21/01/2025 | 21:08 GMT+7, Hà Nội

Hãy là người vay tiền thông minh

Cập nhật lúc: 12/02/2020, 14:43

Đối với nhiều người chưa có nguồn tài chính ổn định và dồi dào để thực hiện các mục đích chi tiêu thì vay tiêu dùng như là “vị thần tài luôn” bên cạnh.

Xu hướng tiêu dùng mới: Muốn vay là có tiền

Theo phân tích của một tiến sỹ tâm lý học của trường đại học ở Hà Nội, giới trẻ giờ đây đang có trải nghiệm nhiều hơn trong cuộc sống. Họ mua điện thoại, máy tính, trang thiết bị điện tử... không chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà còn sử dụng các sản phẩm này để hỗ trợ công việc và học tập.

Nhiều sinh viên vay mua xe máy chạy thêm Grab... nhằm chủ động trang trải học phí, giảm lệ thuộc vào gia đình và từng bước chuẩn bị hành trang cho cuộc sống sau này. Song, cũng có khá nhiều người trẻ thích vay tiền để mua sắm các sản phẩm thời thượng theo xu hướng “cao cấp hóa”.

Đối với nhiều người chưa có nguồn tài chính ổn định và dồi dào để thực hiện các mục đích chi tiêu thì vay tiêu dùng như là “vị thần tài luôn” bên cạnh.

Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Minh Phong, nếu như trước đây, mỗi khi có nhu cầu vay vốn tín dụng với giá trị thấp, người dân sẽ vay mượn bạn bè, người thân, thậm chí là tìm đến “tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ”, thì bây giờ, khi hành lang pháp lý cho hoạt động này đã tương đối đầy đủ, họ có thể đến các công ty tài chính (CTTC) để ký kết các hợp đồng vay vốn hợp pháp với điều khoản rõ ràng và mức lãi suất hợp lý hơn.

Tuy nhiên, được tạo điều kiện để tiếp cận với các khoản vay dễ cũng đồng nghĩa với việc khách hàng cần lưu ý đến khía cạnh trả nợ.

Không may xảy ra sự cố mới cảm thấy “bất ngờ”

Thực tế, thời gian qua, nhiều người khi gặp phải vướng mắc trong việc trả nợ vay tiêu dùng, nhất là quá hạn thanh toán nhiều ngày và bị nhắc trả nợ mới nghĩ đến việc, giá như có cách quản lý tài chính và chi tiêu tốt hơn sẽ không phải lo lắng đến thế.

Chị Minh Trang đang công tác tại một công ty ở TP HCM, vay tiêu dùng của một CTTC, với số tiền 25 triệu đồng được hơn 1 năm. Thời hạn trả gốc và lãi là 18 tháng, và hiện còn 8 tháng nữa là trả xong hợp đồng. Nhưng bất ngờ công ty chị đang làm bị phá sản, chị rơi vào cảnh mất khả năng chi trả.

Một trường hợp khác, chị Vân Anh (Hà Nội) cho biết, cách đây 1 năm chị có mua điện thoại từ 1 cửa hàng và được hỗ trợ cho vay trả góp. “Tôi đóng ổn định được 3 tháng đầu nhưng sau đó tôi mất việc làm nên không có khả năng thanh toán cho đến nay”.

Bình luận về hai trường hợp trên, chuyên viên tư vấn luật, Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn FANCI cho rằng: Nếu khách hàng không trả được nợ đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ thì CTTC sẽ khởi kiện tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tòa án sẽ tuyên bản án buộc khách hàng phải thanh toán khoản nợ đó. Nếu sau khi tòa án xét xử mà khách hàng vẫn không chấp hành bản án thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành. Nếu khách hàng không có tài sản riêng để thi hành thì khi nào có tài sản, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành kê biên, phong tòa tài sản... để thu hồi số tiền còn nợ theo bản án cho CTTC.

Trường hợp khách hàng bỏ trốn hoặc sử dụng số tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng hoàn trả khoản nợ đó thì phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

“Nếu bạn không có mục đích chiếm đoạt số tiền đó, mà chỉ khó khăn chưa trả được nợ thì vụ việc chỉ là quan hệ dân sự như đã nói ở trên. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì có vay, có trả, bạn nợ CTTC thì cũng phải tìm phương án trả nợ và có những thỏa thuận hợp lý mà bên cho vay có thể chấp nhận được để tránh mâu thuẫn, tranh chấp căng thẳng có thể xảy ra...”, luật sư phân tích.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Thiên Thanh) nhìn nhận, mặc dù trước khi ký kết hợp đồng, hầu hết các CTTC đều có nhân viên tư vấn kỹ lưỡng về điều kiện, phương thức thanh toán, lãi suất, phí phạt… song khách hàng đa phần chỉ nghe cho đủ thủ tục và hiếm khi ghi nhớ về những điều khoản quan trọng này. Chỉ đến khi không may xảy ra sự cố trong quá trình trả góp khoản vay, họ mới cảm thấy “bất ngờ”.

Để tránh rủi ro đáng tiếc khi thực hiện các khoản vay tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khi ký hợp đồng, khách hàng nên lựa chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay uy tín. Song song đó, người đi vay cần tính toán thật cẩn thận khả năng trả nợ, cũng như sự cần thiết của khoản vay.

“Tuyệt đối không nên để sự dễ dàng của việc đi vay làm mình thiếu cân nhắc, vay khi không thật sự cần thiết hoặc vay quá khả năng chi trả. Đây chính là kỹ năng quản trị tài chính cá nhân mà lâu nay hầu như chúng ta rất yếu và thiếu.

Quan trọng nhất, người đi vay cần có kỷ luật và quyết tâm trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay mỗi tháng, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hay nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán nợ”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh.