22/11/2024 | 11:36 GMT+7, Hà Nội

Bao giờ vỉa hè Hà Nội mới thuộc về người đi bộ?

Cập nhật lúc: 25/07/2020, 07:20

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, gây mất trật tự mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT vẫn tồn tại nhức nhối như một câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Ngày 19/01/2019, xe ô tô mang BKS 29U-0115 khi đang di chuyển trên đường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) đã gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn khiến một người đi bộ dưới lòng đường tử vong tại chỗ.

Một nhân chứng cho biết, tại thời điểm gây tai nạn, chiếc ô tô di chuyển với tốc độ rất cao, tông nhiều xe máy và xe đạp rồi lao tới đâm trúng cụ bà đang đi bộ dưới lòng đường.

Camera an ninh của người dân tại khu vực đã ghi lại được toàn cảnh sự việc, và điều xót xa là nếu vỉa hè tại khu vực này không bị lấn chiếm thì rất có thể tai nạn đáng tiếc đã không xảy ra.

Nếu vỉa hè không bị lấn chiếm,  và người dân có thể đi bộ trên vỉa hè thì  chắc gì đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm???

Hình ảnh "ngang nhiên" lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội

Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ bắt đầu từ ngày 16/01/2017 tại TP HCM sau khi Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tán đồng kế hoạch của quận 1. Rồi từ TP HCM, chiến dịch lan tới Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước. 

Đây là một “cuộc chiến” đầy khó khăn bởi không chỉ có người dân vi phạm mà tại không ít nơi cả các cán bộ hay chính quyền địa phương đã “tiếp tay”, bao che cho các sai phạm đó.

Hình ảnh ra quân đòi lại vỉa hè tại TP HCM tháng 1/2017.

Tại Hà Nội, tháng 3/2017, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội – đơn vị thực hiện nhiệm vụ về công tác đảm bảo trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố. 

Hình ảnh ra quân đòi lại vỉa hè tại TP Hà Nội tháng 3/2017.

Thế nhưng, hiệu quả chỉ duy trì trong thời gian ngắn, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lại tiếp tục diễn ra, thậm chí có thời điểm còn tăng mạnh, kéo dài đến thời điểm hiện tại, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết...

Từ 10/3/2017 - 30/3/2017, các quận, huyện dù đã phá dỡ 2.657 bục bệ, cầu dẫn, cầu dắt xe; tháo dỡ hơn 5.000 mái che, mái vẩy; thu giữ gần 1.500 biển quảng cáo, biển hiệu vi phạm…; Lực lượng CSTT-PƯN đã kiểm tra, xử lý 2.140 trường hợp, phạt hành chính 734 triệu đồng; CSGT đã xử lý 1.786 trường hợp dừng đỗ xe sai quy định nhưng vào các khung giờ cao điểm tình trạng chiếm dụng vỉa hè vẫn tồn tại cho thấy kết quả chưa bền vững, còn nhiều điểm phức tạp trong “cuộc chiến” này.

Sau 20 ngày thực hiện “chiến dịch” giành lại vỉa hè tại TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, cả chủ quan lẫn khách quan. Việc các quận, huyện chỉ ra quân xử lý mà chưa nghiên cứu nơi để bố trí sắp xếp phương tiện cho nhân dân; một số đơn vị chưa làm tốt công tác điều tra cơ bản, còn xử lý nóng vội, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã gây ra những phản ứng ngược dẫn đến công tác tuyên truyền, xử lý chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường tái phạm khi không có lực lượng chức năng kiểm tra; nhiều cơ sở kinh doanh bị phạt hôm nay, ngày mai việc lấn chiếm lại tái phát, hoặc lúc nào xe tuần tra công an đến thì trật tự, vắng công an thì đâu lại về đấy; công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm chưa có sự thống nhất.

Phần lớn cán bộ đứng đầu ở các địa phương không ngại va chạm, quyết liệt xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít những cá nhân khoan nhượng, bao che, bảo kê cho các sai phạm “ngang nhiên” tái diễn.

Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân" cuối tháng 3/2017, có nhiều người đang kinh doanh, làm giàu trên vỉa hè, nhưng cũng có nhiều người mưu sinh nhờ vỉa hè. Có nhiều đối tượng khác nhau nên chúng ta ứng xử phải tuỳ trường hợp cụ thể và không làm máy móc.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng từng nêu quan điểm về vấn đề này: “Khi vỉa hè bị chiếm giữ, đồng nghĩa với mất luôn phần ngăn cách giữa hoạt động sinh sống, kinh doanh dọc theo các tuyến phố với hoạt động giao thông, dẫn đến mất trật tự ATGT, gây ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT do người dân không có môi trường đi bộ để tiếp cận được với dịch vụ giao thông công cộng”.

Pháp luật đã quy định rõ, vỉa hè là dành cho người đi bộ và cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường vào hoạt động phi giao thông sau khi đã dành riêng vị trí cho người đi bộ. Vỉa hè có vai trò quan trọng trong tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ giao thông công cộng cũng như những dịch vụ kinh doanh, văn phòng dọc các tuyến phố.  

Liên quan đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định 09/2018, tại 2 văn bản này đã điều chỉnh các quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên toàn địa bàn TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28/04/2020 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới quy định rõ: Cấm toàn bộ hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào. Sở giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có công bố hết dịch Covid-19 nên mọi cá nhân, tổ chức vẫn cần thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, pháp luật không cho phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chỉ được sử dụng ngoài mục đích giao thông trong một số trường hợp và phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nhưng tình trạng vẫn xảy ra nhiều, phổ biến. Chính sách pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc, từ ý thức người dân đến cơ chế quản lý còn lỏng lẻo. Việc cá nhân “lót tay” cho cán bộ xã, phường để sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè là điều có thật!

Căn cứ Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là "phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ".

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng VP Luật Kết Nối cho biết: “Cần phải có biện pháp mạnh tay hơn cho những cá nhân, tổ chức cố tình làm trái, cơ quan thiếu trách nhiệm, lỏng lẻo trong quản lý để tiến tới làm giảm và ngăn chặn vấn nạn này” bởi dường như những mức phạt này chưa đủ mạnh để răn đe các cá nhân, đơn vị sai phạm.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang xảy ra rất phổ biến tại Thủ đô Hà Nội, hình ảnh hàng chục quán trà đá, đồ ăn, nhà hàng cùng nhau "xâm lược" vỉa hè trên cùng một tuyến phố xuất hiện ở khắp mọi nơi, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông vô cùng lớn đối với người đi bộ phải lúc đi trên vỉa hè lúc bước dưới lòng đường hay các phương tiện tham gia giao thông. 

Các hộ kinh doanh, tiểu thương tận dụng triệt để vỉa hè, "đẩy" người đi bộ xuống dưới lòng đường

Bên cạnh giải pháp từ phía các cơ quan chức năng, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ chấp hành cũng là một nhiệm vụ quan trọng bởi “đây không chỉ là vấn nạn của Hà Nội, của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á, Châu Á và toàn thế giới" - TS. Nguyễn Ánh Hồng - Nhà nghiên cứu Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.

Theo TS. Ánh Hồng, chuyện lấn chiếm vỉa hè là do ý thức chấp hành luật pháp của người kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Không thể ngụy biện vì mưu sinh, do hoàn cảnh khó khăn mà những người này lại có thể "cưỡng đoạt" vỉa hè và đẩy những người đi bộ xuống lòng đường, gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

"Nguyên nhân cuối cùng là các chợ cóc hiện nay mọc lên rất nhiều, mất đi hình ảnh văn minh của đô thị. Có thể nói, mỗi một hộ kinh doanh vỉa hè họ đã đẩy lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, điều này hết sức lên án" - TS. Ánh Hồng cho biết.

Chính quyền địa phương có ra quân xử lý nhưng chưa hiệu quả, tình trạng vẫn lặp lại khi không có mặt cơ quan chức năng

"Vấn đề nhức nhối này đã xảy ra rất nhiều năm, chúng ta đang phải đặt ra câu hỏi chính quyền sở tại có đang dung túng, bao che cho hành vi này hay không? Chính quyền các cấp cần phải mẫn cán, quyết liệt trong việc xuống tận địa bàn từng hoàn cảnh hộ dân. Đồng thời, cần liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong. Chỉ có như vậy thì tình trạng này mới chấm dứt bởi ai cũng cần có việc làm để mưu sinh cả.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, cửa hàng tận dụng vỉa hè làm nơi để phương tiện hay lấn chiếm kinh doanh thì cần xử lý thật nghiêm. Đây là vấn đề rất nhức nhối, nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt thì tình trạng này sẽ kéo dài mãi" - nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, từ du khách tới người dân nếu muốn dạo bước trên những con phố cổ kính ở trung tâm Thủ đô có lẽ chỉ còn cách đi bộ xuống lòng đường. Bởi vỉa hè từ lâu đã không phải chỗ để đi, mà là nơi dừng, đỗ các loại phương tiện giao thông.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, bán hàng để làm bãi trông giữ xe tại Việt Nam từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với các du khách nước ngoài. Dường như, người dân Việt Nam cũng đã “cam chịu”, chẳng còn đoái hoài đến quyền lợi chính đáng và những bất tiện và hiểm nguy mà nó mang lại.

Những hình ảnh vi phạm "quen thuộc" trên nhiều tuyến phố Thủ đô.

Từ những tuyến phố lớn như phố Huế, Hoa Lư, Đại Cồ Việt, Bà Triệu, Hai Bà Trưng... cho đến các tuyến phố nhỏ hơn quanh phố đi bộ Hồ Gươm như Bảo Khánh, Hàng Dầu, Lương Văn Can, Hàng Hành… đều có thể bắt gặp hình ảnh người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh hàng quán, làm bãi trông giữ xe.

Để giải quyết việc đỗ xe tràn lan gây ảnh hưởng tới giao thông nội đô, phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô, các khu vực xung quanh phố đi bộ Hồ Gươm đã được cơ quan chức năng bố trí 80 điểm trông giữ xe để phục vụ phố đi bộ.

Tuy nhiên, các điểm này vẫn luôn trong tình trạng quá tải không thể đáp ứng hết được nhu cầu gửi xe của người dân, đặc biệt vào các buổi chiều tối hay những ngày cuối tuần. Do đó, tình trạng trông xe trái phép, "chặt chém" cũng đã trở thành quen thuộc với phố đi bộ.

Một điểm giữ xe xuất hiện tình trạng “chặt chém” có thể kể đến là tại tuyến phố Lương Văn Can - ngõ Hàng Hành (phường Hàng Trống) xe xếp hàng 3 - 4 dưới lòng đường chỉ nhận đến 23h thu tiền trước giá 50.000 đồng/xe. Khi khách có ý muốn để xe bên phía tòa nhà Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm sẽ được thông báo: "Để bên đấy một là mất xe, hai là công an bắt xe". 

Các bãi trông giữ xe trái phép, không còn không gian cho người đi bộ.

Ngay từ đầu phố Hàng Gai dù đã có biển “cấm để xe đạp, xe máy, đỗ ô tô trên hè phố, lòng đường” và “không được kinh doanh, buôn bán trên hè phố”. Thế nhưng, hàng chục bãi gửi xe tự phát mọc lên lấn chiếm vỉa hè lẫn lòng đường, thường xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại tuyến phố này.

Bên cạnh việc bị biến tướng thành bãi gửi xe thì lòng đường, vỉa hè tại các khu đông dân cư còn bị sử dụng để làm nơi họp chợ. Vào khoảng thời gian sáng từ 6h - 8h và chiều từ 16h - 19h, trên phố Đường Thành, không khó để thấy cảnh người bán hàng “biến” con phố này trở thành “chợ cóc” để hoạt động buôn bán ngay dưới lòng đường.

Tại ngã tư Đường Thành giao với phố Hàng Điếu, hoạt động buôn bán tấp nập hơn vào giờ tan tầm khi người dân đổ ra đường mua đồ ăn. Nhiều người tham gia giao thông dừng xe dưới lòng đường để mua bán, trả giá. Thực trạng trên khiến lòng đường bị thu hẹp, gây cản trở cho người dân và các phương tiện giao thông, gây ùn tắc nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vào những giờ cao điểm.

Cách đó không xa, phần lớn diện tích vỉa hè phố Hàng Chiếu và một phần diện tích lòng đường đã bị chiếm dụng một cách vô tội vạ, phớt lờ các quy định. Thậm chí, người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền phường Đồng Xuân nhưng không được xử lý. “Chúng tôi đã phản ánh rất nhiều lần và hàng ngày xe của công an phường cũng đi tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường này nhưng không thấy vi phạm nào bị xử lý” - một người dân bức xúc cho biết.

Các vi phạm diễn ra từ sáng đến đêm.

Phố Tăng Bạt Hổ, từ lâu đã được dân nhậu Hà thành đặt cho biệt danh “phố bia” bởi nơi đây tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu nổi tiếng. Cứ từ khoảng 18h, hàng trăm bộ bàn ghế đủ màu xanh, đỏ đã được các nhà hàng ở đây bày sẵn ra mặt vỉa hè để thu hút thực khách, nhiều nhân viên của các nhà hàng cũng sà xuống tận lòng đường để chèo kéo khách vào quán. Và đến 20h là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của “phố bia” khi các bộ bàn ghế đã được phủ kín bởi hàng trăm thực khách. Bia, đồ nhậu được bê ra liên tục, tiếng dô hò náo động cả khu phố.

Dù diện tích bên trong nhà hàng khá rộng nhưng theo nhiều thực khách, họ chỉ thích ngồi vỉa hè vì vừa rộng, vừa thoáng, và quan trọng “là cái không khí vỉa hè”. Và các nhà hàng, vì lợi nhuận cũng sẵn lòng chiều các “Thượng đế”. Không chỉ lấn chiếm vỉa hè để ăn nhậu, các nhà hàng này còn chiếm dụng luôn khu vực vỉa hè, lòng đường làm bãi đỗ xe cho khách.

Quán bia lấn chiếm vỉa hè - một vấn nạn đã quá cũ nhưng vẫn chưa bị xử lý triệt để.

Liên quan đến vấn nạn này, Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã phát biểu về thực trạng lấn chiếm vỉa hè tại hội nghị “Quán triệt, triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị” của Ban chỉ đạo 197 thành phố rằng câu chuyện giải quyết lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã bàn nhiều, ra quân bao lần nhưng đều thất bại.

Những trường hợp trên chỉ là một phần nhỏ của thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô. Ban ngày cũng như đêm, thậm chí ban đêm còn hơn ban ngày, khi mà người dân thành thị đổ ra đường để thư giãn sau một ngày làm việc vất vả.

Nói về cách làm, người đứng đầu chính quyền Thủ đô khẳng định Hà Nội sẽ không ra quân rầm rộ mà sẽ làm bền vững để người dân không tái lấn chiếm, để họ thấy có ý thức với Thủ đô, không lấn chiếm vỉa hè, không vứt rác ra đường.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam từng phát biểu: "Đối với Hà Nội bài học về khai thác, lấn chiếm các vỉa hè thì đã có nhiều đợt phải xem xét xử lý. Cụ thể như một số công trình dịch vụ thương mại, khách sạn lớn như khách sạn Metropole, khách sạn Hòa Bình… khi có khai thác sử dụng, bày bán tại các bàn ở vỉa hè đã khiến dư luận bức xúc, phản đối.

Vì vỉa hè là nơi sử dụng chung dành cho người đi bộ, sau đó các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý đã phải vào cuộc cũng cho phép nhưng phải có mức độ và bắt buộc phải xử lý vi phạm. Các chủ đầu tư luôn lợi dụng kẽ hở để khai thác sử dụng vỉa hè để trở thành không gian tiếp cận, sở hữu của mình.

Khi để xảy ra sự việc như công trình đài phun nước trên vỉa hè đường Lê Duẩn cần phải phân công chức năng giám sát xây dựng công trình, ở đây thiếu sự giám sát thường xuyên. Bài học rút ra từ tòa nhà 8B Lê Trực, cuối cùng UBND quận Ba Đình là cơ quan tổ chức giám sát, đội quản lý trật tự bị xử lý cảnh cáo. Vì vậy khi giao chính quyền địa phương để giám sát việc xây dựng, mà không làm chặt chẽ thì sẽ bị xử lý kỷ luật”.

Tin tức, hình ảnh, video về những chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ tràn ngập trên các kênh truyền thông trong thời gian dài, cho thấy chính quyền nhiều địa phương đang vô cùng quyết liệt trong việc xử lý sai phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Cao trào là việc đập một trụ sở dân phòng và phá hàng rào, dọn vọng gác của Ngân hàng Nhà nước tại TP HCM nhưng ngay sau đó phải cho tái lập trước sự phản ứng của ngân hàng.

Trước những hành động trên, không ít ý kiến cho rằng, mục đích công việc là đúng nhưng cách thực hiện lại hoàn toàn không phù hợp. Đặc biệt là không tính đến cuộc sống của hàng nghìn người buôn bán nhỏ lấy vỉa hè làm nơi kinh doanh, từ lâu đã hình thành nền “kinh tế vỉa hè” đặc trưng của các đô thị.

Nhà nghiên cứu khảo cổ học, văn hóa học - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu từng nói: “Vỉa hè, nhất là ở các đường phố khu trung tâm, không chỉ có một chức năng dành cho người đi bộ. Thực tế ở bất cứ nước nào, vỉa hè cũng được xem là một nguồn “vốn xã hội” được chính quyền quản lý sao cho có lợi về kinh tế và về văn hóa - xã hội".

Vỉa hè là không gian công cộng nhưng cũng là không gian giao tiếp đầu tiên, thường xuyên của nơi kinh doanh và khách hàng. Chính tính linh động của khoảng không gian này mà vỉa hè được sử dụng, thậm chí tận dụng để bảng hiệu, bàn ghế, xe cộ. Rồi buôn gánh bán bưng, xe hàng rong... cũng tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán.

Mặt khác, tại Việt Nam giao thông công cộng chưa phát triển nên người đi bộ thường tập trung ở các đường phố chính, một số khu vực kinh doanh thương mại hoặc ẩm thực… Hầu hết đường ngoài khu vực trung tâm đó thì mật độ người đi bộ không cao.

Các công trình xây dựng cũng ngang nhiên sử dụng vỉa hè làm nơi chứa phế thải, nguyên vật liệu.

Do vậy, vỉa hè - nhất là ở các đường phố khu trung tâm - không chỉ có một chức năng dành cho người đi bộ. Thực tế ở bất cứ nước nào, vỉa hè cũng được xem là một nguồn “vốn xã hội” được chính quyền quản lý sao cho có lợi về kinh tế và về văn hóa - xã hội. Quản lý tốt thì lợi ích kinh tế và lợi ích văn hóa - xã hội không mâu thuẫn mà còn là điều kiện cho nhau phát triển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phải mang tính bài bản, có hệ thống hơn nữa. Về vĩ mô, cần tổ chức, tuân thủ nghiêm các quy hoạch về xây dựng, giao thông, hoàn thiện hạ tầng đô thị nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thống nhất của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền cũng như kiên quyết, kiên trì xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng chia sẻ: “Về chuyện lấy lại vỉa hè, một số người có thể bị ảnh hưởng trước mắt, nhưng cá nhân mỗi người sẽ tự nhận thấy rằng, khi tham gia giao thông, bản thân đi lại thuận tiện hơn, họ sẽ tự hiểu ra và điều chỉnh hành vi của mình. Điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của nhân dân trước một chủ trương để nhận được sự đồng tình, ủng hộ và mọi việc đều phải hướng đến cuộc sống tốt nhất cho người dân”.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Chủ trương “đường thông, hè thoáng” đã có từ cách đây nhiều năm. Điều đáng nói là cách thực hiện sao cho hiệu quả, người đi bộ có được vỉa hè, đô thị được văn minh thì chưa được. Việc thực hiện “trả lại” vỉa hè cho người đi bộ cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi. Nhất là quy đầu mối và trách nhiệm quản lý vỉa hè cần được xác định rõ. Với các trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm”.

Trong quy hoạch hiện nay, tại các đô thị lớn đã bắt đầu có thêm các bãi đỗ xe công cộng. Tại Hà Nội, các bãi đỗ xe nổi đã xuất hiện nhưng mới chỉ là những bãi đỗ xe tập trung lớn, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong đời sống hằng ngày của người dân nên tình trạng để xe trên vỉa hè lòng đường vẫn tràn lan mà chưa có sự kiểm soát.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, các địa phương phải thực hiện việc chống lấn chiếm vỉa hè một cách thường xuyên hơn chứ không phải mang tính chất sự kiện. Mặt khác, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, công tác ra quân kiểm tra, giám sát và xử phạt phải được nghiêm minh. Về việc sử dụng vỉa hè của các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh có nhà tiếp giáp với vỉa hè là trách nhiệm của người dân và của cả cơ quan quản lý. Có những vấn đề kinh doanh cần có chỗ đỗ xe nhưng mà lại không xem xét điều kiện đỗ xe như quán karaoke, cửa hàng ăn… Do vậy, khi xem xét điều kiện kinh doanh cần phải tính toán cả những yếu tố trên.

Trước những tồn tại nêu trên, ngay sau thời gian ngắn thực hiện chiến dịch ra quân đòi lại vỉa hè, Ban Chỉ đạo 197 thành phố kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, bố trí các điểm trông giữ phương tiện hợp lý để vừa đảm bảo trật tự công cộng vừa có chỗ đỗ xe cho nhân dân. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các điểm vi phạm chây ì, phức tạp, tái phạm nhiều lần. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 197 thành phố cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tổ chức khu vực riêng cho bán hàng rong hoặc nghiên cứu định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ kinh doanh tại vỉa hè. Tuy nhiên, hiệu quả mới chỉ mang tính thời điểm.

“Cần khẳng định vỉa hè không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, mà là sở hữu toàn dân. Chúng ta đang nhầm lẫn việc lo cho một bộ phận người nghèo trong đô thị mà vô tình bảo vệ cho hành vi sai trái của các tổ chức, cá nhân không phải là người nghèo đang trục lợi từ tài nguyên công dành cho cộng đồng. Những cá nhân, tổ chức có nhà liền kề với vỉa hè đang coi quyền sử dụng vỉa hè trước nhà, cơ quan đương nhiên là của họ. Đây là cách hiểu không đúng, họ được sử dụng vỉa hè trước tiên là để tiếp cận vào nhà, cơ quan họ, chứ không phải là có quyền sử dụng vào mục đích khác.

Phải lấy lợi ích này làm trọng và phải bảo vệ đầu tiên. Đối với người nghèo mưu sinh vỉa hè cần bố trí phù hợp, thậm chí chuyển đổi nghề nghiệp cho họ. Đối với chủ cửa hàng cần tuyên truyền cho họ hiểu đâu là giới hạn quyền sử dụng của họ” - là ý kiến của Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia.

Như vậy, để lập lại kỷ cương, lấy lại vỉa hè cần phải rà soát lại, có phương án tổ chức rõ ràng, mạch lạc giống như tổ chức giao thông, phần nào dành cho người đi bộ phải có chỉ giới rõ ràng, phần nào có thể trông giữ xe và các hoạt động phi giao thông, có chỉ giới, diện tích rõ ràng. Đồng thời, phải giao rõ trách nhiệm quản lý, có người đầu mối chịu trách nhiệm, về mặt quản lý Nhà nước, cần giao cho cấp quận huyện, về an ninh trật tự giao cho công an, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm thì chắc chắn trật tự vỉa hè sẽ được duy trì bền vững.