thông tin này từ phía chủ đầu tư và đơn vị phân phối chính là một bước đệm cần thiết cho việc nâng giá bán căn hộ khi mở bán chính thức sau này.

Mặt khác, việc "gom" khách hàng ngay từ những ngày đầu ra mắt dự án này sẽ tạo nên hiệu ứng dự án "hot" hay sôi động, từ đó thu hút một lượng lớn khách hàng quan tâm tới dự án trên thị trường. Mặc dù, trên thực tế, dự án có thể không có được sức hút lớn như vậy.

Đây là một thực tế hết sức nguy hiểm và bất lợi đối với khách hàng tham gia đặt chỗ mua căn hộ đang được chủ đầu tư áp dụng nhằm “qua mặt”, đưa khách hàng vào ma trận. Trong khi đó, nếu có rủi ro gì trong việc mua bán căn hộ thì người mua nhà cũng không được bảo vệ do hợp đồng đặt chỗ vốn không có giá trị pháp lý trước pháp luật.

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc./.