Hội nghị thường vụ BCH Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ V - Nhiệm kỳ IV (2016 – 2021)
Cập nhật lúc: 11/11/2018, 13:18
Cập nhật lúc: 11/11/2018, 13:18
Hội nghị do ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA chủ trì, cùng với sự tham gia của các Phó Chủ tịch VNREA: Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Mạnh Hà,Phạm Ngọc Thanh; Tổng Thư ký VNREA Đỗ Viết Chiến; ông Lê Văn Thìn, Chánh Văn phòng VNREA và các thành viên Ban thường vụHiệp hội.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Viết Chiến đã thống kê và đánh giá lại kết quả hoạt động của năm 2018. Theo đó ông cho hay, thị trường bất động sản năm 2018 cơ bản vẫn giữ được sự phát triển ổn định, các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản có sự tái cơ cấu hợp lý hơn.
Theo thống kê, tổng lượng cung bất động sản về nhà ở chung cư và nhà ở gắn liền với đất trong 9 đầu năm trên cả nước là trên 100.000 sản phẩm, tăng gần 20.000 sản phẩm so với cả năm 2017. Trong đó, lượng sản phẩm nhà chung cư vẫn chiếm đa số và lượng cung chủ yếu vẫn là tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tổng lượng giao dịch bất động sản trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 50.000 sản phẩm.
“Nhìn chung thị trường bất động sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 vẫn cho thấy một gam màu đẹp với những con số khá ấn tượng về cả lượng cung và cầu. Trong đó, thị trường bất động sản đầu tàu là Hà Nội và TP.HCM khá ổn định và triển vọng với nguồn cung dồi dào, phong phú, đặc biệt là nguồn cung nhà ở chung cư. Với nhu cầu thực chất sử dụng bất động sản ngày càng tăng rõ rệt cho thấy dấu hiệu của thị trường bền vững và phát triển. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản miền Trung vẫn rất tiềm năng, nhưng do khan hiếm nguồn hàng từ các dự án phát triển bất động sản mới nên rơi vào tình trạng trầm lắng”, ông Chiến cho hay.
Nhận định chung về thị trường, chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho hay, tính riêng quý IV, dự kiến tổng lượng giao dịch sơ cấp bán cho khách hàng lên tới 75 - 80.000 sản phẩm. Đồng thời lượng giao dịch cũng được dự báo sẽ tăng mạnh nhất trong năm và nhiều hơn so với quý IV/2017. Nhu cầu chung dài hạn rất lớn khi lượng dân chuyển về thành thị sống càng cao. Hơn nữa, chiến lược sản phẩm của chủ đầu tư ngày càng chính xác hơn khi đáp ứng nhu cầu thực. Cách xác định dự án, cơ cấu căn hộ được các chủ đầu tư tính toán cẩn thận, chi tiết hơn. Thể hiện rõ nhất là vừa qua dự án của Vingroup vừa mở bán chỉ trong vài ngày đã hết sạch hàng.
“Thực tế, cũng đang có chiến dịch thanh tra, kiểm tra về tham nhũng thì những chuyện sai phạm sẽ bị hồi tố. Theo đó, việc cấp phép quy hoạch của các cấp sẽ nghiêm túc hơn. Tuy nhiên cũng đem tới mặt trái là thời gian thực hiện dự án, chi phí, cơ hội cho chủ đầu tư thực hiện dư án sẽ khó khăn hơn, khiến nguồn cung 2019 cũng có thể giảm nhưng sẽ không thiếu hàng bởi có những dự án lớn, đủ cấp phép vẫn được thực hiện và sẽ dễ dàng bán hơn”, chủ tịch Nam nhận định.
Đánh giá về các hoạt động nổi bật của Hiệp hội trong thời gian qua, chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho hay, Hiệp hội tích cực đóng góp ý kiến phản biện xã hội, trong đó đóng góp nhiều ý kiến thông qua các văn bản, đề nghị. Điển hình có thể kể đến các văn bản kiến nghị về Condotel, lộ trình của tín dụng ngân hàng và nhận được phản hồi tích cực.
“Tôi cho rằng, chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn khó khăn và trầm lắng hơn. Sẽ có những khó khăn chung cho thị trường nhưng những doanh nghiệp lớn, có uy tín, có tiềm lực, thì những khó khăn đó sẽ là cơ hội. Thị trường luôn loại bỏ những gì yếu kém, những doanh nghiệp làm ăn không tốt. Nói chung khó khăn luôn đi kèm với những thuận lợi để có thể cân bằng xã hội, loại bỏ những rối loạn”, ông Nam nhận định.
Những thành công của Hiệp hội trong thời gian vừa qua có sự đóng góp, tham gia nhiệt tình, tích cực của các thành viên. Những thành công đó đã nâng cao được vị thế của Hiệp hội, tác động vào cách nhìn của xã hội, truyền thông, người dân về doanh nghiệp bất động sản theo hướng tích cực hơn.
Nói riêng về Hội nghị bất động sản quốc tế IREC 2018 vừa qua, chủ tịch cho biết, chương trình đã thành công, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, thông qua các hoạt động chương trình, cách thức tổ chức, thông điệp mà Việt Nam đã truyền tải.
