24/11/2024 | 06:13 GMT+7, Hà Nội

Hậu Covid-19, các "ông lớn" rẽ hướng kinh doanh

Cập nhật lúc: 15/06/2020, 07:20

Nhiều "ông lớn" có tiếng trên thế giới đã thực hiện chiến dịch kinh doanh mới, để đảm bảo nhân viên có việc làm mà doanh thu cũng không bị sụt giảm quá nhiều.

Các "ông lớn" trên thế giới chuyển hướng kinh doanh

Dịch bệnh càn quét qua để lại ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực và ngành nghề, do đó nhiều doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh hoặc bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh. Đây cũng có thể gọi là hướng đi mới hay một thử thách khác cho các doanh nghiệp để vượt bão khó khăn.

Chuỗi cửa hàng 7-Eleven là một ví dụ. 7-Eleven Nhật Bản đang hợp tác với công ty bảo hiểm MS&AD Insurance Group Holdings để bán bảo hiểm nhân thọ, cho phép các công ty bảo hiểm tránh phải bán hàng trực tiếp cho khách hàng giữa nỗi lo sợ Covid-19.

Các khách hàng sẽ có thể đăng ký thông tin cần thiết thông qua các máy đa chức năng tại 20.000 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Quy trình nộp hồ sơ sẽ hoàn thành khi họ trả phí bảo hiểm ở quầy thu ngân. Các khách hàng cũng sẽ có thể thực hiện một số bước thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính.

7-Eleven cũng đang lên kế hoạch thiết lập tổng đài để nhân viên có thể tư vấn cho khách hàng 24h/ngày để đảm bảo chất lượng dịch vụ nhất có thể.

7-Eleven dự kiến sẽ bán bảo hiểm vào ngày 16/6 tới với mức phí vài nghìn yên.

Một trường hợp khác là Tập đoàn hàng không nhỏ của Nga Volga-Dnepr ghi nhận tăng trưởng doanh thu tới 32% chỉ trong vài tháng đầu năm. Lý do là bởi công ty này đã nhanh chóng chuyển hướng sang hoạt động chuyên chở hàng hoá cho Trung Quốc, trong đó tập trung vào việc chở lợn.

Lợn được xếp trong khoang của Volda Dnepr. Ảnh: Bloomberg

Chỉ trong 5 tháng đầu năm, tập đoàn này đã vận chuyển hơn 3.000 con lợn giống Pháp đến Trung Quốc bằng chiếc jumbo Boeing 747, vượt qua quãng đường dài tới 10.400 km. Những chuyến hàng của Volda Dnepr đến đúng vào lúc thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới thiếu hụt bởi đợt dịch tả lợn châu Phi kéo dài hồi cuối năm ngoái, và những ảnh hưởng do Covid-19 năm nay.

Ngoài chở lợn, công ty còn vận chuyển cả khẩu trang, quần áo bảo hộ, trang thiết bị y tế các phương tiện khử trùng đến Nga, Pháp, Đức. Hoạt động này đi ngược với truyền thống của Volga Dnepr khi hãng bay của Nga trước đây chỉ chuyên chở hàng hóa liên quan đến ngành hàng không, thay vì lợn giống và hàng y tế.

Thị trường Việt

Tại Việt Nam, nhiều công ty cũng đã chuyển hướng kinh doanh như hỗ trợ khó khăn sau dịch bệnh Covid-19. Đơn cử, công ty CP Đầu Tư Thế Giới Di Động đã công bố tham gia thị trường sản xuất rau sạch với dự án 4K Farm.

Dự án này là mô hình công nghiệp công nghệ cao 4 không: Không thuốc trừ sâu, không thực phẩm biến đổi gen, không thuốc tăng trưởng và không chất bảo quản. Đại diện của Thế giới di động trả lời truyền thông, đã có 4 hộ nông dân tham gia chương trình này với diện tích hơn 1.000 m2, năng suất 14 tấn/tháng. Dự kiến trong tháng 6 sẽ tăng lên con số 10 hộ tham gia.

Thế Giới Di Động bán rau xanh

Hiện các sản phẩm của 4K Farm đã được bán trên Bách Hóa Xanh onine, với giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg. Dự kiến trong thời gian tới sẽ bày bán ở các chuỗi Bách Hóa Xanh lớn và tạm thời chỉ phục vụ khu vực TP HCM.

Còn Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cuối tháng 5 vừa qua cũng hé lộ, đã ký hợp đồng với 3 nhà mạng (Viettel, Mobifone, Vinaphone) để triển khai bán vé số qua tin nhắn SMS vào cuối năm 2020.

Theo đó, mỗi nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone sẽ tạo lập 1 ví điện tử (app) . Người tiêu dùng sẽ tải ví này về điện thoại di động, nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào rồi đăng ký tài khoản để mua vé số Vietlott.

Tiếp đến, người tiêu dùng nhắn tin nội dung mua vé theo một cú pháp do mỗi nhà mạng chỉ định, rồi gửi vào tổng đài. Hệ thống của Vietlott và các nhà mạng sẽ xác thực thông tin. Khi đó, ví của mỗi nhà mạng sẽ tự động thanh toán, đồng thời kết quả mua vé được thể hiện trong ví.

Vietlott cho rằng, việc bổ sung hình thức bán vé qua tin nhắn sẽ giúp cho người chơi có thể mua vé ở bất cứ nơi đâu, không phải mất thời gian đến các điểm bán hàng của Vietlott. Mặt khác, phương thức bán vé qua tin nhắn sẽ hỗ trợ phát triển thêm doanh thu cho Vietlott.

Một chủ khách sạn ở phố Cổ chuyển sang buôn bán hoa quả. Ảnh: Soha

Với ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất thì Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và du lịch KOJI (quận Ba Đình, Hà Nội) đã linh động chuyển sang lĩnh vực bánh ngọt và bán hàng online để duy trì thu nhập cho các nhân viên.

Trước khi có dịch, đơn vị này chuyên tổ chức các tour đến thị trường lớn. Dịch xuất hiện, mọi kế hoạch kinh doanh bị trì hoãn và đổ bể, toàn bộ nhân viên không có việc làm. Chính vì vậy công ty tổ chức làm bánh và bán hàng online, có nhóm bán đặc sản vùng miền. Người làm bánh, người giao hàng, tùy từng việc cụ thể, chia lợi nhuận chuyên nghiệp và cụ thể.

Tuy lệnh giãn cách xã hội ở Việt Nam đã được dỡ bỏ nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động lại năng suất như bình thường. Do đó, việc chuyển hướng kinh doanh đợi thời cơ bứt phá là giải pháp vô cùng tốt.