23/11/2024 | 22:28 GMT+7, Hà Nội

Hãy phạt trẻ bằng lòng thương yêu

Cập nhật lúc: 27/11/2018, 15:30

Vẫn biết phạt học sinh vi phạm kỷ luật là cần thiết nhưng hình phạt phải mang tính giáo dục, giúp học sinh ý thức tốt hơn sau khi bị phạt chứ không phải để thỏa mãn sự bực tức của giáo viên.

Mới đây, việc một cô giáo chủ nhiệm ở trường THCS xã Duy Ninh (Quảng Bình) cho học sinh tát vào mặt một bạn cùng lớp vì nói bậy đã khiến dư luận bức xúc. Theo đó, ngày 19-11, cháu H.L.N, học sinh lớp 6 trường THCS xã Duy Ninh, nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi sổ.

Cô giáo chủ nhiệm N.T.P.T đã bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp N. Tổng số N bị tát 231 cái khiến em phải nhập viện tại BVĐK Dinh Mười (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vào ngày 19-11. Học sinh N nhập viện trong tình trạng hai má thâm tím, sưng tấy, khó nhai nuốt.

Điều đáng nói, hình phạt này trước đó cũng đã được một số giáo viên khác áp dụng và bị dư luân lên án gay gắt. Mới đây, phụ huynh học sinh lớp 5 trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP HCM) phản ánh cô giáo N.T.T, chủ nhiệm lớp đã ra hình phạt học sinh tự tát vào mặt mình vì nói chuyện riêng trong giờ học. Vào cuối tháng 10 vừa qua, một phụ huynh trường THCS Thọ Xuân (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng tố cô giáo có hành vi phản sư phạm. Cô đã bắt hai học sinh tát nhau vì đã nói chuyện riêng trong lớp.

hay phat tre bang long thuong yeu
Cô giáo chủ nhiệm N.T.P.T trong một giờ lên lớp.

Hình thức xử phạt của các giáo viên nêu trên đang khiến phụ huynh vô cùng hoang mang. Một số phụ huynh có con học cấp THCS cho rằng, việc giáo viên áp dụng hình thức phạt bằng cách tát học sinh hoặc cho học sinh tát nhau, tự tát vào mặt mình là khó có thể chấp nhận được. Đây là hành động thô bạo, phản giáo dục.

Nhận xét về hình thức xử phạt học sinh của các cô giáo nêu trên, một số giáo viên cho rằng, áp dụng hình thức kỷ luật học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, phạt thế nào để có sức răn đe mà không vi phạm quy định đạo đức nhà giáo đó mới thực sự là điều giáo viên hết sức lưu tâm. Giáo viên không nên vì bực tức mà nghĩ ra các hình thức kỷ luật phản giáo dục, mang tính trút giận lên học trò.

Cô Nguyễn Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A trường tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng: “Trách phạt khi học sinh mắc lỗi là điều cần thiết. Tuy nhiên, người thầy không thể dùng đòn roi như ngày xưa, vừa không hiệu quả giáo dục vừa dễ khiến phụ huynh bức xúc, gây ra những điều không hay trong thời buổi xã hội nhạy cảm với các vấn đề giáo dục như hiện nay. Việc quy định hình thức xử phạt đối với từng trường hợp chưa cụ thể nên các giáo viên cần phải suy nghĩ hình phạt thích hợp đối với từng lứa tuổi. Tôi nghĩ rằng, đối với học sinh THCS, THPT, tâm lý các em đang thay đổi, nên phạt theo hướng làm những công việc cần thời gian để trẻ suy nghĩ về hành vi của mình”.

Có thể thấy, đối với học sinh từ cấp THCS trở lên, các em đã có tính tự chủ, cái tôi cá nhân cao. Vì vậy, thầy cô cần tôn trọng, chọn biện pháp xử phạt phù hợp lứa tuổi. Giáo viên nên nhắc nhở học sinh và hướng dẫn kỹ càng hơn. Việc trách mắng nặng nề hoặc dùng vũ lực sẽ khiến học sinh nhút nhát càng rụt rè, trẻ bướng càng chống đối.

Từ vụ việc này, một lần nữa vấn đề nên hay không sử dụng hình phạt trong môi trường giáo dục lại được đặt ra. Phạt thế nào để vừa có tính răn đe, không phản cảm và không vi phạm quy định đạo đức nhà giáo là điều không phải giáo viên nào cũng biết và làm được. Việc sử dụng hình phạt khi học sinh mắc lỗi là điều cần thiết. Tuy nhiên, kỷ luật cũng phải có tính giáo dục chứ không nên theo kiểu trừng phạt, khiến học sinh sợ hãi.

Một số chuyên gia về tâm lý cũng cho rằng, giáo viên nên áp dụng những hình thức kỷ luật tích cực khi học sinh mắc lỗi. Chẳng hạn yêu cầu trước hoặc sau buổi học, học sinh phải vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, đọc sách; trong giờ sinh hoạt lớp yêu cầu các em phải thuyết trình về ý nghĩa của những việc đó. Hình phạt này được giáo viên nhiều nước sử dụng vì mang tính giáo dục.

Việc trách phạt là một phần của giáo dục, có thể có các ý kiến phản đối nhưng chí ít không ai kiện hay trách cứ nếu một phụ huynh phạt con mình không được ăn quà vặt khi hư, phải đứng im trong góc nhà nửa tiếng để nghĩ về việc trẻ đã làm… Phạt để sửa với một tấm lòng yêu thương khác biệt với việc trừng phạt để thỏa mãn. Đưa ra hình phạt để phá hủy sự tự tin, phá hủy bản ngã, làm cho kẻ bị phạt phải nhục nhã… là điều không nên xảy ra.

Một sự phạt trong yêu thương, bảo ban sẽ tạo ra một con người. Còn trừng phạt để thỏa mãn cá nhân sẽ tạo ra vết thương, sự buồn bã và những tâm lý bất thường. Học sinh bây giờ dù ở cấp tiểu học hay THCS đều đủ độ tinh nhạy để nhận ra đâu là yêu thương, đâu là trừng phạt. Vì vậy, hãy lắng nghe những đứa trẻ lên tiếng, hãy hiểu chúng trước khi đưa ra hình thức kỷ luật.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ cũng đã nhiều lần đề cập tới quan điểm, sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.

Thanh Tuấn