24/01/2025 | 07:50 GMT+7, Hà Nội

Hội Nhà văn Hà Nội nhận lỗi, "Sẹo độc lập" bị dừng phát hành

Cập nhật lúc: 24/10/2015, 11:14

Hội nhà văn Hà Nội đã có thông cáo báo chí nhận lỗi về vụ việc trao giả thưởng cho Phan Huyền Thư. Cùng với đó Nhà xuất bản (NXB) Lao Động và Công ty Cổ phần sách và truyền thông Nhã Nam thông báo chính thức dừng phát hành tập thơ “Sẹo độc lập”.

Hội Nhà văn Hà Nội nhận lỗi

Tuổi tẻ đưa tin, chiều 23-10, Hội nhà văn Hà Nội (HNVHN) đã có thông cáo báo chí giải thích chuyện lùm xùm xung quanh việc trao giải thưởng cho tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư.

Thông cáo do Chủ tịch HNVHN Phạm Xuân Nguyên ký, cho biết tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư đã đạt số phiếu tuyệt đối của Hội đồng xét giải thưởng (9/9) để được trao giải thưởng HNVHN 2015. Cuốn sách được xuất bản, lưu hành một cách hợp pháp, đáp ứng đúng các tiêu chí của quy chế xét giải. Trong quá trình xét giải và trao giải Hội đồng xét giải thưởng không hề nhận được một thông tin, phản hồi nào cho biết Phan Huyền Thư có “đạo thơ”.

Ngay sau lễ trao giải, tập thơ “Sẹo độc lập” bị tố cáo là “đạo thơ”. Đầu tiên là về bài “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” bị nghi đạo câu thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” của nhà thơ hải ngoại Du Tử Lê. Tiếp đến là bài thơ “Bạch lộ” bị coi là đạo bài “Buổi sáng” in trong tập “Đếm cát” (2003) của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan.

Khi vụ việc xảy ra, HNVHN đã lập tức yêu cầu nhà thơ Phan Huyền Thư giải trình. Căn cứ trên bản giải trình của nhà thơ Phan Huyền Thư, HNVHN đã liên hệ với các nhà thơ ở hải ngoại để xác minh. Nhưng không tìm thấy bài thơ “Độc ẩm với bình minh” trên tạp chí Hợp lưu và Tạp chí thơ (như lời nhà thơ Phan Huyền Thư nói).

Giải thích về quyết nghị thu hồi giải thưởng 2015 của HNVHN đối với tập thơ “Sẹo độc lập” HNVHN cho biết vì có những bài thơ trong tập bị nghi “đạo thơ” với văn bản cụ thể, khiến giá trị của tác phẩm cũng bị đặt nghi vấn; từ đó gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của HNVHN và giải thưởng của Hội, cho thấy HNVHN cũng có lỗi trong việc trao giải cho tác phẩm này. Việc thu hồi giải là để tỏ rõ trách nhiệm của mình.

Thông cáo báo chí nêu lỗi này trước hết thuộc về BCH Hội và Chủ tịch Hội. HNVHN nghiêm khắc nhận lỗi trước các hội viên và độc giả, xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. HNVHN cũng cám ơn nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đã tiếp nhận lời xin lỗi thứ hai của Phan Huyền Thư để vụ việc đi vào chiều hướng tích cực hơn.

Dừng phát hành tập thơ "Sẹo độc lập"

Cũng theo báo Người lao động, do các vấn đề liên quan đến tác quyền bài thơ "Bạch lộ" nằm trong tập thơ "Sẹo độc lập" của Phan Huyền Thư, Nhà xuất bản (NXB) Lao Động và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (đơn vị liên kết xuất bản và phát hành) quyết định dừng phát hành tập thơ "Sẹo độc lập" trên toàn quốc, cả ở hệ thống các hiệu sách lẫn hệ thống phát hành trực tuyến.

Tập thơ "Sẹo đọc lập"

Bà Võ Thị Kim Thanh – Giám đốc NXB Lao động cho biết đây là quan điểm chung đã thống nhất của NXB và đơn vị liên kết phát hành. Ngoài ra, các vấn đề cụ thể liên quan đến tác quyền bài thơ Bạch lộ, tác giả Phan Huyền Thư sẽ trực tiếp giải quyết với các bên liên quan.

Trả lời vấn đề có tiến tới thu hồi "Sẹo độc lập" hay không, phía NXB Lao Động cũng như Công ty Cổ phần sách và truyền thông Nhã Nam chưa đưa ra phát biểu chung về vấn đề này và chỉ mới giải quyết ở việc dừng phát hành.

Đại diện Nhã Nam cho hay: “Trong các hợp đồng xuất bản, đơn vị xuất bản thường luôn có điều khoản không chịu trách nhiệm về vấn đề tranh chấp bản quyền (nếu xảy ra) với tác phẩm. Tác giả là chủ thể sáng tạo của tác phẩm, luôn là người chịu trách nhiệm về tác quyền tác phẩm của mình”.

Trước đó, Phan Huyền Thư đã chính thức thừa nhận bài thơ "Bạch lộ" viết sau bài thơ "Buổi sáng" của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và một lần nữa chân thành gửi lời xin lỗi nhà thơ này.

Phan Huyền Thư hứa sẽ tiêu hủy bài “Bạch lộ” trong những lần tái bản tập thơ “Sẹo độc lập” và viết trong thư điện tử gửi Tuổi Trẻ rằng: “Trên công luận, hôm nay tôi chính thức gửi lời xin lỗi tới cá nhân chị. Tôi sẽ coi đây là một bài học lớn trong đời mình, một bài học sâu sắc nhất về thái độ sống và viết”.