Hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đăng ký mua và thuê nhà ở xã hội
Cập nhật lúc: 22/04/2020, 13:15
Cập nhật lúc: 22/04/2020, 13:15
Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định: Đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục và hồ sơ mua nhà ở xã hội cho chủ đầu tư để xét duyệt. Chủ đầu tư sẽ gửi danh sách các đối tượng dự kiến thuộc diện được mua, thuê nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng tại địa phương nơi có dự án nhà để kiểm tra nhằm tránh tình trạng người mua, thuê được hỗ trợ nhiều lần.
Những điều cần lưu ý khi mua, thuê nhà ở xã hội
Có 4 điều cần lưu ý khi mua, thuê nhà ở xã hội. Thứ nhất, theo quy định, nhà ở xã hội là các căn hộ có diện tích sàn không quá 60m2 và không được nhỏ hơn 30m2. Tùy theo diện tích đất tại địa phương mà con số này có thể tăng thêm 10%. Các căn nhà ở xã hội phải được thiết kế xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn hiện hành về chất lượng và an toàn.
Thứ hai, trong vòng 5 năm kể từ khi mua nhà ở xã hội, người mua, thuê không được phép thế chấp, trừ trường hợp thế chấp ngân hàng để mua chính căn hộ đó. Đồng thời, cũng không được phép chuyển nhượng nhà ở xã hội dưới mọi hình thức trong vòng 5 năm kể từ ngày trả hết tiền mua nhà ở xã hội theo hợp đồng đã được ký kết.
Thứ ba, người mua, thuê phải thuộc diện thỏa mãn 3 điều kiện mua nhà ở xã hội theo quy định pháp luật. Đó là các điều kiện như gặp khó khăn về nhà ở, điều kiện về cư trú, điều kiện về thu nhập thấp. Chỉ cần không thỏa mãn bất kỳ điều kiện nào cũng không thể tham gia mua, thuê nhà ở xã hội.
Thứ tư, khi đáp ứng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, người dân sẽ được hỗ trợ vay vốn mua nhà lên tới 80% giá trị căn nhà với lãi suất ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các ngân hàng khác.
Hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội
Người có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội cần có đầy đủ: Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội (theo mẫu); Chứng minh nhân dân (03 bản chứng thực); Đăng ký hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (03 bản chứng thực); Ảnh các thành viên trong gia đình (ảnh 3×4, mỗi thành viên 3 ảnh).
Ngoài ra, nếu có các loại giấy tờ ưu tiên khác thì có thể nộp kèm trong hồ sơ.
Mẫu đơn đăng ký mua và thuê nhà ở xã hội.
Hồ sơ chứng minh về đối tượng và thực trạng nhà ở
Bên cạnh hồ sơ chung, người mua cần phải có giấy xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở. Việc xin xác nhận được thực hiện như sau:
- Đối tượng thuộc người có công với cách mạng phải có giấy tờ minh chứng về đối tượng theo quy định của pháp luật, xác nhận về thực trạng nhà ở hiện nay và chưa nhận được sự hỗ trợ nhà ở của nhà nước do UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp;
- Các đối tượng thuộc diện 4, 5, 6, 7 của điều 49 Luật Nhà ở cần phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi làm việc về đối tượng cũng như thực trạng nhà ở hiện tại;
- Đối tượng thuộc diện 8 điều 49 Luật Nhà ở phải có giấy xác nhận đã trả lại nhà ở công vụ do cơ quan quản lý công vụ cấp;
- Đối tượng thuộc diện 9 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập;
- Đối tượng thuộc diện 10 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có bản sao có chứng thực chứng minh người đó có tên trong danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền, kèm theo giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.
Hồ sơ chứng minh về điều kiện cư trú
Những đối tượng đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi có nhà ở xã hội thì cần phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó.
Những đối tượng đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi có nhà ở xã hội thì cần phải có bản sao chứng thực về giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng lao động có thời hạn một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn và giấy xác nhận về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Riêng trường hợp các đối tượng làm việc cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội mà đóng bảo hiểm tại địa phương nơi đặt trụ sở chính thì bắt buộc cần phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị đặt trụ sở chính về việc đóng bảo hiểm.
Hồ sơ chứng minh thu nhập
Trước hết, các với các đối tượng thuộc khoản 4 Điều 49 Luật Nhà ở cần kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Các đối tượng quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở cần phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập.
Trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội
Các chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các thông tin về dự án và được công bố công khai trên công thông tin điện tử của Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án. Dự án xuất hiện ít nhất 1 lần tại cơ quan báo chí ngôn luận của chính quyền địa phương và sàn giao dịch bất động sản của chủ đầu tư.
Những đối tượng có nhu cầu mua, thuê phải nộp hồ sơ cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư xem xét hồ sơ, lập danh sách các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội. Trong trường hợp không còn quỹ nhà để giải quyết thì chủ đầu tư có trách nhiệm nêu rõ lý do, hoàn trả lại hồ sơ, khi nhận hồ sơ cần có giấy tờ biên nhận.
Chủ đầu tư gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết theo thứ tự ưu tiên về Sở Xây dựng để kiểm tra, loại trừ. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận danh sách, nếu Sở Xây dựng không có ý kiến gì thì chủ đầu tư thông báo cho các đối tượng mua đến để thỏa thuận, thống nhất và ký hợp đồng.
Đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội và chủ đầu tư thỏa thuận việc thanh toán nhà ở trực tiếp hoặc thông qua ngân hàng. Về hợp đồng mua bán và cho thuê nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án cần có trách nhiệm lập danh sách các đối tượng mua, thuê mua gửi về Sở Xây dựng để công bố công khai.
16:00, 07/04/2020
06:00, 23/03/2020
06:40, 16/03/2020