18/01/2025 | 13:56 GMT+7, Hà Nội

Hình phạt học sinh bằng những cái tát: "Quá lạc hậu, cần phải loại bỏ"

Cập nhật lúc: 07/11/2018, 15:04

Hành vi giáo viên cho học sinh tát vào mặt nhau, hay tự tát vào mặt mình là hình thức phạt phản cảm, không có trong quy định kỷ luật của ngành giáo dục.

  Thời gian qua, nhiều giáo viên áp dụng hình thức phạt bằng tát gây bức xúc dư luận. Ảnh: TL

Thời gian qua, nhiều giáo viên áp dụng hình thức phạt bằng tát gây bức xúc dư luận. Ảnh: TL

Phòng GD&ĐT quận Tân Bình (TP. HCM) cho biết, trường Tiểu học Trần Văn Ơn vừa đình chỉ cô giáo chủ nhiệm lớp 5 trong 15 ngày để xem xét xử lý về hành vi phản sư phạm. Trước đó, phụ huynh phản ánh, trong một lần lớp ồn ào do nói chuyện, nhiều em bị cô giáo bắt tự tát lên mặt mình.

Trước đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã có báo cáo gửi Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở TT&TT Hà Nội về sự việc xảy ra ở Trường THCS Thọ Xuân, huyện Đan Phượng. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT yêu cầu nhà trường thành lập tổ công tác làm rõ nội dung thông tin báo chí phản ánh.

Kết quả xác minh cho thấy, cô giáo chủ nhiệm lớp 6D của trường THCS Thọ Xuân đã dùng hình thức xử phạt học sinh bằng cách cho hai em tự tát vào má nhau. Trước đó, phụ huynh trường THCS Thọ Xuân làm đơn phản ánh cô giáo bắt 2 học sinh lớp 6 tát nhau vì nói chuyện riêng vào chiều 19/9.

Hình thức phạt học sinh theo các cách nói trên gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng nhưng thời gian qua vẫn tiếp diễn một số vụ việc tương tự. Nhận xét về hành vi này, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, đây là hình thức phản cảm, trong giáo dục không có hình phạt bắt học trò tát vào mặt nhau hoặc tự tát vào mặt mình.

Cũng theo TS. Lâm, trên thực tế, áp dụng hình thức kỷ luật học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, phạt thế nào để có sức răn đe mà không vi phạm quy định đạo đức nhà giáo đó mới thực sự là điều giáo viên hết sức lưu tâm. Giáo viên không nên vì bực tức mà nghĩ ra các hình thức phản giáo dục, mang tính trút giận lên học trò.

Trước hết, giáo viên phải nắm bắt được tâm lý, đặc điểm của từng học sinh, từ đó có phương pháp dạy, quản lý phù hợp. Kỷ luật trong giáo dục là biện pháp bất đắc dĩ, nên khi xử lý cần nghiêm khắc nhưng cũng hết sức linh hoạt, mềm dẻo, tránh gây tổn thương cho học sinh. Kỷ luật theo phương pháp thô bạo lên thân thể đã quá lạc hậu, cần phải loại bỏ” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm.

Một số phụ huynh có con học phổ thông cho biết, việc giáo viên áp dụng hình thức phạt bằng cách tát học sinh, cho học sinh tát nhau hoặc tự tát vào mặt mình là khó có thể chấp nhận được, vì đây là hành động thô bạo, phản giáo dục.

Ngoài ra, giáo viên có thể vi phạm quy định của ngành giáo dục, xử phạt hành chính vì xúc phạm thân thể của học sinh. Do đó, giáo viên cần cân nhắc các hình thức xử phạt theo đúng quy định, không làm mất tính răn đe, mà không bị ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của học sinh.

 

Quang Anh