19/01/2025 | 10:28 GMT+7, Hà Nội

Hệ quả pháp lý kháng nghị vụ Vinasun kiện Grab

Cập nhật lúc: 13/02/2019, 22:40

Phân tích của VKS đưa ra việc Vinasun yêu cầu Grab bồi thường là trái pháp luật, vì phải có vi phạm pháp luật thì mới bồi thường.

Bản kháng nghị cho thấy VKSND Cấp cao tại TP HCM đã xem xét rất kỹ ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Sau kháng nghị này, chắc chắn sẽ có tác động đến phiên toà phúc thẩm.

Kháng nghị khi bản án vi phạm pháp luật

Liên quan đến vụ Vinasun kiện Grab và đòi bồi thường 41 tỷ đồng, VKSND Cấp cao tại TP HCM vừa có bản kháng nghị bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện Grab của Vinasun.

VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định rằng, Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, không có lỗi của Grab. VKS cũng đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Tháng 6/2018, Vinasun kiện Grab vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường. Theo nội dung khởi kiện, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, là lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Vinasun cho rằng, hoạt động của Grab đã khiến mình bị thiệt hại nên yêu cầu bồi thường 42 tỷ đồng.

Phiên tòa vụ Vinasun kiện Grab gây nhiều tranh cãi suốt thời gian dài

Phiên tòa vụ Vinasun kiện Grab gây nhiều tranh cãi suốt thời gian dài

Sau nhiều lần mở phiên tòa nhưng tạm ngưng, cuối năm 2018, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng (chi phí do xe của Vinasun nằm bãi). Không chấp nhận bản án này, Grab kháng cáo toàn bộ. Vinasun cũng kháng cáo yêu cầu tòa cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

VKSND Cấp cao là một thiết chế kiểm sát mới, được thành lập theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao. Kháng nghị của VKS là một trong những hoạt động chủ yếu của VKSND trong thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp được pháp luật quy định.

Kháng nghị là việc VKS khi thực hành quyền kiểm sát hoạt động tư pháp không đồng ý với toàn bộ hoặc một phần của bản án, quyết định của tòa án thì gửi văn bản đến tòa án có thẩm quyền làm ngừng hiệu lực thi hành đối với toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định đó để xét xử theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm đảm bảo vụ án được xét xử chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Bản án, quyết định của tòa án không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của những người tham gia tố tụng mà còn là thước đo chuẩn mực công bằng của xã hội. Do đó, bản án, quyết định của tòa án được tuyên ra phải đảm bảo chính xác, đúng pháp luật. Nhưng trên thực tế không phải trong mọi trường hợp tòa án, đặc biệt là tòa án cấp sơ thẩm đều đáp ứng được yêu cầu này.

Do đó, một khi phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì VKS phải thực hiện quyền kháng nghị.

Luật Tổ chức VKSND quy định, khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; Và kháng nghị bản án, quyết định của tòa án có vi phạm pháp luật; kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền khác trong hoạt động tư pháp.

Luật cũng quy định rất rõ khi nào VKSND phải kháng nghị, đó là khi có hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tòa sơ thẩm không xem xét khách quan, toàn diện

Bản kháng nghị này cho thấy, VKSND Cấp cao tại TP HCM đã xem xét rất kỹ ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau.

VKS đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, qua thẩm tra và tranh luận tại toà chưa chứng minh được hành vi vi phạm của Grab. Trong vụ án này, thiệt hại doanh thu và lợi nhuận do nhiều yếu tố nhưng bên giám định lại không thực hiện toàn diện, cho rằng doanh thu của Vinasun sụt giảm vì Grab xuất hiện, như vậy rất vô lý. Toà sơ thẩm đã không xem xét một cách khách quan, toàn diện trên cơ sở chính sách của Nhà nước ban hành.

Về nguyên tắc, bồi thường phải do anh vi phạm pháp luật và gây thiệt hại nhưng ở đây Grab không vi phạm nên không thể yêu cầu bồi thường.

Sau kháng nghị của VKSND Cấp cao chắc chắn sẽ có tác động đến phiên toà phúc thẩm. VKS đã đưa ra những chứng cứ cho rằng những quyết định của toà sơ thẩm đã vi phạm pháp luật. Với chức năng là cơ quan kiểm sát các hoạt động tư pháp, họ có quyền thực hiện việc bảo vệ pháp luật, đưa ra nhận định hợp lý để toà cấp cao xem xét lại.

Bản kháng nghị này là cơ sở quan trọng để phiên toà phúc thẩm xem xét lại vụ án.

Nếu toà phúc thẩm tới đây vẫn giữ nguyên quan điểm như toà sơ thẩm đã tuyên thì VKSND cấp cao có quyền kiến nghị tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại bản án đó theo trình tự tái thẩm.

Nói về tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của Grab, VKS đã đưa ra nhận định trên cơ cở diễn biến phiên toà và hồ sơ vụ án, căn cứ vào Đề án 24 của Bộ GTVT và kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ đã được Thủ tướng đồng ý thì hoạt động kinh doanh của Grab không vi phạm pháp luật.

Bản án sơ thẩm của TAND TP HCM nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86 của Chính phủ là không có cơ sở, cho nên yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại 41 tỷ đồng do Grab gây ra là không hợp lý. VKS cũng cho rằng, Công ty Giám định Cửu Long đưa ra giám định thiệt hại là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn về mặt pháp lý. Cụ thể ở đây là năng lực quản trị của doanh nghiệp Vinasun và chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình của thị trường với sự cạnh tranh của nhiều loại hình đã làm thay đổi nhu cầu của khách hàng nhưng chưa được đề cập trong kết luận giám định.

Theo VKSND Cấp cao tại TP HCM, Grab không có hành vi vi phạm pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun, đây không phải là lỗi của Grab.

Phân tích của VKS đưa ra việc Vinasun yêu cầu Grab bồi thường là trái pháp luật, vì phải có vi phạm pháp luật thì mới bồi thường. Ở đây Grab không vi phạm, mà thiệt hại này do “ai không thích nghi được thì tất yếu bị đào thải”.