Những bất cập trong quy trình kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào siêu thị
Cập nhật lúc: 18/05/2020, 07:20
Cập nhật lúc: 18/05/2020, 07:20
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Là một trong những kênh mua sắm được nhiều người lựa chọn hiện nay, các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi... cần phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm ngay từ khâu đầu vào nhằm đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng đảm bảo đúng quy trình kiểm soát khi những "lỗ hổng" về việc quản lý, thanh kiểm tra của cơ quan chức năng còn đang bị "bỏ ngỏ".
Theo quy trình, các lô hàng được nhập về đều phải được kiểm tra đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP tại phòng kiểm nghiệm của từng đơn vị, đảm bảo đầy đủ quy định về hồ sơ, thủ tục, pháp lý, điều kiện sản xuất cho tới vận chuyển. Các sản phẩm đóng gói đều có tem, nhãn, bao bì. Thực phẩm được sơ chế tại siêu thị như thịt, cá, hải sản... đều phải có tem ghi rõ ràng thời gian đóng gói, cách thức bảo quản, nguồn gốc sản phẩm. Các loại thực phẩm được công khai về nguồn gốc, xuất xứ, cơ sở cung cấp, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, cung cấp đầy đủ hóa đơn mua hàng đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tiêu dùng khi có khiếu nại.
Trên cơ sở đó, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ nhận diện được các lô hàng đảm bảo và không đảm bảo các điều kiện về ATTP, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất của nhà cung cấp để đánh giá quy trình nuôi trồng, thu hoạch, chế biến.
Hậu Covid-19, việc các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích "mọc lên như nấm sau mưa" nhưng quy trình kiểm soát chất lượng đầu vào vẫn tồn đọng nhiều bất cập, khiến người tiêu dùng gặp khó trong việc lựa chọn các sản phẩm "sạch".
Tháng 3/2020, bạn đọc phản ánh tới cơ quan báo chí về việc Siêu thị Tự chọn B11 Kim Liên bày bán nhiều sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem phụ bằng tiếng Việt. Siêu thị trên hoạt động quảng cáo bán hàng trên trang mạng Facebook có tên gọi “Siêu thị Tự chọn B11 Kim Liên – Chuyên hàng nhập ngoại” với lời giới thiệu chuyên cung cấp các loại mỹ phẩm, sữa bỉm, bánh kẹo, đồ da dụng, thực phẩm đông lạnh, hoa quả nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, siêu thị này vẫn "ngang nhiên" bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt mặc dù đã có quy định rất cụ thể về nhãn hàng hàng hóa.
Liên quan đến giấy tờ, hóa đơn của các sản phẩm tại cửa hàng, ông Nguyễn Học Đức và bà Nga (vợ ông Đức), chủ Siêu thị Tự chọn B11 Kim Liên cho biết, hàng xách tay ký gửi chỉ có đơn viết tay của người ký gửi, còn hàng chính hãng có hóa đơn nhưng khi PV đề nghị được tiếp cận các giấy tờ thì lại từ chối không cung cấp. Điều này đặt ra câu hỏi về việc quản lý chất lượng đầu vào các sản phẩm tại các cơ sở siêu thị tư nhân.
Nhiều sản phẩm được ghi nhận không có tem nhãn phụ
Về các mặt hàng thịt tươi sống bày bán hàng ngày, quy định của ngành chăn nuôi là các sản phẩm phải được cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch hoặc dán tem kiểm dịch, khi để qua ngày thì phải kiểm dịch lại. Tuy nhiên, quy định là vậy, nhưng thực tế thực phẩm bày bán tại các siêu thị thời gian gần đây lại không hề có tem hay dấu kiểm dịch thú y, thậm chí là không có hạn sử dụng.
Tháng 9/2018, tại quầy hàng bày bán thực phẩm đông lạnh của siêu thị Lotte (Mipec), có một số sản phẩm được bày bán như thịt gà, thịt lợn chỉ có duy nhất một tem nhãn phụ (thể hiện tên sản phẩm, trọng lượng, giá tiền, ngày đóng gói và kèm theo dòng địa chỉ Công ty Cổ Phần TTTM Lotte Việt Nam, 229 Tây Sơn, Phường Ngã Tư Sở, Quận Đống Đa, TP Hà Nội) nhưng không có ghi ngày hết hạn hay HSD?
Các loại thịt mặc dù được đóng hộp cẩn thận, bày bán tại gian hàng thực phẩm của siêu thị nhưng không có thời hạn sử dụng khiến người tiêu dùng hoang mang. (Ảnh: Người tiêu dùng)
Tại gian hàng mỹ phẩm của siêu thị Lotte Mart Đống Đa cũng có rất nhiều dòng sản phẩm là mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp được bày bán. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV thì trên một số sản phẩm thuộc hàng nhập khẩu có chữ nước ngoài ở trên hộp sản phẩm được đặt ở gian hàng cũng không có tem nhãn phụ tiếng Việt.
Một số sản phẩm ở quầy hàng mỹ phẩm tại siêu thị Lotte Mart Đống Đa cũng gặp tình trạng không ghi rõ tem nhãn phụ tiếng Việt
Căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Khi cố tình vi phạm các quy định này, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu có thể phải chịu mức phạt đến 80 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm theo quy định tại Điều 26 Nghị định Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.
Tháng 7/2017, siêu thị La Maison bị khách hàng tố bán thịt mốc xanh khi vẫn còn hạn sử dụng. Do chủ quan nên khách hàng không kiểm tra ngay tại siêu thị, đến chiều về nhà khi lấy thịt ra để tẩm ướp thì khách hàng “tá hỏa”, không tin vào mắt mình khi thấy thịt mốc xanh mốc đen và thậm chí khi kiểm tra cả khay đựng thịt thì cả khay cũng bị mốc.
T7/2017, siêu thị thịt ngon La Maison bán...thịt mốc cho khách hàng
Theo khảo sát của PV, ngoài 1 số siêu thị lớn có các trung tâm kiểm nghiệm thì 80% các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tư nhân còn lại trên địa bàn Hà Nội chưa tuân thủ đầy đủ quy trình kiểm tra chất lượng đầu vào nghiêm ngặt; đã và đang kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu không có tem nhãn phụ theo đúng quy định. Chưa có chế tài xử phạt cụ thể, nhiều cơ sở nằm trong ngõ ngách sâu là các nguyên nhân được đưa ra cho việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Thả lỏng việc kiểm soát quy trình kiểm định chất lượng đầu vào sẽ dẫn đến tình trạng các mặt hàng kém chất lượng vẫn "ngang nhiên" được bày bán cho người tiêu dùng.
Những trường hợp trên đặt ra câu hỏi về việc thực hiện các quy trình kiểm soát chất lượng đầu vào của các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thủ đô nói riêng. Nhiều doanh nghiệp, tư nhân còn đang đặt lợi ích kinh tế lên trên quyền lợi của khách hàng, bỏ qua các khâu kiểm soát chất lượng, các cơ quan chức năng cũng chưa sát sao trong việc giám sát nguồn hàng của các cơ sở trên, đặc biệt loại hình mua sắm này đang "mọc lên như nấm" hậu Covid-19 sẽ càng khiến việc kiểm soát khó khăn hơn.
Dù dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế nhưng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân Thủ đô vẫn rất lớn. Việc giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đầu vào tại các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi... vẫn là 1 bài toán tương đối khó nhưng cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Kiểm soát chất lượng (tiếng Anh: Quality Control hay viết tắt QC) là một phần của quản lý chất lượng tập trung vào thực hiện các yêu cầu chất lượng. Kiểm soát chất lượng là việc kiểm soát các quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ thông qua kiểm soát các yếu tố như con người, máy móc, nguyên vật liệu, phương pháp, thông tin và môi trường làm việc.
Yếu tố nguyên vật liệu là yếu tố chính đầu vào, có ảnh hưởng chủ yếu đến chất lượng sản phẩm. Để sản phẩm đầu ra có chất lượng thì nguyên vật liệu đầu vào phải có chất lượng. Yếu tố thiết bị và công nghệ là các yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt ảnh hưởng đến sự hình thành chất lượng sản phẩm. Yếu tố con người ở đây bao gồm toàn bộ nguồn nhân lực trong một tổ chức từ lãnh đạo cao nhất đến các nhân viên đều tham gia vào quá trình tạo chất lượng. Tuy nhiên ở đây người ta nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo và trưởng các phòng, ban, bộ phận, những người chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
07:20, 13/05/2020
14:37, 22/04/2020
16:06, 06/04/2020