19/01/2025 | 15:30 GMT+7, Hà Nội

Thu hồi giải thưởng cho tập thơ "Sẹo độc lập" của Phan Huyền Thư

Cập nhật lúc: 21/10/2015, 07:02

Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn cấp, quyết định thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đối với tập thơ “Sẹo độc lập” mặc dù Phan Huyền Thư vẫn khẳng định đã viết bài thơ này từ 19 năm trước.

Tập thơ “Sẹo độc lập” bị thu hồi giải thưởng

Theo Tiền phong, chiều 20/10, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn cấp, quyết định thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đối với tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư.

Cuộc họp kết thúc lúc 16h30, tham dự có một số ủy viên Ban chấp hành: Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Mỹ, đi đến quyết định thu hồi giải thưởng trên cơ sở những phát hiện mới nhất về việc nghi đạo một số bài thơ của Phan Huyền Thư.

Trước đó, buổi sáng 20/10, Phan Huyền Thư gửi một lá đơn đến Ban chấp hành Hội, nội dung xin trả lại giải thưởng sau khi có dư luận Phan Huyền Thư đạo thơ.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết: Trong lá đơn, Phan Huyền Thư xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan về sự việc xảy ra, xin lỗi độc giả thơ cả nước, các nhà báo, xin lỗi gia đình vì đã làm họ mệt mỏi buồn bã.

Đáng chú ý, theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, trong đơn này Phan Huyền Thư cũng nói về một số kịch bản truyền hình và phim của mình bị dư luận dị nghị.

Việc thu hồi giải thưởng, được biết không phải do tác giả xin rút, mà là trên cơ sở một số bài thơ của Phan Huyền Thư trong tập “Sẹo độc lập bị “nghi đạo thơ”, và được Hội xác minh, rằng Phan Huyền Thư từng có nhiều thơ in ở nước ngoài từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhưng không bài nào có nội dung như bài Bạch lộ.

Tác giả Phan Huyền Thư (trái) và Phan Ngọc Thường Đoan

Phan Huyền Thư khẳng định "Bạch lộ" viết năm 1996

Cũng trong sáng 20/10, VnExpress đưa tin, nhà thơ Phan Huyền Thư cho biết chị đã giải trình với Hội Nhà văn Hà Nội về quá trình sáng tác bài thơ Bạch lộ (tác phẩm nằm trong cuốn Sẹo độc lập, vừa được Hội này trao giải thưởng). Phan Huyền Thư cũng nộp cho Hội đồng xét giải thưởng bản thảo bài thơ của chị. Dự kiến trong thời gian ngắn sắp tới, sau khi xem xét vụ việc dưới góc độ chuyên môn, Hội Nhà văn Hà Nội có đánh giá về vụ việc.

"Bây giờ, tôi không muốn lấy tư cách cá nhân để phát ngôn trên báo chí khi mọi việc chưa rõ ràng. Bài thơ tôi viết từ năm 1996 nhưng tôi không muốn xoáy vào chuyện ai viết trước ai viết sau nữa, vì tôi còn đang chờ các bằng chứng cho mình. Lúc này, sự im lặng của tôi không phải là để xem ai đúng ai sai mà chỉ vì tôi không muốn làm cho chị Đoan cảm thấy bị tổn thương thêm. Đây không phải là câu chuyện ai sẽ cười ai sẽ khóc mà là câu chuyện cả hai người đàn bà làm thơ đều khóc".

Theo giải thích của Phan Huyền Thư, vào năm 1996, phiên bản đầu tiên của bài thơ Bạch lộ được chị đặt tên là Độc ẩm trước bình minh. Năm 1997, chị đã đổi tên thành Độc ẩm cuối thu để gửi bài thơ qua Mỹ cho bạn bè văn nghệ đăng.

"Khi đó mạng Internet chưa thật sự phổ biến như bây giờ. Tôi phải mang bài thơ ra hàng vi tính thuê người đánh máy văn bản. Bản thảo được gửi cho bạn tôi bằng đường bưu điện. Sau này, khi tôi có máy tính cá nhân thì mới lưu các bản thảo của mình lại. Về sau bài thơ tiếp tục được đổi tên lại thành Bạch lộ. Mỗi lần lên đời máy vi tính tôi lại giữ các bản thảo sáng tác trong ổ cứng. Vì thế khi anh Phạm Xuân Nguyên yêu cầu tôi gửi bản thảo bài thơ, tôi đã gửi ngay cho anh ấy", Phan Huyền Thư nói.

Tuy vậy, nữ tác giả cho biết những điều chị nói cũng chưa giải thích được chuyện gì vì bài thơ Buổi sáng của tác giả Phan Ngọc Thường Đoan được xuất bản hợp pháp từ năm 2003, còn chị chỉ có tập thơ được in vào năm 2014. 

"Tôi chỉ muốn lùi bước trong chuyện này, tôi không muốn nói thêm điều gì nữa", Phan Huyền Thư khẳng định.

Với thông tin bài thơ của Phan Huyền Thư ra đời từ năm 1996, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cho biết chị đang tập hợp các bằng chứng để nếu cần sẽ nhờ tòa án phân xử. "Nếu Phan Huyền Thư nói cô ấy sáng tác bài thơ vào năm 1996 thì không lẽ nào tôi lại là người đi lấy thơ của cô ấy? Đó là điều không đúng sự thật và không thể chấp nhận được".

Trước đó, vào ngày 18/10, bài thơ Bạch lộ in trong tập Sẹo độc lập (phát hành năm 2014) của Phan Huyền Thư bị phát hiện có nhiều câu, chữ, tứ thơ tương đồng với tác phẩm Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan. Tác giả Thường Đoan cho biết chị sáng tác bài Buổi sáng vào ngày 27/6/2000. Vì thích bài thơ này, nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ thành ca khúc Catinat café sáng. Bản nhạc  được ông in trong tập Về lại phố xưa (năm 2001) kèm theo đĩa. Phú Quang tự trình bày ca khúc này. Nhạc sĩ mới đây cũng khẳng định sự việc đúng như lời nhà thơ Thường Đoan kể.

Bài Buổi sáng sau đó được Phan Ngọc Thường Đoan in trong tập thơ Đếm cát (NXB Văn Học - Hội nhà văn TP HCM, phát hành năm 2003)./.