22/11/2024 | 17:24 GMT+7, Hà Nội

Hình phạt nào cho kẻ phá hoại gần 200 gốc đào Tết ở Bắc Ninh?

Cập nhật lúc: 22/01/2019, 16:32

Kẻ phá hoại hàng trăm gốc đào ở phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh) có thể đối mặt với mức tù từ 10 năm đến 20 năm.

Sáng 21/1, ông Nguyễn Thế Chín – Chủ tịch UBND phường Đình Bảng cho biết, vụ chặt phá 178 cây đào ở trên địa bàn phường xảy ra vào ngày 17/1 ước tính thiệt hại khoảng trên 500 triệu đồng.

Theo ông Chín, hiện tại các cơ quan chức năng vẫn đang thống kê thiệt hại của 11 hộ dân và điều tra vụ việc. Hiện UBND phường đang phối hợp với các ban ngành, bàn biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân bị thiệt hại.

Ngoài diện tích vườn cây bị phá hoại thì người dân vẫn còn nhiều cây đào khác đang vào mùa thu hoạch, trước mắt UBND phường động viên tinh thần bà con tiếp tục thu hoạch số cây còn lại.

Theo Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, dưới góc độ pháp luật cây trồng nói chung là tài sản của người trồng. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm trái phép tài sản của công dân, hành vi chặt phá vườn đào ở Bắc Ninh là hành vi hủy hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản.

Kẻ phá hoại vườn đào có thể đối mặt với mức tù từ 10 năm đến 20 năm.

Kẻ phá hoại vườn đào có thể đối mặt với mức tù từ 10 năm đến 20 năm.

Người dân khi bị kẻ gian phá hoại có quyền trình báo với cơ quan công an để xem xét giải quyết. Cơ quan công an sẽ vào cuộc xác minh xem các đối tượng phá hoại vườn đào.

Tại vụ việc nói trên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành định giá tài sản. Theo dư luận phản ánh tài sản bị phá hoại có giá trị lớn khoảng trên 500 triệu đồng, do đó vụ việc có dấu hiệu của tội cố ý hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Theo Điều 178 (Bộ luật Hình sự 2015) quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản bị xử phạt như sau:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; c) Tài sản là bảo vật quốc gia; d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Để che giấu tội phạm khác; e) Vì lý do công vụ của người bị hại; g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hoàng Duyên