22/11/2024 | 15:43 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Tránh lặp lại những sai phạm trong việc lát đá vỉa hè

Cập nhật lúc: 05/06/2020, 14:00

Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng các loại đá thi công lát vỉa hè bảo đảm đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Tránh lặp lại những sai phạm trong công tác lát đá vỉa hè tại Hà Nội

Theo đó, sau hơn 1 năm tạm dừng việc lát đá vỉa hè với độ bền 50 - 70 năm vì những sai phạm trong quá trình thực hiện, tháng 3/2019, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký ban hành "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn".

Đây là cơ sở để các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉnh trang, cải tạo vỉa hè gần 300 tuyến đường với 3 loại vật liệu chính gồm: Đá tự nhiên; gạch tezarro hoặc gạch bê tông vân đá; gạch block.

Để tránh lặp lại những vi phạm, Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng các loại đá thi công lát vỉa hè.

Các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng các loại đá thi công lát vỉa hè, phải bảo đảm đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội. Đôn đốc tập trung thi công đến đâu dọn vệ sinh đến đó, tránh để vật liệu xây dựng bừa bãi, ngổn ngang trên vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.

Trong các nhiệm vụ cuối năm 2020, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ các đơn vị thi công đường ống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, phấn đấu năm 2020 Thành phố sẽ đạt chỉ tiêu cao nhất về cấp nước sạch cho vùng nông thôn.

Quá trình thi công yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng các giấy phép được duyệt. Cùng với đó, phải tạo mọi điều kiện cho các công ty thực hiện hạ ngầm cáp điện và cáp viễn thông trên địa bàn Thành phố.

Suốt một thời gian dài dư luận không khỏi bức xúc trước việc vỉa hè lát đá sau một thời gian đi vào sử dụng, những viên đá tự nhiên được "quảng cáo" là bền vững 70 năm đã có dấu hiệu xuống cấp, vỡ, nứt, hư hỏng...

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc vỉa hè đá tự nhiên trên một số tuyến phố Hà Nội vừa lát được vài tháng đã nứt vỡ, chỗ lồi chỗ lõm có thể xuất phát từ việc đầm nền không tốt, khâu giám sát thi công lại kém. Để xảy ra tình trạng này là lỗi của Chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế.

Nếu đá lát có độ dày chỉ tầm 3 - 5 phân kiểu gì cũng dễ vỡ vì đá đã có vết rạn sẵn. Có thể lúc mài bóng mắt thường không nhìn thấy nhưng trong quá trình sử dụng, chỉ cần cốt nền yếu là đá rạn vỡ ngay. Trong khi đó, khi thi công các tuyến phố, nhiều chỗ phải đào đất lên rồi mới lát.

Vỉa hè nhiều tuyến đường, phố tại Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng để lộ cả cáp điện phía dưới dù mới được lát đá không lâu

Tuy nhiên, nguyên tắc là nơi nào đào đất thì phải đầm nền, sau đó đổ bê tông dày 4 - 5 phân, cán xi cát vàng rồi lát đá hay gạch lên. Nếu chỉ lu những chỗ đào bới, không đầm nền tốt thì đất vẫn có độ lún, đá sẽ vỡ ngay. Nếu thi công đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì tuổi thọ vỉa hè đá tự nhiên hay gạch được cả trăm năm; nhưng làm ẩu, ăn bớt thì vài tháng đã nát hết dù đá hay gạch tốt đến đâu.

Hiện nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn Thủ đô đang tiến hành cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam. Để tránh lặp lại những sai phạm trong quá trình thực hiện lát đá vỉa hè, các đơn vị cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý nghiêm những vi phạm.

Ngày 13/2/2018, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã có thông báo số 675/TBKL-TTTP về kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận Hà Nội. Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm trong việc lát đá vỉa hè như có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè; tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày ≥ 3 cm, có thể dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng hè lát đá.  

Quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thành phố như không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực. 

Đặc biệt, theo kết luận thanh tra tại quận Hà Đông, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013- 2015, là không thực hiện đúng chỉ đạo của Thành phố về xây dựng kế hoạch đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Một số quận chấp thuận đầu tư dự án lát đá hè ở những tuyến phố không phải phố cổ hoặc trung tâm quận, hè phố chưa ổn định, như: tại quận Long Biên 02 dự án: Xây dựng tuyến đường 25m từ đê sông Đuống đến tuyến đường quy hoạch mặt cắt ngang 40m (tiếp giáp với Trường Alexndre Yersin) tại phường Ngọc Thụy và Xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì, phường Thạch Bàn, Cự Khối; tại quận Hà Đông cho lát đá đường nội bộ tại 04 khu Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất thuộc phường Kiến Hưng, Phú Lương trong khi các hộ dân trúng đấu giá đất chưa tiến hành xây dựng nhà (sau này các hộ dân xây dựng nhà có thể ảnh hưởng đến kết cấu của hè),...