19/01/2025 | 15:16 GMT+7, Hà Nội

Hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý các quầy bánh Trung thu di động

Cập nhật lúc: 10/09/2020, 13:30

Trong khi Hà Nội đang ra quân lập lại trật tự đô thị trên các tuyến phố thì việc hàng loạt ki ốt "dã chiến" bán bánh Trung thu được dựng lên trên vỉa hè, kéo theo nhiều hệ lụy, đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý các quầy bánh Trung thu

Theo ghi nhận thực tế của PV, đến thời điểm hiện tại, trên nhiều tuyến phố nằm trong nội đô Hà Nội, không khó để bắt gặp hàng trăm các ki ốt "dã chiến" được dựng khung sắt trên vỉa hè, mang các thương hiệu bánh Trung thu (Long Đình, Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison, Madame Hương, Thu Hương Bakery...).

Đơn cử, tại trung tâm thương mại (TTTM) Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từ chỉ có một thương hiệu lấn chiếm không gian lòng đường trước sảnh thương mại, đến nay, các ki ốt bán bánh Trung thu thuộc các thương hiệu khác cũng đã "có mặt", dựng san sát nhau, kéo dài cả chục mét. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các TTTM lớn khác như Royal City, Vincom, Metro, Coop.mart...

Từ một quầy bánh, đến thời điểm hiện tại, có gần chục thương hiệu khác cũng "đua nhau cắm rễ" tại các điểm trung tâm thương mại để kinh doanh.

"Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng một tháng trước Tết Trung thu là hàng loạt các ki ốt trên vỉa hè lại mọc lên như nấm sau mưa gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cả người đi bộ và các phương tiện giao thông khác" - là ý kiến chia sẻ của chị Đ.T.T.P (Đống Đa, Hà Nội).

Theo Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.

Không chỉ "lách luật" dựng ở trước sảnh các trung tâm buôn bán hàng hóa sầm uất mà các tòa nhà chung cư, khu đô thị, vỉa hè các tuyến phố lớn cũng tràn lan các quầy bánh Trung thu, "đẩy" việc lấn chiếm sang các khách hàng khi đến mua bánh, kéo theo hệ lụy gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Vào giờ cao điểm, qua đoạn nào có gian hàng bán bánh Trung thu là tắc đoạn đó, rất lộn xộn. Khách hàng đi xe thì dừng đỗ trên vỉa hè, dưới lòng đường để mua bán, không còn một chút không gian nào cho người đi bộ. Kể cả nếu có giấy phép thì cũng chỉ được sử dụng một phần nào đó chứ không phải ngang nhiên lấn chiếm toàn bộ như vậy được" - một người dân sinh sống tại phường Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết. 

Các quầy bánh Trung thu xuất hiện nhan nhản trên vỉa hè các tuyến phố Thủ đô.

Các tiểu thương, chủ các thương hiệu bánh còn "lách luật" bằng cách trực tiếp thuê phần sân, vỉa hè của các tòa nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại trên các mặt phố để bày bán bánh để vừa không phải xin phép cơ quan chức năng, vừa không phải nộp bất cứ khoản thuế, phí nào ngoài tiền thuê mặt bằng ngắn hạn. Đáng nói là, như các năm trước khi qua đêm Trung thu, thì tại khu vực các quầy bánh Trung thu luôn ngập tràn rác sau khi những quầy này thu dọn, tháo dỡ các khung sắt ki ốt, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh nhưng các đơn vị này cũng không phải chịu trách nhiệm xử lý.

Các tiểu thương "lách luật" bằng việc thuê lại mặt bằng ngắn hạn của các khu chung cư để không phải xin cấp phép của cơ quan chức năng hay chịu bất cứ khoản thu, phí hay trách nhiệm nào?

"Kể cả có thuê mặt bằng nhưng cũng vẫn phải đảm bảo không gian cho người đi bộ chứ không phải thuê là chiếm hết toàn bộ. Vỉa hè là của chung, cho thuê mặt bằng như vậy thì có đúng luật hay không, tiền sẽ về đâu?" - là những thắc mắc của một số người dân đang sinh sống tại khu vực Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong khi trước đó, Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã đưa ra những thông điệp cứng rắn, mạnh mẽ để "bắt bệnh", dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, trong đó có việc bày bán bánh Trung thu tại các quầy bánh di động. Thế nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, dường như nhiều lãnh đạo quận, phường “đã quên” chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, dần buông lỏng, lơ là khiến nhiều đoạn vỉa bị tái lấn chiếm vào mục đích tư lợi.

Trách nhiệm chẳng thuộc về ai?

