18/01/2025 | 20:17 GMT+7, Hà Nội

Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh nhưng nhà bán lẻ vẫn run sợ

Cập nhật lúc: 03/06/2020, 07:20

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh, nhưng nhà bán lẻ vẫn run sợ.

Doanh thu tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng lại giảm

Theo Tổng cục thống kê, tháng 5 là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng mạnh nhất, đạt 0,4 nghìn tỷ đồng, tăng 780,1%, sau đó tới dịch vụ lưu trú, ăn uống và bán lẻ hàng hóa… Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước thì doanh thu của các lĩnh vực đều bị giảm, duy nhất chỉ có bán lẻ hàng hóa tăng 1,6%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh, nhưng chỉ số tiêu dùng lại giảm sẽ khiến cho các nhà bán lẻ lo lắng

Tổng mức bán lẻ và doanh thu tăng mạnh như vậy, nhưng theo nghiên cứu mới đây của Nielsen Research Việt Nam, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi rất lớn do dịch Covid-19. Trừ một số nhóm hàng như lương thực thực phẩm thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng nhanh, thiết bị phòng dịch, y tế tăng trưởng, còn lại các nhóm ngành hàng khác đều bị suy giảm mạnh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, những tác động không mong muốn xảy ra với ngành bán lẻ chủ yếu là do yếu tố khách quan, cụ thể là dịch bệnh đã khiến cho tần suất, cơ cấu tiêu dùng, giá trị, phương thức mua sắm của từng gia đình, cá nhân có nhiều thay đổi nhanh chóng, sang một thái cực mới để phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Điều này đã khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%).

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động sản xuất hoặc phá sản. Theo Tổng cục thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10,5% về số doanh nghiệp, giảm 16,7% về vốn đăng ký và giảm 24,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng riêng trong 5 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tất cả những kết quả nêu trên đang khiến cho các nhà bán lẻ lo lắng và run sợ. Họ sẽ càng gặp khó khăn hơn nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục kéo dài, nền kinh tế sẽ ngày càng bị suy thoái và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam.

Bán lẻ buộc phải thay đổi

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 tăng mạnh là do sau cách ly, người dân có nhu cầu “xả hơi” mua sắm trở lại, ngoài ra, nhờ hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng tăng sử dụng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh thế giới còn có khả năng kéo dài nên việc giảm sức mua nhiều mặt hàng, ngoại trừ mặt hàng thiết yếu, sẽ tác động mạnh đến ngành bán lẻ trên toàn thị trường.

Đứng trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và sức mua xã hội bị suy giảm nên tháng 3/2020, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất sau dịch và kích cầu tiêu dùng bao gồm: Giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, giảm lãi vay ngân hàng, trợ cấp bằng tiền cho các đối tượng bị tổn thương khi có dịch...

Thay đổi mình để phù hợp với thực tế là yêu cầu then chốt đối với các doanh nghiệp bán lẻ để có thể trụ lại trong cơn suy thoái kinh tế do bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng: “Chúng ta phải tiếp tục thực hiện việc cải cách hành chính, dỡ bỏ những thủ tục phiền hà, làm tốn công sức, thời gian, cơ hội kinh doanh và làm phát sinh những chi phí vô lý, suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khắc phục những vấn đề trên sẽ tạo ra môi trường thông thoáng, giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh”.

Các doanh nghiệp bán lẻ cần tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm giá thành nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Nếu các đơn vị, cá nhân không điều chỉnh lại giá thì sức mua của người dân sẽ giảm. Điều này sẽ khiến cho ngành bán lẻ sẽ gặp khó khăn hơn, chỉ số tiêu dùng sẽ không đạt được chỉ tiêu 4% trong năm nay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo hình thức nâng cao chất lượng sản phẩm. Gắn kết sản xuất với phân phối một cách chặt chẽ, như vậy mới tạo sự liên hoàn, nhịp nhàng để đưa sản phẩm từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, có giá thành tốt nhất…

Việc giảm bớt chi phí sản xuất, chi phí lưu thông như thuốc trừ sâu, phân bón, logistics… cũng là yêu cầu cần phải thay đổi của ngành bán lẻ, để tránh cho việc giá thành sản phẩm bị đội giá quá cao so với giá thực tế, sẽ khó thu hút được người mua.

Chuyên gia Phú cũng nhấn mạnh, có một vấn đề nổi cộm thời gian qua cần phải chú ý đó chính là xây dựng thương hiệu bán lẻ một cách tử tế, minh bạch. 

“Trong giai đoan dịch bệnh bùng phát ở nước ta, đã có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tình hình phức tạp của thị trường đã bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử như khẩu trang, nước rửa tay… Nó đã làm méo mó hình ảnh của ngành bán lẻ, chính vì vậy, chúng ta phải chấn chỉnh và xây dựng lại nó một cách nghiêm minh và tốt nhất. Làm được điều này, các thương hiệu mới tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú nói. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động thương mại nội địa, giảm chi phí kinh doanh một cách hợp lý. Đó cũng chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay cũng như mãi mãi về sau.

Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh nội địa cần có ý thức hợp tác liên kết để vươn lên thành lập các tập đoàn bán lẻ Việt Nam đủ sức dẫn dắt thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng xã hội.