20/01/2025 | 00:46 GMT+7, Hà Nội

Hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người

Cập nhật lúc: 02/08/2019, 14:01

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Luật phòng, chống mua bán người.

ho tro nan nhan cua toi pham mua ban nguoi
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, NSNN chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại theo Điều 19 Nghị định số 09/2013/NĐ-CP. Về tiền ăn, dự thảo nêu rõ: Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo mức hỗ trợ đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Thời gian hỗ trợ không quá 03 tháng.

Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết: Nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở được cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt thường ngày và các chi phí khác theo Khoản 4 Điều 26 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Chi tiền tàu xe và tiền ăn cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả; chi tiền ăn trong những ngày đi đường: 70.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 5 ngày.

Bên cạnh đó, chi hỗ trợ học văn hóa, học nghề: Trường hợp nạn nhân học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Chi hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú mức tối thiểu là 1.000.000 đồng/người.

Trong thời gian chờ xác minh và làm các thủ tục giấy tờ cần thiết để về nước, trong trường hợp nạn nhân không có khả năng chi trả được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại theo quy định tại Điều 33 Luật phòng, chống mua bán người. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể như sau:

Tiền ăn, chỗ ở tạm thời cho nạn nhân: Áp dụng mức sinh hoạt phí cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 08/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết, trợ giúp phương tiện đi lại tại nước sở tại và các chi phí cần thiết khác liên quan đến cấp giấy tờ, làm thủ tục về nước như: Lệ phí lưu trú quá hạn, lệ phí sân bay, lệ phí cấp giấy tờ về nước, chi phí bảo đảm an ninh, chi phí dịch thuật. Mức chi do Thủ trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quyết định và theo chứng từ chi tiêu thực tế trên tinh thần tiết kiệm nhất.

Chi phí mua vé máy bay, tàu, xe đối với nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả (do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mua và cấp cho nạn nhân) theo giá vé phương tiện công cộng thông thường để đưa nạn nhân về đến cửa khẩu, biên giới đường không, đường bộ, đường thủy.

Trong thời gian chờ thu xếp về nước, nếu nạn nhân bị ốm phải điều trị tại các bệnh viện sở tại thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập hợp các khoản chi phí kèm theo chứng từ cần thiết theo quy định để xem xét hỗ trợ chi trả cho từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nạn nhân chết thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng/hỏa táng hoặc chi phí vận chuyển thi hài/di hài nạn nhân về nước theo cước phí vận chuyển thực tế với mức chi phí tiết kiệm nhất.

 

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/ho-tro-nan-nhan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-157444.html