Trước thực trạng này, PV đã có trao đổi nhanh với Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, được biết, theo Quyết định 41/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, TP đã phân cấp lại và giao trách nhiệm cấp phép, kiểm tra xử lý các cửa hàng bánh Trung thu cho các quận/huyện địa phương. Cụ thể, đại diện Sở GTVT cho biết, theo phân cấp của TP, Sở chỉ quản lý 88 tuyến phố, các tuyến còn lại thuộc quyền quản lý của chính quyền quận, huyện sở tại. Thông thường, mỗi công ty được cấp phép khoảng 6 đến 8 địa điểm. Các tuyến phố được cấp phép đều có vỉa hè rộng, bảo đảm an toàn cho người đi bộ. 

Ngoài các tuyến phố do Sở GTVT Hà Nội quản lý, thì việc UBND các quận, phường cấp phép cho bày bán bánh trên vỉa hè thuộc quyền quản lý của mình, Sở không thể cấm hay xử lý, mà chỉ có thể tổng hợp, đánh giá rồi báo cáo lãnh đạo TP để có ý kiến chỉ đạo. Về phía Sở, đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm, triệt tiêu các trường hợp bày bán bánh Trung thu tràn lan làm ảnh hưởng đến vỉa hè, lề đường.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đã ra văn bản số 2354/SGTVT-GTĐT yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp với địa phương, kiểm tra, xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè buôn bán, trong đó có bánh Trung thu.

Tuy nhiên, khi PV liên hệ với lãnh đạo một số quận, phường trên địa bàn thì được biết: "Quận/ phường chỉ cấp phép cho các địa điểm trên vỉa hè còn nếu các ki ốt nằm trên phần đất của hộ gia đình hoặc khu chung cư thì chỉ cần được chủ đất hoặc Ban quản lý chung cư đồng thuận là được”, còn chính quyền địa phương chỉ có trách nhiệm kiểm tra đăng ký kinh doanh và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của các quầy bánh đó. Nếu vậy thì từ Sở Ban ngành đến các cấp chính quyền địa phương, không ai phải chịu trách nhiệm cho việc xuất hiện tràn lan các quầy bánh Trung thu lấn chiếm vỉa hè, lòng đường?

Đến bao giờ mới "dẹp" được việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè khi không ai đứng ra nhận trách nhiệm?

Mặt khác, về khó khăn vướng mắc, được biết ngay các quận, phường cũng có sự bất đồng về vấn đề này, bởi có rất nhiều quận sát kề nhau như quận Thanh Xuân và quận Nam Từ Liêm. "Quận này không cấp phép nhưng quận kia cấp phép thì sẽ rất khó trong việc phối hợp xử lý vấn nạn này", một lãnh đạo quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Về giải pháp, hướng xử lý, người đứng đầu chính quyền địa phương cần phát huy rõ hơn nữa về vai trò, trách nhiệm đối với các sai phạm cụ thể trên địa bàn, xử lý nghiêm, quyết liệt, triể để các đơn vị, cá nhân có hành vi phạm và tái vi phạm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nhằm lập lại an ninh, trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn.

Việc sử dụng lòng đường, lề đường hay vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh là hành vi bị nghiêm cấm. Theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. 

Đại diện Ban ATGT TP Hà Nội cũng từng gay gắt bày tỏ quan điểm, nếu cứ đơn giản cấp phép cho một quầy bánh Trung thu được bày bán trên vỉa hè, sẽ dễ dẫn đến việc sau đó người kinh doanh sẽ tìm cách lách luật. Việc buôn bán đơn thuần thì không ảnh hưởng lắm đến vỉa hè, người đi bộ nhưng nếu vào thời gian cao điểm, khách tới mua đông thì sẽ có sự cản trở giao thông rất lớn: “Vỉa hè là dành cho người đi bộ, không phải để kinh doanh buôn bán. Ngoài ra, chủng loại và số lượng bánh Trung thu bán tràn lan trên vỉa hè rất khó kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm".

Tình trạng có quá nhiều điểm kinh doanh bánh Trung thu trên vỉa hè đã và đang gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông có thể do việc cấp phép chưa được xem xét, khảo sát kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, sau khi các gian hàng được dựng lên, lực lượng chức năng cũng không sâu sát quản lý, nhắc nhở bảo đảm trật tự, vệ sinh môi trường và xử lý các trường hợp vi phạm, gây ra không ít bức xúc trong dư luận. 

Từ nay tới Rằm tháng Tám, các điểm bán bánh sẽ ngày càng tấp nập hơn, do đó rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, xem xét việc bố trí hợp lý các gian hàng, không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; đồng thời xử lý nghiêm các điểm bán hàng tự phát, sai phép.