18/04/2024 | 18:05 GMT+7, Hà Nội

Doanh nghiệp quay lại với chiến lược kinh doanh mới hậu Covid-19

Cập nhật lúc: 11/06/2020, 07:20

Hậu Covid-19, các doanh nghiệp bắt đầu sốt sắng quay lại với hoạt động kinh doanh của mình với những chiến lược cụ thể.

Du lịch giảm giá kích cầu

Từ đầu tháng 5 các hãng hàng không đua nhau đưa ra các chương trình bán vé ưu đãi cho khách đi nội địa với giá vé rẻ chưa từng có, chỉ vài chục nghìn đồng đến trên dưới 200.000 đồng, thậm chí là vé 0 đồng.

Đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến giảm giá vé giữa các hãng hàng không vẫn tiếp diễn với các chương trình khuyến mãi. Vietnam Airlines có mức giá cao nhất thị trường, các hãng Vietjet hay Bamboo có giá rẻ hơn.

Giá tour du lịch trong thời gian này được hạ kịch sàn.

VietjetAir đang có chương trình bán vé chỉ từ 8.000 đồng (chưa gồm thuế phí) trên 52 đường bay nội địa trong thời gian khách mua vé từ ngày 9 - 11/6; Vietnam Airlines công bố triển khai mức giá vé chỉ từ 49.000 đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí) trên các chuyến bay liên danh Vietnam Airlines - Jetstar Pacific trên các đường bay giữa TP.HCM và Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 30/6/2020.

Không chỉ vé máy bay mà các chương trình tour du lịch cũng được hạ giá hết mức. Sa Pa (Lào Cai) là một trong những địa phương đầu tiên tung ra chương trình kích cầu du lịch quy mô lớn với mức giảm giá dịch vụ từ 30 - 50% cho các khách sạn, homestay, các nhà xe du lịch. Khu du lịch Sun World Fansipan Legend giảm giá vé cáp treo tới 60% cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc từ ngày 28/4 - 28/6; các khách sạn Huyền Thoại, Hương Sen, Retreat Sa Pa, KS Rồng Sa Pa, Sa Pa Green hotel, Rex homestay giảm tới 50% giá phòng.

Còn tại Thừa Thiên Huế, giá vé giảm đến 50% trên các địa điểm du lịch từ ngày 8/5 đến ngày 8/7, giảm 20 – 30% giá phòng và các dịch vụ nhà hàng khách sạn.

Tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk đã bắt đầu triển khai chương trình kích cầu du lịch. Du khách có thể chọn lựa 4 tour du lịch hấp dẫn như: Quy Nhơn - Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột - Pleiku, Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn - Gia Lai trong 4 ngày 3 đêm, sử dụng hàng không Vietnamairlines, nghỉ khách sạn 4 sao, được tất cả các doanh nghiệp du lịch lớn thống nhất mức giá là 4.490.000 đồng. Đây là mức giá tốt chưa từng thấy, tương đương mức giảm 40 - 50% so với giá thông thường.

Chia sẻ kinh doanh

Đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ hơn cũng đang loay hoay sau thời kỳ khó khăn của dịch bệnh. Tuy nhiên, các cơ sở này cũng rất linh động tìm kiếm phương pháp giảm tối đa các loại chi phí. Trên các hội nhóm, liên tiếp những ngày gần đây đã thấy phong trào tìm người thuê chung mặt bằng để giảm tiền thuê mỗi tháng. Cách này khá hiệu quả trong thời gian hậu Covid-19 còn khó khăn và khách cũng chưa nhiều. 

Nhiều đơn vị kinh doanh đã rất linh động chia sẻ mặt bằng. Ảnh: Infonet.

Nhiều hàng quán chỉ kinh doanh theo ca như quán ăn sáng, cà phê đêm đã nghĩ cách thuê chung và chia ca để cùng dùng chung diện tích. Những đơn vị bán cả ngày thì ngăn đôi mặt bằng vô cùng tiện lợi.

Chị Hà – một người bán trà chanh ở Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Tôi bán trà chanh thì buổi ngày vắng lắm, chỉ buổi đêm rất đông. Mà trà đá của tôi thì chỉ cần một góc nhỏ trong mặt bằng. Do đó mà tôi và một người bán hàng ăn vặt đã chia đôi chỗ này. Mỗi anh bán một nửa, chẳng ảnh hưởng gì đến nhau. Mà có khi khách ngồi trà đá lại gọi thêm vài đĩa nộm, rồi khách ăn xong lại thêm cốc trà đá. Thời Covid ấy mà, phải dựa vào nhau mà chia sẻ để sống thôi”

Có nhiều hộ kinh doanh lại linh động hơn, nghĩ thêm nhiều cách như bán đa dạng các mặt hàng để đỡ đần hơn chi phí. Một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại ở phố Cầu Giấy kết hợp bán cả đồ lưu niệm dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên. Theo cách này thì cửa hàng sẽ bán được thêm một số mặt hàng nữa khi khách vào mua phụ kiện, đỡ được phần nào chi phí thuê mặt bằng của cửa hàng.

Giảm giá kích cầu

Hầu như các hệ thống siêu thị điện máy Pico, Media Mart, Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, Điện máy HC… và một số các cửa hàng điện máy đã thực hiện nhiều chương trình giảm giá, trợ giá lên tới 50%, khi mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa để phòng, tránh dịch Covid-19. 

Cuộc đua về giá cả, mẫu mã, chương trình ưu đãi của các hệ thống siêu thị điện máy đang mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hấp dẫn. Hầu hết các siêu thị điện máy đều áp dụng chương trình giảm giá từ 10% đến 50% cho nhiều sản phẩm làm mát; giảm nhiều nhất là mặt hàng tủ lạnh công suất lớn, điều máy hòa, ti vi…với mức khuyến mại lên tới 50%.

Ngoài các ưu đãi về giá, khách hàng còn được hưởng thêm nhiều ưu đãi như mua hàng trả góp, tặng thêm hàng, phiếu mua hàng trị giá cả triệu đồng… hay đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới, hoàn tiền lên tới cả triệu đồng.

Các siêu thị điện máy đua nhau giảm giá hậu Covid-19. Ảnh: Dân Trí

Các mặt hàng quạt điện thông thường, giá bán dao động từ 300.000 đồng – 1 triệu đồng; quạt hơi nước, quạt phun sương có giá dao động từ 800.000 – 4 triệu đồng/chiếc. Điều hòa nhiệt độ, tùy theo công suất, model, đang được niêm yết với mức giá từ 3 triệu – 15 triệu đồng/chiếc.

Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ thu hút khách hàng bằng ưu đãi chi phí lắp đặt, vật tư, giảm giá tùy theo từng sản phẩm, tăng thời hạn bảo hành… Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các sản phẩm làm mát phục vụ hè 2020 đa dạng về mẫu mã, màu sắc, công năng sử dụng. 

Chị Trâm (Trung Kính) cho biết mình vừa đặt mua chiếc điều hòa gắn thêm phòng học của con và chị rất kinh ngạc với việc nhân viên chăm sóc khách hàng chu đáo và nhanh chóng.

“Tôi đặt hàng buổi sáng, đầu giờ chiều đã có nhân viên giao hàng tới và lắp đặt ngay. Nhanh không ngờ. Nhân viên lắp đặt cũng rất nhiệt tình và chu đáo, lắp xong lau sạch tinh bề mặt máy lạnh”, chị nói.

Tháng 5 là thời điểm “vàng” của thị trường thiết bị làm mát, làm lạnh khi người dùng đổ xô đi mua để hạ nhiệt mùa nóng. Năm nay, các sản phẩm này được ước tính sẽ đắt hàng hơn khi mùa hè dự báo nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Hơn nữa, với việc giảm giá kích cầu sau mùa dịch của các hãng thì nhu cầu của người dùng lại càng tăng cao.

Xu hướng mua bán online vẫn còn được duy trì sau khi dịch bệnh quét qua. Nhiều đơn vị kinh doanh trước đó chưa hề thử mô hình này cũng rậm rịch bắt tay vào làm. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đến kinh doanh online và nó vẫn kéo dài sau dịch bệnh. Mua sắm trực tuyến vẫn được lựa chọn và bùng nổ ấn tượng. Đa số người tiêu dùng được khảo sát (82%) có mua online thời gian cách ly xã hội vì dịch Covid-19. 98% những người đã mua online trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai. 

Pizza 4P’s cung cấp menu giao hàng với nhiều ưu đãi cùng hướng dẫn hâm nóng thực phẩm tại nhà cho khách hàng để thúc đẩy doanh số kênh online.

Nhiều thương hiệu F&B kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ: giao hàng online, phục vụ tại nhà, chuyển đổi thành mô hình lấy bếp làm trung tâm…

Doanh nghiệp bán lẻ như Big C hay Co.op cũng đẩy mạnh giao hàng online và dịch vụ đi chợ hộ dù lệnh cách ly đã được dỡ bỏ từ lâu...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4/2020 đã giảm đến 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao. Doanh thu quý I năm 2020 của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước.