21/11/2024 | 16:06 GMT+7, Hà Nội

Hệ thống các siêu thị "vượt bão" Covid-19 như thế nào?

Cập nhật lúc: 27/05/2020, 07:20

Vừa tăng cường phòng chống dịch hiệu quả, vừa chuẩn bị tốt về nguồn hàng dự trữ, triển khai các chương trình khuyến mại phục vụ người tiêu dùng là những giải pháp hệ thống các siêu thị áp dụng để "vượt bão" Covid-19.

Theo khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Hàng loạt lĩnh vực đều đi xuống trong quý I, các hệ thống bán lẻ cũng không ngoại lệ khi người tiêu dùng thay vì mua sắm hàng ngày, họ sẽ hạn chế và kiểm soát chi tiêu hơn khiến mức tiêu thụ trong thời gian đầu của dịch bệnh giảm theo.

Các hệ thống siêu thị cũng phải gồng mình "vượt bão" Covid-19

Trước những áp lực và khó khăn chung, các hệ thống bán lẻ (siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi) đã phải tìm những hướng đi riêng, đặt ra những mục tiêu cụ thể, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể phù hợp nhất với thực trạng của từng doanh nghiệp/cơ sở để "vượt bão" Covid-19.

Xây dựng phương án phòng dịch để an toàn cho người tiêu dùng mua sắm

Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong suốt một thời gian khá dài khiến hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi một cách nhanh chóng, tăng rõ rệt từ hình thức offline sang hình thức online do tâm lý hạn chế, giảm bớt các hoạt động, tương tác với đám đông khiến tần suất đi mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng giảm mạnh so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. 

Hành vi mua sắm của người tiêu dùng có sự thay đổi rõ rệt trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19

Tình trạng này khiến cho doanh thu của các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi giảm mạnh, đặc biệt là trong thời gian đầu phải cách ly xã hội, nên việc xây dựng phương án phòng dịch để an toàn cho người tiêu dùng yên tâm mua sắm; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19 là giải pháp thiết yếu cần triển khai ngay đối với các hệ thống bán lẻ, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. 

Các siêu thị triển khai đồng loạt các biện pháp phòng dịch để người tiêu dùng yên tâm mua sắm (Ảnh: Báo Công thương)

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều điểm bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đều đặn triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh tất cả các khu vực và trang thiết bị phục vụ khách hàng; đề nghị người tiêu dùng đeo khẩu trang đầy đủ. Nước rửa tay sát khuẩn được đặt ở cửa ra/vào siêu thị, toàn bộ nhân viên mang khẩu trang theo đúng hướng dẫn; các đơn vị thực hiện đo thân nhiệt tất cả các nhân viên trước và sau khi kết thúc ca làm việc. Hướng dẫn người tiêu dùng giữ khoảng cách an toàn khi mua sắm; đẩy mạnh khuyến khích thanh toán điện tử nhằm hạn chế tiếp xúc tiền mặt, giảm tối đa các nguy cơ có khả năng lây nhiễm.

Xây dựng chương trình khuyến mãi và giải pháp chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp hơn

Xây dựng chương trình khuyến mãi và giải pháp chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, phấn đấu dẫn đầu về số lượng và chất lượng dịch vụ. Tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa. Nâng cao hiệu quả chất lượng cung ứng hàng hóa. Tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, số hóa, tự động hóa là những giải pháp quyết định "sự sống" của doanh nghiệp; chỉ khi có được niềm tin của người tiêu dùng thì mới có thể phát triển bền vững.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa

Tâm lý lo lắng của người tiêu dùng xuất hiện khi các thông tin về số bệnh nhân liên tục tăng trong tháng 3, 4/2020, điều này dẫn đến tình trạng đầu cơ tích trữ thực phẩm, người thừa người thiếu. Để đảm bảo cân bằng và đáp ứng đầy đủ, các hệ thống bán lẻ tiêu dùng như siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cam kết nguồn cung hàng hóa đầy đủ để người tiêu dùng an tâm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng người dân hoang mang, tích trữ thực phẩm, khan hiếm ảo.

Nguồn cung hàng hóa luôn dồi dào, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Trước đó, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội từng chia sẻ, có nhiều giải pháp để giữ giá cả ổn định, tăng nguồn cung bằng việc các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên triển khai lực lượng kiểm tra các hệ thống phân phối, các chuỗi siêu thị bán lẻ để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, đồng thời đề nghị các nhà bán lẻ tăng dự trữ thêm 10 - 15%, chủ động tìm nguồn hàng sản lượng nhập, dự trữ; mở rộng thêm kênh bán hàng qua kênh online, giảm tải lượng người mua trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của toàn dân.

Bình ổn giá, triển khai các chương trình khuyến mại

Chỉ số giá tiêu dùng bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá là những đánh giá chung về thị trường tiêu dùng trong suốt mùa dịch Covid-19 vừa qua.

Đối với các loại rủ quả, số lượng rau củ quả tại các hệ thống này vẫn được cung ứng ổn định trong và sau dịch Covid-19. Giá của các loại thịt vẫn duy trì ở mức trung bình như nạc vai, nạc đùi khoảng giá 140.000 đồng/kg, ba chỉ có giá 179.000 đồng/kg, chân giò giá 128.000 đồng/kg, sườn non giá 280.000 đồng/kg, các mặt hàng nhu yếu phẩm như dầu ăn (51.000 đồng/chai/lít), nước mắm (35.000 -55.000 đồng/chai tùy loại), hạt nêm (28.000 đồng/gói)...; hoa quả, hóa mỹ phẩm (giấy vệ sinh, kem đánh răng, dầu gội, dầu tắm...) dự trù trong mùa dịch bệnh được tăng thêm số lượng để đảm bảo nhu cầu với mức giá giữ nguyên.

Chỉ số giá tiêu dùng bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá

Song song với việc bình ổn giá, các siêu thị thuộc các chuỗi bán lẻ lớn còn có các chương trình khuyến mại hấp dẫn được triển khai thường xuyên trong và sau mùa dịch, rất nhiều mặt hàng có giá bán ưu đãi thậm chí thấp hơn ngày thường. 

Các chương trình khuyến mại thường xuyên được triển khai cả trong và sau dịch Covid-19

Việc duy trì bình ổn giá cũng được coi là trong những hành động thiết thực nhằm đồng hành và chia sẻ cùng người tiêu dùng trong suốt mùa dịch, trở thành điểm đến mua sắm an tâm cho khách hàng. 

Ngoài ra, trước những tác động tiêu cực của Covid-19, việc đẩy mạnh hơn về nguồn hàng thay thế các nhóm hàng bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch, tập trung vào các nhóm hàng đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch cũng là giải pháp được các hệ thống bán lẻ, siêu thị tập trung triển khai nhằm chia sẻ khó khăn với các nhà cung cấp, đối tác bị ảnh hưởng trong giai đoạn khó khăn.