08/10/2024 | 08:50 GMT+7, Hà Nội

Hy Lạp: Ngọn núi biệt lập - Thế giới của đàn ông

Cập nhật lúc: 07/06/2018, 23:00

Núi Athos thuộc bán đảo vùng Halkidiki. Nơi đây được thành lập như một thế giới riêng của tu sĩ từ những năm 800 sau Công nguyên, dưới thời Byzatine.

Với diện tích 390 km vuông, Athos hiện có số dân trên 2.000 người, trong đó có 1.300 tu sĩ, tất cả đều là đàn ông. Họ sống tập trung tại 20 tu viện trên đảo.

Các tu sĩ đến từ Hy Lạp và các quốc gia lân cận như Bulgaria, Serbia và Nga. Các tu sĩ ngay từ khi chào đời đã được đưa tới đây để tu hành. Những tu sĩ này sống cuộc đời khổ hạnh và gần như hoàn toàn cô lập với phần còn lại của thế giới.

Trong số 20 tu viện của quần thể này, thì có 17 tu viện là của người Hy Lạp, 3 tu viện còn lại là của người Nga (Agiou Panteleiminos), người Serbia (Hilandar) và người Bulgaria (Zografou). Núi Athos được UNESCO công nhận là Di sản của thế giới năm 1988.

Người phụ nữ duy nhất được chấp nhận ở Athos là Đức mẹ đồng trinh Mary. Truyền thuyết kể rằng, Đức mẹ đã dừng chân trên núi Athos để tránh một cơn bão. Sau đó, Đức mẹ truyền lại những giáo lý đạo Thiên Chúa cho người dân sinh sống trên đảo.

Theo dân cư xung quanh ngọn núi Athos, trong thời gian bị quân đội Đức chiếm đóng, Hitler cũng tán đồng đạo luật cấm phụ nữ.

Các sĩ quan cao cấp của Đức cũng không được phép mang vợ và tình nhân vào đây. Hình phạt đối với người vi phạm là 16 roi, sau đó lập tức bị trục xuất xuống núi.

Trải qua gần 1.000 năm, đạo luật cổ xưa này vẫn được thực thi và có giá trị thi hành tại Athos. Nguyên nhân lớn nhất khiến đạo luật này tới giờ vẫn tồn tại là do niềm tin kéo dài hàng thế kỷ cho rằng, sự hiện diện của nữ giới sẽ ngăn cản cuộc hành trình khai sáng tâm linh của tu sĩ thuộc dòng giáo hội chính thống Thiên Chúa giáo đang tu tại đây.

Hiện nay, chỉ có đàn ông mới được phép đến Athos và chỉ những tu sĩ, tín đồ của Giáo hội mới được sinh sống trên đảo.

Trước nhu cầu hội nhập, hòn đảo kỳ bí này bắt đầu mở cửa, cho phép khách du lịch ghé thăm. Tuy nhiên, quy định cấm phụ nữ vẫn không có gì thay đổi.

Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có một vài trường hợp ngoại lệ cho phụ nữ lên núi Athos. Chẳng hạn như năm 1347, Nữ hoàng Serbia là Jelena Kantakuzin lánh nạn tại núi khi xảy ra bệnh dịch và công chúa Serbia là Mara Brankovic được phép đến thăm để đóng góp cho việc tu bổ các tu viện.

Ngoài hai trường hợp đó thì có một vụ xâm nhập của nữ giới lên đỉnh Athos gây chấn động giới truyền thông.

Nữ văn sĩ người Pháp, Maryse Choisy hy sinh cắt bỏ bộ ngực của mình và cải trang thành nam giới để trải nghiệm cuộc sống nam nhân trên núi trong một tháng. Sau khi trở về bà đã cho xuất bản cuốn sách Một tháng ở nơi chỉ dành cho đàn ông.