22/11/2024 | 16:21 GMT+7, Hà Nội

“Hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao bài tập dịp Tết”

Cập nhật lúc: 04/02/2019, 11:00

"Học sinh bây giờ học quanh năm, học sáng, chiều, tối. Nhiều em học như chạy sô, thậm chí ăn cả trên xe, ăn trong lớp học thêm... Học sinh gần như không có hè, không có Tết. Do đó hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao bài tập cho học sinh dịp Tết".

Trên đây là ý kiến của một giáo viên về việc có nên giao nhiều bài tập cho học sinh dịp Tết hay không.

“Nghỉ Tết”: Không nên bắt học sinh vùi đầu vào học

Cách đây một thời gian, có bà mẹ đăng ảnh học sinh phải làm đến hơn 40 bài tập Toán, chưa kể bài tập Tiếng Việt. Bức ảnh đã khiến cộng đồng mạng có nhiều tranh cãi trái chiều.

Người cho rằng nên giao bài tập để các em không lơ là việc học. Người bảo, học sinh giờ học quá nhiều, ngày nghỉ, hãy để các em được nghỉ.

Một giáo viên ở Quảng Bình cho biết, đã gọi là nghỉ Tết mà bắt trẻ con vùi đầu vào học thì có công bằng không?

Tết là khoảng thời gian các em vui chơi sum vầy bên người thân, vậy nên không quá gây áp lực bởi việc học.

“Tôi còn nhớ hồi xưa, tôi rất sợ mỗi khi nghĩ lễ bởi giáo viên sợ học sinh chơi dài, quên việc học nên giao nhiều bài tập. Vì thế hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao nhiều bài tập cho học sinh vào ngày tết. Có chăng, chỉ là các bài tập của bài học hôm trước, chuẩn bị sang bài sau như ngày thường. Những gì mình không thích trước đây, nhất định giờ không được áp dụng cho trẻ”, giáo viên này nói.

“Hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao bài tập dịp Tết”

Tết là khoảng thời gian các em vui chơi sum vầy bên người thân, vậy nên không quá gây áp lực bởi việc học. Ảnh: Minh họa

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho hay qua một khảo sát nhỏ trên diễn đàn Toán học- với câu hỏi: “Có nên giao nhiều bài tập cho học sinh dịp Tết không”?, khoảng 99% đồng ý không giao bài tập.

“Người lớn đến ngày Tết còn nghỉ thì không có lý do gì lại bắt học sinh làm bài tập dịp Tết.

Thời gian nghỉ Tết của học sinh là không nhiều (như Hà Nội là 10 ngày). Theo quan sát của tôi từ những năm trước, ở nhiều nơi học sinh mất khoảng một ngày để làm bài tập cho một môn, thành ra Tết chỉ để làm bài tập”, thầy Tùng nói.

Cũng theo thầy Tùng, một đồng nghiệp kể: Trước Tết, tổ Toán có phân công mỗi giáo viên soạn bài tập một chương để sau Tết nộp, thế rồi qua Tết gặp nhau, chưa ai soạn được bài nào.

Học sinh cũng vậy, các em không còn thời gian để làm bài tập nên nếu giáo viên cứ giao, khả năng cao là các em lại chép của nhau, như thế chả có tác dụng gì.

“Hơn 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao bài tập dịp Tết”

Người lớn đến ngày Tết còn nghỉ thì không có lý do gì lại bắt học sinh làm bài tập dịp Tết. Ảnh minh họa

Ý thức không bắt nguồn từ việc “ép” làm bài tập

Cũng trên diễn đàn Toán học, một số giáo viên cho biết, việc ép học sinh làm nhiều bài tập, không làm tăng ý thức học tập của các em.

Nên chăng, lúc học, thầy cô cần nghiêm túc triệt để, nhưng khi chơi, cũng để các em chơi đúng nghĩa. “Học sinh đã dành 99% cho việc học, còn 1% để nghỉ ngơi, nên để các em nghỉ”, giáo viên này nói.

Bà Phạm Thị Cúc Hà, Giám đốc Đào tạo hệ thống giáo dục Justkids cho hay, không nên giao bài tập nhiều cho học sinh dịp Tết bởi các em có thể học được nhiều thứ từ cái tết cổ truyền của dân tộc.

Còn theo thầy Mạnh Tùng, nghỉ tết cũng là khoảng thời gian để các em được thư giãn cơ thể, bồi dưỡng trí lực, tạm quên để ghi nhớ tốt hơn. Sau vài buổi đi học, cùng với sự giúp đỡ của giáo viên, các em sẽ bắt nhịp được ngay.

“Nhiều phụ huynh lo lắng, nếu không giao bài tập Tết thì học sinh sẽ ôm ti vi, máy tính hay dán mắt vào điện thoại cả ngày. Theo quan điểm của tôi, nếu điều đó xảy ra thì lỗi thuộc về phụ huynh.

Người lớn cần hướng dẫn, giao việc cho các em để các em không phải là người ngoài cuộc trong dịp Tết, như thế các em sẽ học được nhiều bài học có giá trị mà có thể ở trường các em không được học”, thầy Tùng cho hay.

Theo thầy Tùng, chúng ta cần trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết, để việc chuẩn bị Tết được chu đáo, việc đón Tết được vui vẻ, ấm cúng, bổ ích và an toàn.