Cũng tại Hội nghị, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội đã báo cáo chi tiết các hoạt động đóng góp của Hiệp hội như đóng góp ý kiến liên quan đến “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị” của Bộ Xây dựng; gửi Bộ Tài chính đóng góp một số ý kiến về đối tượng chịu thuế và các căn cứ để tính thuế; mới đây nhất Hiệp hội đã gửi Thủ tướng Chính phủ công văn đóng góp ý kiến đề xuất về quy định khống chế chi phí lãi vay tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết trên tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, ông Chiến cũng điểm lại những sự kiện lớn của Hiệp hội, trong đó phải kể đến việc tổ chức Lễ trao “Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018” lần đầu tiên; hội nghị IREC 2018 trong 3 ngày tại Hà Nội với khẩu hiệu “Việt Nam - Thế giới của cơ hội”; Về chương trình phát triển Công trình xanh tại Việt Nam để khởi động và duy trì, sẽ tổ chức chuỗi chương trình tọa đàm hàng tháng (từ tháng 11/2018 đến hết năm 2019) mang tên Cafe Xanh…
Các hoạt động hợp tác quốc tế của Hiệp hội với các tổ chức Quốc tế được phát triển ngày càng mạnh mẽ. Đến nay VNREA đã là thành viên chính thức của Liên đoàn bất động sản Thế giới (FIABCI), thành viên của Hiệp hội bất động sản Đông Nam Á (ARENA), thành viên của Hội môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR). Qua đó vị thế của cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được khẳng định và tạo ra các cơ hội để Hội viên phát triển, mở rộng quan hệ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản trong nước, khu vực và trên thế giới.
Nói về hoạt động trong năm 2019, ông Đỗ Viết Chiến cũng cho hay: "Trong mối quan hệ Quốc tế, Hiệp hội đã và đang thực sự trở thành đầu mối liên kết các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại giữa các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường bất động sản Việt Nam. Điều này tạo ra các cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, tạo điều kiện cải thiện tích cực cái nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng và với đất nước Việt Nam nói chung. Theo đó, Hiệp hội còn nhiều chương trình gặp mặt, giao lưu, hợp tác với các đơn vị, tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động trong nước thì sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động để chia sẻ với doanh nghiệp.
Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay: “Chúng tôi có tham vọng xây dựng hệ thống thông tin để sau này trở thành thông tin chung của ngành, của thị trường bất động sản. Nhưng để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, của các sàn trong cung cấp số liệu về dự án, giao dịch bán hàng cũng như kinh phí thực hiện. Thứ hai là yếu tố phản biện xã hội. Đây là việc rất quan trọng đối với mỗi hội viên của Hiệp hội bởi ý kiến của doanh nghiệp thì rất xác với thực tế nhưng khi văn phòng nói doanh nghiệp đưa ra ý kiến để tập hợp thì doanh nghiệp lại e ngại không lên tiếng. Nếu như trước khi các quy định được ban hành mà chúng ta không đưa ra ý kiến thì sau khi nhà nước ban hành rồi chúng ta ngồi nói và bàn thì cũng không giải quyết được. Với hai việc này chúng tôi thực sự mong các doanh nghiệp lớn phải chú ý hơn.
Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Khôi: “Hiệp hội lưu ý là khi gửi các báo cáo đến các bộ ngành thì phải gửi chung báo cáo với ý kiến giống nhau để tránh khập khiễng. Bên cạnh đó, chủ tịch cũng nói chúng ta kiến nghị nhiều nhưng chưa thực sự hiệu quả bởi nó còn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Đáng lẽ đội ngũ doanh nghiệp phải lên tiếng tích cực, nên có sự kết nối với nhau đưa ý kiến chứ không phải để Hiệp hội đến từng doanh nghiệp vận động. Chúng ta là đồng lòng nói tiếng chung chứ không phải là “kết bè”.
Đại diện FLC cho hay, thông tin về thị trường do Hiệp hội thống kê thì thực sự là rất tốt có ích cho thị trường và doanh nghiệp. Nói về câu chuyện phản biện, với những văn bản chuyên ngành thì doanh nghiệp với nhiều bộ phận chuyên ngành rộng đôi khi cũng rất khó để đưa ra ý kiến sớm. Theo đó, Hiệp hội có thể tính toán đến việc tổ chức họp trực tiếp để lấy ý kiến. Đối với tham gia quan hệ quốc tế, FLC sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ cùng Hiệp hội và các hội viên.
Tổng kết buổi họp, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam kết luận: "Trong thời gian tới Hiệp hội sẽ cố gắng gặp mặt với các hội viên để nghe chia sẻ cũng như những nguyện vọng, khó khăn của doanh nghiệp để có thể lên tiếng đóng góp với phía nhà nước. Bên cạnh đó sẽ tổ chức thêm các tọa đàm, sự kiện lớn, trong đó có diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ 2 vào dịp cuối năm 2019. Cuối cùng là thống kê tổng hợp các số liệu chuẩn bị cho buổi họp báo lớn để đưa ra các nhận định, đánh giá thị trường một cách chính xác nhất để ổn định thị trường. Ngoài ra, sẽ giao Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức ít nhất hai hội thảo lớn về bất động sản xanh”.
An Vũ
00:00, 06/11/2018
03:00, 05/11/2018
22:06, 30/10/2018