19/01/2025 | 05:54 GMT+7, Hà Nội

Hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng khá

Cập nhật lúc: 07/06/2019, 16:00

Bộ Công Thương đánh giá, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2019 có tốc độc tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng đáng mừng là có xu hướng tăng dần qua các tháng.

Đặc biệt, các nhóm hàng công nghiệp chế biến và linh kiện điện tử tiếp tục có đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu chung.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. (Ảnh TL) Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK hàng hóa tháng 5 ước đạt 21,50 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng năm 2019, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 30,33 tỷ USD, tăng 11,6%, chiếm 30,1% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,404 tỷ USD, tăng 4,7%, chiếm 69,9% (giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Về cơ cấu các nhóm hàng XK, nông, lâm, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 10,237 tỷ USD và 1,855 tỷ USD giảm lần lượt là 7,2% và 4,9% so với 5 tháng đầu năm 2018. 6/9 mặt hàng trong nhóm nông, thủy sản có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018 là thủy sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng XK chung với kim ngạch ước đạt 84,027 tỷ USD, chiếm 83,4% tổng kim ngạch XK, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, hầu hết mặt hàng XK chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; điện thoại các loại và linh kiện... Trong 5 tháng có 19 mặt hàng đạt giá trị XK trên 1 tỷ USD, chiếm 84,4% tổng kim ngạch XK, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị XK lớn nhất.

Bộ Công Thương đánh giá, kim ngạch XK 5 tháng đầu năm có tốc độc tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng đáng mừng là có xu hướng tăng dần qua các tháng (2 tháng tăng 4,2%; 3 tháng: 5,3%; 4 tháng: 6,5%; 5 tháng: 6,7%). Bên cạnh đó, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, nới rộng khoảng cách tăng trưởng so với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong ngắn hạn, XK hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của thương mại toàn cầu, đặc biệt là sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, XK hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, đạt 22,55 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức tăng 10,2% của cùng kỳ năm 2018 so với năm 2017. Đồng thời, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm là cơ sở để kỳ vọng hoạt động XK sẽ có những bứt phá trong những năm tới.

Tính đến ngày 20/5, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng, còn có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ tiêu tăng trưởng XK năm 2019 Quốc hội giao là khoảng 7-8%, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng từ 8 - 10%.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù XK thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm song để đạt được con số trên là nhiệm vụ khá khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.

Nguồn:https://congluan.vn/hau-het-mat-hang-xuat-khau-chu-luc-dat-muc-tang-truong-kha-post63100.html