19/01/2025 | 01:54 GMT+7, Hà Nội

Hãy trả lại cho các em người thầy yêu thương

Cập nhật lúc: 06/04/2018, 05:56

Những vụ giáo viên bạo hành học sinh không tiếc tay như con sâu làm rầu nồi canh khiến môi trường giáo dục trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

Trước hết, cần nói rõ rằng gia đình tôi có 2 người làm giáo viên, bản thân cũng từng định theo nghề sư phạm và chịu ơn rất sâu sắc của cô chủ nhiệm thời phổ thông nên tôi không những không thù ghét mà còn tuyệt đối tin tưởng và tôn trọng nghề giáo.

Tuy nhiên, tôi không khỏi băn khoăn trước thực trạng các thày cô giáo liên tục bạo hành học sinh bằng nhiều hình thức, khi bị phát hiện lại thường có những lý lẽ rất khó chấp nhận, các cấp lãnh đạo cũng tìm đủ mọi lý do bao che, giảm tội khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Vụ việc học sinh lớp 3 bị băt uống nước vắt từ giẻ lau bảng khiến dấy lên làn sóng lo ngại về tình trạng giáo viên bạo hành học sinh.

Vụ việc học sinh lớp 3 bị băt uống nước vắt từ giẻ lau bảng khiến dấy lên làn sóng lo ngại về tình trạng giáo viên bạo hành học sinh.

 Khi cô giáo không còn là mẹ hiền

Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng trở lại đây, báo chí liên tục đưa tin về nhiều vụ thầy cô bạo hành học sinh ở khắp cả nước, cả bạo hành thể chất và tinh thần khiến tình cảm thày trò, sự trong sáng của môi trường sư phạm và tôn trọng đối với các thầy cô mai một đi ít nhiều.

Trong đó, nổi bật nhất là vụ cô giáo chủ nhiệm lớp 3 ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước phấn, nước vắt ra từ giẻ lau bảng vì nói chuyện trong lớp; một cô giáo dạy toán lớp 11 ở TPHCM “bạo hành tinh thần” cả lớp bằng cách im lặng trên bục giảng suốt 4 tháng trời; một cô giáo chủ nhiệm lớp 4 ở Long An thì bắt phạt học sinh quỳ gối nhiều lần, dùng thước đánh tay, dùng “từ ngữ chưa phù hợp” với học sinh,...

Đáp lại các hành vi phản giáo dục của thầy cô, có bậc phụ huynh vẫn giữ được bình tĩnh khi lên làm việc với nhà trường, có bậc phụ huynh lại không chấp nhận cách xử lý “giơ cao đánh khẽ” của ngành giáo dục.

Trong lúc nóng giận, có người đã bắt cô giáo phải thực hiện đúng những hình phạt mà cô đã áp dụng với con mình như trường hợp cô giáo ở Long An bị yêu cầu quỳ suốt 40phút – giống như những gì mà cô phạt học trò lớp 4 của mình.

Học sinh sẽ học được những gì từ những cái tát như đòn thù thế này?

Học sinh sẽ học được gì từ những cái tát như đòn thù thế này?

Tuy nhiên, nếu như việc cô giáo phạt cả nhóm học sinh quỳ chỉ bị khiển trách, kiểm điểm nhẹ nhàng thì việc phụ huynh bắt cô quỳ lại bị coi là có dấu hiệu làm nhục người khác và bị “dọa” khởi tố.

Tương tự, việc cô giáo bạo hành tinh thần của các em học sinh lớp 11 ở TPHCM bằng cách câm lặng trên bục giảng suốt 1 học kỳ chỉ bị “xử khẽ” bằng cách kiểm điểm, nhận lỗi nhưng em học sinh đứng lên tố cáo hành vi này lại đang phải thu xếp sách vở chuyển sang trường mới. Lý do được đưa ra vì bị nhà trường và giáo viên cho rằng em đã “nói không đúng chỗ” trong buổi đối thoại tại Sở GDĐT vừa qua, làm ảnh hưởng đến bộ mặt nhà trường.

Nhân cách của người thầy thì cao, nhân cách của học trò thì có đáng giá?

Trả lời báo chí, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an cho rằng, hành vi bắt cô giáo quỳ của phụ huynh học sinh có dấu hiệu của tội làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự và hoàn toàn đủ cơ sở để khởi tố.

Còn nói về việc cô giáo bắt học sinh quỳ, vị trung tá này cho rằng “chỉ có cô giáo với sự trưởng thành về thể chất, trí tuệ, vị trí xã hội, mới là người cảm nhận sâu sắc về nỗi nhục do bị xúc phạm, còn nhóm học sinh lớp 4 của cô, chắc rằng chưa ý thức được nhục là gì. Điều này là hết sức quan trọng, bởi nếu người bị hại không cảm thấy nhục thì hành vi xúc phạm không cấu thành tội làm nhục người khác”.

Nữ sinh lên tiếng về việc cô giáo im lặng suốt 1 học kỳ không những không được tuyên dương mà còn phải chuyển trường.

Nữ sinh lên tiếng về việc cô giáo im lặng suốt 1 học kỳ không những không được tuyên dương mà còn phải chuyển trường.

Tuy nhiên, sự thật có phải thế không? Liệu các học sinh lớp 4 thì còn quá bé để không biết nhục là gì không?

Câu trả lời là không!

Ở độ tuổi lên 10, các em học sinh lớp 4 đã ý thức rất nhiều về bản thân, về hành vi, về cả sự hãnh diện hay nhục nhã mà người khác đem lại cho mình.

Một lời động viên đúng lúc, một câu khen ngợi chân thành có thể tiếp thêm động lực cho các em trong học tập, sinh hoạt trong khi một hành động sỉ nhục có thể khiến các em chán nản, không muốn đi học, dần dần xa lánh bạn bè, ghét trường ghét lớp. Lâu dần, những suy nghĩ tiêu cực tích tụ khiến các em trở thành trẻ hư, ngang bướng hoặc rút vào vỏ ốc của chính mình dưới dạng trẻ tự kỷ.

Cũng có những ý kiến cho rằng, vì thầy cô giáo là nghề cao quý nên cần phải được trân trọng một cách đặc biệt, kể cả khi thầy cô sai cũng phải nhẹ nhàng góp ý, việc cha mẹ học sinh bắt cô giáo quỳ là xúc phạm ngành giáo dục, là không tôn sư trọng đạo, là thiếu văn hóa.

Trong khi đó, nếu học sinh sai, thậm chí là học sinh không sai thì thầy cô được quyền mắng chửi, được quyền phạt nặng vì “thầy cô là cha là mẹ”, là “yêu cho roi cho vọt”.

Liệu trên đời lại có lý lẽ nào như thế? Nhân cách của người thầy thì cao, vậy nhân cách của học trò thì có đáng giá?

Hãy trả lại người thầy yêu thương cho các em

Tôi cho rằng không nghề nghiệp nào kém cao quý hơn nghề nào. Nghề giáo là cao quý vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em. Nghề lái xe cũng cao quý vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người. Nghề lao công cũng không kém phần cao quý vì nó quyết định sự sạch đẹp của môi trường.

Nói nghề này cao quý hơn nghề khác là cách nói không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, nghề giáo có những đặc thù riêng, có áp lực riêng, có trách nhiệm cũng rất khác bởi lẽ không có nghề nghiệp nào có thể gây ảnh hưởng lâu dài và to lớn đến tương lai của người khác như nghề giáo. 

Thế nhưng, nghề giáo cao quý không đồng nghĩa với việc tất cả những con người làm nghề này đều cao quý.

Điển hình như những thầy cô giáo không ngần ngại trừng phạt học sinh theo những cách rất tàn khốc như đã đề cập ở trên. Họ không xứng đáng được đứng trên bục giảng, không xứng đáng được gọi là thầy, là cô bởi đối với người Việt Nam, thầy, cô là hai tiếng thiêng liêng, chỉ dành cho những người có cả tài lẫn đức. 

Nếu thầy cô có thể đặt mình vào địa vị các em học sin dể

Các thầy cô hãy đặt mình vào địa vị các em để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, và để mỗi ngày đến trường của các em đều là một ngày vui.

Tuy nhiên, có thể do công tác tuyển chọn còn nhiều lỗ hổng, có thể do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan dẫn đến việc những người không xứng đáng với vị trí người thầy nhưng lại được đứng trên bục giảng. 

Chính vì vậy, sau những vụ việc đau lòng này, bản thân những người thầy cô phải luôn dặn mình luôn chau dồi năng lực, đạo đức để các em noi theo còn các nhà lãnh đạo ngành giáo dục cần phải có biện pháp chấn chỉnh lại chất lượng giáo viên để trả lại cho các em học sinh những người thầy thân thương của mình, để môi trường giáo dục trở lại sự bình yên vốn có.