22/11/2024 | 08:07 GMT+7, Hà Nội

Hướng tới toàn dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở

Cập nhật lúc: 19/05/2019, 10:00

Chăm sóc sức khỏe ban đầu nhấn mạnh đến vấn đề sức khỏe thiết yếu, tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe cho mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam cam kết đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu đang là một trong những chiến lược của Y tế Việt Nam. Việt Nam tự hào đã đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và bây giờ, Việt Nam đang tiến tới để đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Việt Nam nhất trí thành lập Nhóm công tác về Đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam. Những ưu tiên của Việt Nam về sức khỏe trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm (NCD)…

Tại Việt Nam, vai trò của chăm sóc sức khỏe ban đầu đã nhận được chỉ đạo về chiến lược và cam kết chính trị. Chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể coi là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách của ngành y tế. Nghị quyết 20- NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Đề án 2384 về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, và dự án thí điểm xây dựng 26 trạm y tế xã phường trên 8 tỉnh, TP đã mang lại một số kết quả, tuy nhiên thách thức vẫn còn nhiều.

huong toi toan dan duoc cham soc suc khoe ngay tu co so
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là những chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bằng các phương pháp và kỹ thuật thực hành có cơ sở khoa học, có thể tới được mọi người, mọi gia đình trong cộng đồng. Ảnh: Đ.Quý

Đánh giá riêng về y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế từng chia sẻ, trong năm 2019, ngành y tế tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Hiện nay, cả nước đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm (0,3% phải nhờ cơ sở khác), 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Số lượng các dịch vụ thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật của trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã ngày càng tăng, một số đơn vị đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên; trên 70% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Gần 90% trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Số lượt khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở chiếm khoảng 70% (xã khoảng 20%, huyện khoảng 50%); Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình. Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở các nơi có điều kiện, đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP.

Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… đã thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Xây dựng và triển khai hệ thống kết nối y tế từ xa của 26 trạm y tế xã điểm với các trung tâm y tế, BV tuyến trên, Sở Y tế và Bộ Y tế. Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực tuyến y tế cơ sở, trong năm 2019, các tỉnh, TP đã và đang đẩy nhanh việc thực hiện mô hình trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế huyện đa chức năng và trực tiếp quản lý trạm y tế. Đối với huyện có BVĐK huyện được xếp hạng II trở lên cũng nên thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, trừ trường hợp đặc thù, theo yêu cầu thực tế của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Cụ thể, tất cả các tỉnh, TP tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, triển khai mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân. Các tỉnh, TP thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên bác sĩ từ trung tâm y tế về trạm y tế xã và ngược lại để nâng cao trình độ chuyên môn cho viên chức y tế xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động của trạm y tế xã, khám chữa bệnh từ xa. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích y tế tư nhân, các tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động, dự phòng, nâng cao sức khỏe, khám sáng lọc, phát hiện sớm bệnh tật cho nhân dân ngay tại cộng đồng.

Bên cạnh đó là việc củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và tăng cường năng lực giám sát bệnh không lây nhiễm. Tiếp tục nâng cao tỉ lệ và chất lượng tiêm chủng mở rộng, bảo đảm vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng, phát triển các loại hình tiêm chủng dịch vụ để người dân tiếp cận ngày càng nhiều với các loại vắc-xin, đảm bảo tiêm chủng an toàn hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%...