19/01/2025 | 02:22 GMT+7, Hà Nội

Dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam: Tiếp đà phát triển hậu Covid-19

Cập nhật lúc: 28/05/2020, 07:20

Covid-19 đặt ra nhiều khó khăn, thách thức song đây cũng được coi là cơ hội, bước chạy đà cho sự phát triển mới đối với ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều tác động đến đời sống xã hội và nền kinh tế nói chung suốt thời gian vừa qua, ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ; thị trường phân phối - bán lẻ nói riêng đều có những chuyển biến nhất định. Trước hết là những thay đổi, biến động trong việc mua sắm của người tiêu dùng Việt cũng như những yêu cầu mới của thị trường, mở ra thêm những cơ hội và thách thức cho ngành dịch vụ thiết yếu này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4/2020 đã giảm đến 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm 4,3%. Còn theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong tháng 4/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 257,39 nghìn tỷ đồng, giảm 15,31% so cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 1.224,45 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,56% tổng mức và chỉ tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 gây nhiều tác động đến đời sống xã hội và nền kinh tế nói chung suốt thời gian vừa qua, ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ; thị trường phân phối - bán lẻ nói riêng đều có những chuyển biến nhất định.

Một trong những nguyên nhân được đưa ra là người dân có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm khi gặp khó khăn về công việc và thu nhập từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19.

Tuy nhiên, sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong mùa dịch lại mang lại cơ hội cho nhiều nhà bán lẻ khác, mở ra nhiều phương thức kinh doanh, hoạt động mới. Cụ thể, các nhà bán lẻ lớn như Vinmart, Big C, MM Mega Market… đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong khoảng thời gian thực hiện lệnh giãn cách xã hội khi áp dụng hình thức mua sắm trực tuyến (online). Thậm chí, sau giãn cách, sức mua tại các kênh bán lẻ này vẫn đang được duy trì khá ổn định hậu Covid-19.

Nhận định về xu hướng này, các chuyên gia cho rằng, xu hướng mua sắm trực tuyến trong bối cảnh mọi người phải hạn chế đi lại, tụ tập đến nơi đông người để phòng chống dịch bệnh đã được các nhà bán lẻ tại Việt Nam tận dụng phát triển. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu trong dịch mà còn trở thành xu hướng (kênh) mua sắm trong tương lai.

Xu hướng mua sắm trực tuyến trở thành xu thế mới trong và sau dịch covid-19

Trong dự báo về sự phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, bán lẻ sẽ là lĩnh vực đóng vai trò vô cùng quan trọng, mặc dù đây cũng là một trong những ngành nhạy cảm nhất và chịu tổn thất nặng nề nhất trong giai đoạn “cách ly xã hội” vì dịch bệnh.

Theo chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú, dịch Covid-19 là một thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua, nhưng đó cũng là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình để đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn. Trước hết, ngành bán lẻ phải tự thân đổi mới mình một cách toàn diện, đồng thời khắc phục những khiếm khuyết trong giai đoạn trước đây để thực hiện ngày càng tốt hơn hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

"Chất lượng, giá cả hàng hóa kinh doanh phải nâng lên một bước, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Về giá cả, cần rà soát lại các mức giá vô lý, không hợp lý do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan để kéo giá về một mức mà thị trường có thể chấp nhận được và mang tính cạnh tranh cao giữa các kênh bán lẻ" - Chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Covid-19 là một thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua, nhưng đó cũng là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình để đổi mới hơn

“Không giống sản xuất phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng không và du lịch phụ thuộc vào sự mở cửa của các nước, ngành bán lẻ chắc chắn sẽ phục hồi nhanh hơn vì phục vụ cuộc sống thiết yếu hàng ngày của người dân” - là nhìn nhận của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong. 

Cũng theo chuyên gia này, ngay cả dưới tác động của Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn giữ được “phong độ” là 1 trong 5 thị trường có tiềm tăng nhất của khu vực và thế giới bởi lối sống của người Việt có thói quen sử dụng thực phẩm tươi, văn hóa chuộng giao lưu và sở thích mua sắm hàng hóa trực tiếp cũng tác động tích cực tới thị trường ngay sau khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Đây chính là những yếu tố mang tới sự phát triển ổn định cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

"Nở rộ" nhiều hình thức bán lẻ mới hậu Covid-19

Thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Bên cạnh đó, các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng ngày càng phát triển nở rộ, đặc biệt là hậu Covid-19 do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Theo thống kê, tăng trưởng bình quân của tiêu dùng cá nhân là 10,5%/năm nên tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng tỷ lệ thuận dần qua các năm với tỷ lệ tăng bình quân là 15,5%/năm.

Các doanh nghiệp trong nước chiếm phần lớn thị trường bán lẻ Việt Nam như: Vinmart, Hapro, T-Mart, Co.op mart… Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45%. Theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Đánh giá về triển vọng phát triển của ngành bán lẻ hậu Covid-19, bà Vũ Thị Hậu (Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam) nhận định, ngành bán lẻ không chỉ rất biết thích ứng với sự biến đổi của xã hội mà còn có tốc độ hồi phục nhanh hơn các ngành khác, nhờ những tiềm năng sẵn có cũng như những triển vọng được mở ra sau dịch bệnh, đặc biệt là nhóm hàng thiết yếu.

Theo Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ; Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều. Đối thủ cạnh tranh bán lẻ của các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhiều. Theo dự báo, thị trường bán lẻ hàng thực phẩm sẽ phát triển mạnh trong năm 2020 với sức tiêu thụ tăng bình quân 5%/năm.

Với dự báo đó, Bộ Công Thương đã xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác, sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao để hình thành ngành kinh tế mạnh, hội nhập vững chắc trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng, thị trường bán lẻ Việt Nam lộ ra nhiều khiếm khuyết, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ. Hệ thống chuỗi siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng bán lẻ tiện lợi mọc lên như nấm nhưng 1 phần nhiều trong số đó còn thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng.

Covid-19 dù đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực bán lẻ song đây cũng là cơ hôi, "bước đệm" để kích hoạt sự đổi mới, khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Các tổ chức quốc tế đều có cái nhìn lạc quan về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam

Nếu như nền kinh tế Việt Nam được coi là điểm sáng với triển vọng phục hồi nhanh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thì ngành bán lẻ được các chuyên gia đánh giá là một trong những lực đẩy quan trọng nhất của quá trình “hồi sinh” này.