22/11/2024 | 11:48 GMT+7, Hà Nội

Hình thành những thói quen tích cực

Cập nhật lúc: 17/05/2020, 15:52

“Cơn bão” Covid-19 quét qua đã làm cuộc sống của nhiều người bị xáo trộn, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, nó “để lại” những thói quen tích cực: Không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài...

“Cơn bão” Covid-19 quét qua đã làm cuộc sống của nhiều người bị xáo trộn, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, nó “để lại” những thói quen tích cực: Không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh sạch sẽ khu vực mình sống, ứng dụng công nghệ vào công việc thường ngày... Đó như một cú hích để mỗi người trân trọng hơn thói quen ứng xử văn minh, sống có trách nhiệm hơn với môi trường tự nhiên và xã hội.

Hình thành thói quen, nếp sống mới

Khi nỗi lo về dịch Covid-19 tạm lắng, nhìn lại quãng thời gian vừa trải qua, khó có thể phủ nhận những thay đổi tích cực liên quan tới thói quen sinh hoạt. Thay đổi đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là thói quen đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay với xà phòng được hình thành sau một thời gian người dân nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch.

Tiếp đó, cách ly xã hội giúp mọi người trở lại với bữa cơm gia đình hằng ngày; đặt món ăn qua các ứng dụng thay vì tới ăn tại hàng quán, những nơi tiềm ẩn rủi ro về vệ sinh. Thức ăn, đồ uống đường phố, vốn được xem là nét thú vị của người Việt, nay dịch Covid-19 cũng khiến mọi người cân nhắc. Các nhà hàng muốn thực khách an tâm khi đến với mình đều phải vệ sinh dụng cụ ăn uống, chú ý giữ vệ sinh khuôn viên nhà hàng, bố trí xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho khách rửa tay... Thói quen dùng chung bát, cốc, chén, ly hoặc gắp thức ăn cho nhau, chấm chung một bát nước mắm... giờ cũng được nhìn nhận lại, thay đổi.

Khi dịch Covid-19 ào đến, đó cũng là lúc người ta nhận ra giá trị của sự quan tâm đùm bọc giữa người với người, điều mà một xã hội hiện đại đang dần thiếu vắng. Không ai bảo ai, họ bắt đầu quan tâm, lo lắng, nhắc nhở nhau cùng chống dịch. Trên các phương tiện vận tải công cộng, hành khách cũng đeo khẩu trang, ứng xử nhẹ nhàng, văn hóa nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Các cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện đo thân nhiệt và nhắc nhở mọi người rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Sự chia sẻ, cảm thông, hỗ trợ, bảo vệ được dành cho cả những người không quen biết. Như anh Hoàng Văn Đông, lái xe của hãng taxi Thành Công, nói rằng anh đã hình thành, duy trì thói quen vệ sinh xe sau mỗi lần đón trả khách, bởi “như thế là để giữ sức khỏe cho chính bản thân và cho cả cộng đồng”.

Ứng dụng công nghệ “lên ngôi”

Bên cạnh việc thay đổi thói quen sinh hoạt và ứng xử, dịch Covid-19 là tác nhân dẫn tới sự hình thành nhiều thói quen văn minh khác. Như phương pháp làm việc từ xa trước đây chỉ phổ biến trong những lao động thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin hay người làm việc tự do thì nay đã được thực hiện trên diện rộng. Nhiều công ty nhận ra rằng hiệu suất làm việc và hiệu quả kinh doanh không phụ thuộc vào việc nhân viên có mặt ở văn phòng nhiều hay không. “Làm việc từ xa giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, từ không phải thuê văn phòng đến việc không phải chi một khoản lớn cho trang thiết bị văn phòng, điện, nước... Làm việc từ xa thì ít phải đối mặt với nạn tắc đường và khói bụi... Với rất nhiều ưu điểm, tôi tin rằng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, mô hình làm việc từ xa vẫn tiếp tục được nhiều nơi áp dụng”, chị Nguyễn Tuyết Nhung, Trưởng phòng Hành chính Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco nhận định.

Nhiều thói quen tích cực đã được hình thành sau dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, mật độ mua sắm thực phẩm trực tuyến tăng cao do các biện pháp cách ly xã hội trong thời gian qua dẫn đến những thay đổi lâu dài cho ngành bán lẻ. Khi dịch Covid-19 hoành hành, người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến nhiều hơn, và khi cuộc sống trở lại bình thường, chắc chắn hình thức “đi siêu thị qua smartphone” sẽ tiếp tục là lựa chọn của nhiều người bởi tiện ích mà nó mang lại cho các gia đình trong cuộc sống bận rộn. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, cho dù thị trường ví điện tử vẫn còn mới mẻ nhưng tỷ lệ sử dụng ứng dụng thanh toán như MoMo, ZaloPay, AirPay, SenPay, Moca... đã tăng trong thời gian vừa qua. Đó có thể là “đòn bẩy” cho việc loại bỏ hình thức thanh toán bằng tiền mặt trong tương lai.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), để những thay đổi tích cực được duy trì, trở thành nếp sống, thói quen ứng xử thường trực thì còn cần nhiều yếu tố. Chúng ta đang có điều kiện thuận lợi, có sẵn “đà” hình hành thói quen tích cực từ việc phòng, chống dịch. Một số thói quen đó, nếu được đưa vào các quy tắc ứng xử, phong trào xây dựng đời sống văn hóa rồi triển khai, đánh giá hiệu quả thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ góp phần rất lớn vào công tác xây dựng nếp sống văn minh.

“Thời gian qua, mọi người tự giác ứng xử văn minh, phù hợp phần vì lo lây nhiễm bệnh, phần vì sợ bị phạt khi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Bởi vậy, các hành vi vi phạm càng cần được xử lý nghiêm; cần bổ sung chế tài xử lý nếu quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ. Đối với mô hình làm việc trực tuyến, thương mại điện tử, điều cần thiết là phải có hạ tầng công nghệ bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tăng cường giám sát và chọn lọc các phần mềm hữu ích... Có như thế thì những hành vi, thói quen, cách ứng xử văn minh vừa hình thành mới trở thành nếp, góp phần hình thành lối sống, nếp ứng xử văn minh bền vững của đại bộ phận người dân”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.

Thói quen xã hội hoặc của từng cá nhân không thể hình thành và duy trì ổn định chỉ trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, sự thay đổi thói quen theo chiều hướng tích cực như đã thấy trong thời gian ngắn vừa qua, cho dù do nguyên nhân gì đi nữa thì nếu biết phát huy và gìn giữ, chúng ta sẽ có thêm cơ hội xây dựng và hình thành lối ứng xử thanh lịch, văn minh.