22/11/2024 | 12:56 GMT+7, Hà Nội

Hoa mắt với các loại phí ATM

Cập nhật lúc: 17/07/2015, 06:52

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng (NH) lại tăng phí ATM, điều này khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi NH khi mời khách hàng sử dụng dịch vụ ATM phải công khai, minh bạch từng khoản phí.

ATM gánh gần 30 loại phí

Theo Báo Đất Việt, thu nhận thông tin từ Eximbank, từ ngày 2/7, chủ thẻ nội địa Eximbank rút tiền từ máy ATM của chính ngân hàng này sẽ bị thu phí từ giao dịch đầu tiên, 1.100 đồng/giao dịch rút tiền mặt và 2.200 đồng/giao dịch chuyển khoản, thay vì miễn phí với ba giao dịch đầu tiên trong tháng như trước.

Trước đó, Eximbank cũng thu phí từ giao dịch đầu tiên với các giao dịch tại ATM ngoài hệ thống với mức thu 3.300 đồng/giao dịch rút tiền mặt, phí truy vấn số dư, in sao kê là 550 đồng/giao dịch trong khi phí chuyển khoản là 0,011% trên số tiền giao dịch, tối thiểu là 1.650 đồng, tối đa là 16.500 đồng.

Cũng như Eximbank, nhiều ngân hàng đã thu thêm phí bằng nhiều hình thức khác nhau. HDBank bắt đầu thu phí thường niên mức 60.000 đồng/thẻ từ tháng 5/2015.
Đầu tháng 4, ACB bắt đầu thu phí mở thẻ ghi nợ nội địa với mức 30.000 đồng, chưa kể phí thường niên thẻ ghi nợ với mức 50.000 đồng/năm. VIB thì tăng số dư bình quân phải duy trì trong thẻ...

Nâng tổng số phí người dân phải lên gánh trên mỗi đầu chủ thẻ ATM là gần 30 loại phí khác nhau tùy từng ngân hàng. Như vậy, không chỉ có ôtô, quả trứng, hạt gạo...phải chạy đua với cuộc đua cõng thuế phí mà ngay cả ATM cũng đang buộc người dân nghèo phải chơi sang.

Cụ thể, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, người dùng Việt Nam hiện sở hữu hơn 63 thẻ ghi nợ nội địa, cao gấp 17 lần so với con số 3,6 triệu hồi cuối năm 2006. Khi có số lượng khách hàng nhiều hơn cũng là lúc các nhà băng mạnh tay tính phí hơn trước.

Hiện nay, mỗi cá nhân thông thường sở hữu ít nhất một thẻ ghi nợ nội địa ATM, không ít người cũng đã tiếp cận và thường xuyên dùng thẻ tín dụng (Visa, Master Card hay JCB, American Express...).

Theo thống kê, ước tính mỗi khách hàng sẽ phải chịu khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Ngoại trừ phí mở tài khoản, thẻ vẫn được các nhà băng duy trì hình thức miễn, hầu hết các dịch vụ khác đã được tính phí..

Trước hàng loạt loại phí như vậy, ông Bùi Quốc Lợi, Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật Minh Giao, nhìn nhận các doanh nghiệp giao dịch thường xuyên với hàng tỉ đồng thì họ rất quan tâm đến việc tăng phí. “Riêng tại ACB, vì sử dụng dịch vụ nào tính phí dịch vụ đó nên khi chuyển khoản từ NH này sang MB phí bị tính cao hơn. Do vậy, nếu cộng lại một năm thì số tiền sử dụng dịch vụ không phải là nhỏ” - ông Lợi nói.

Anh T., một khách hàng tại Hà Nội, cho rằng khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ATM thì việc phải trả phí là bình thường. “Vấn đề là mức phí mà khách hàng phải trả là quá nhiều và cao. Mặt khác, NH phải thanh toán sòng phẳng lãi suất số tiền để trong thẻ của khách hàng. Bởi đối với những người có thu nhập cao, số tiền mà họ duy trì trong tài khoản thẻ không nhỏ. Như vậy NH tự nhiên có được khoản lãi lớn”.

Người tiêu dùng bức xúc về chuyện thu phí

Gặp khó khăn nên đẩy phí cho dân?

Theo Pháp luật TP.HCM, không ít khách hàng bức xúc cho rằng NH, tức bên cung ứng dịch vụ, thông thường muốn thu phí thì cứ đơn phương thông báo rồi tiến hành thu, lạm dụng quyền được thu và áp dụng những loại phí quá cao hoặc không phù hợp. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ ATM lại có vấn đề. Ví dụ như hết tiền, ngưng cung cấp do nghẽn mạng, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Thế nhưng phí ATM lại liên tục tăng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, phân tích có nhiều nguyên nhân khiến NH thu phí hoặc tăng phí ATM. Ví dụ: Những năm qua NH chủ yếu chú trọng vào dịch vụ cho vay mà không quan tâm nhiều đến phát triển bán lẻ. Lợi nhuận của NH trước đây lớn nên họ sẵn sàng miễn phí dịch vụ. Song hiện nay kinh doanh ngày càng khó khăn, nguồn thu từ tín dụng giảm sút khiến các NH tăng cường thu phí, trong đó có phí sử dụng thẻ và phí giao dịch trên ATM.

“Gắn với chiếc thẻ ATM có quá nhiều loại phí, khác hẳn với ở nước ngoài hầu như không tính phí ATM. Nhưng việc sử dụng thẻ ATM ở Mỹ khác hẳn với ở Việt Nam…” - ông Hiếu nói.
Lãnh đạo một NH tại TP.HCM lý giải đầu tư cho một cây ATM hơn 300 triệu đồng. Đầu tư hệ thống dữ liệu phần mềm, bản quyền… khoảng 450 triệu đồng.

“Nếu thời gian khấu hao là tám năm thì NH sẽ mất đi khoảng 1 tỉ đồng/máy. Như vậy với một NH có khoảng 300-500 máy sẽ ngốn vài chục tỉ đồng/năm. Số tiền này chưa tính đến các loại phí như thuê mặt bằng, đường truyền… Thế nên dù có tăng phí đi chăng nữa cũng không bù đắp được chi phí mà NH đã bỏ ra” - vị này nói.

Giải pháp nào cho phí ATM?

Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nói việc NH tăng các loại phí đối với thẻ ATM gây bất lợi cho người dùng thẻ ATM. Tuy việc này phần lớn dựa trên cơ sở giá cả thị trường nhưng khi các NH đều tăng phí ATM thì khách hàng vẫn phải chấp nhận vì ít có lựa chọn khác.

“Về việc các NH thu nhiều loại phí đối với ATM có hợp lý hay không thì còn phải xem xét trên nhiều góc độ. Có điều thấy rõ là việc tăng phí này sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của người dùng thẻ và gây ra bất lợi đối với NH” - luật sư Đức bình luận.

Chẳng hạn khách hàng hủy bỏ thẻ, chuyển qua NH khác hoặc quay trở lại giao dịch tiền mặt, dẫn đến NH mất khách, mất nguồn thu, đồng thời mục tiêu hạn chế sử dụng tiền mặt sẽ bị ảnh hưởng.

Một trong các giải pháp để giảm phí, tức giảm giá dịch vụ ATM, theo luật sư Đức là Nhà nước phải tạo ra một môi trường cạnh tranh an toàn, lành mạnh và hiệu quả, qua đó buộc các NH phải giảm giá, trong đó có các khoản phí ATM. “Khi đó khách hàng sử dụng ATM sẽ có nhiều lựa chọn vì các NH phải có những dịch vụ tốt nhất, có lợi nhất và rẻ nhất để phục vụ khách hàng”.

Một chuyên gia đề nghị không nêu tên cho rằng muốn thu phí ATM thì phải xác định rõ ATM là dịch vụ hay là công cụ thực hiện chính sách của Nhà nước. Theo đó, nếu coi ATM như một dịch vụ kinh doanh của NH, dịch vụ này phải hoạt động theo quy luật cung-cầu của thị trường. Thực tế, ATM hiện chưa phải là dịch vụ thị trường đúng nghĩa và có nhiều biến tướng nên người dùng bức xúc.

Nếu coi ATM là công cụ chính sách của Nhà nước nhằm hạn chế việc dùng tiền mặt, tạo thuận lợi trong quản lý, minh bạch dòng tiền thì các NH không được thu phí ATM. “Tuy nhiên, sự nhập nhằng trong sử dụng và quản lý ATM của các NH đã tạo ra những bất hợp lý. Do vậy, người dân phần nào đó còn chưa đồng tình với các khoản phí ATM cũng là điều dễ hiểu” - chuyên gia này cho hay./.