19/01/2025 | 07:01 GMT+7, Hà Nội

Hành vi du lịch nước ngoài của người Việt thay đổi lớn

Cập nhật lúc: 10/07/2019, 06:00

Nhu cầu hưởng thụ cuộc sống của người Việt ngày càng tăng cao và việc đi du lịch nước ngoài cũng phổ biến hơn. Giờ đây người Việt đi nước ngoài không chỉ còn thăm thú mà còn có thể mua sắm tiêu dùng.

Người Việt chọn đi du lịch ở đâu?

Các cuộc khảo sát về xu hướng du lịch của người Việt chỉ ra rằng những chuyến du lịch nước ngoài ngày càng thịnh hành và được ưa chuộng hơn.

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu Boston, từ năm 2014 đến năm 2020, số lượng gia đình từ trung lưu đến thượng lưu sẽ chiếm đến 1/3 dân số Việt Nam (tương đương với khoảng 33 triệu người). Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng về du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Cùng với việc giới trẻ ngày càng thích khám phá những điều mới lạ thì du lịch nước ngoài tăng cao là điều dễ hiểu.

Biểu đồ đất nước người Việt đi du lịch nhiều nhất

Thái Lan là đất nước người Việt đi du lịch nhiều nhất

Còn báo cáo về tương lai du lịch nước ngoài khu vực Thái Bình Dương của Mastercar, đến năm 2021, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân đi du lịch nước ngoài cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á: 7,5 triệu lượt, chiếm khoảng 9,5% dân số. Chỉ tính riêng du lịch Nhật Bản năm 2012-2016, lượng du khách Việt đã đạt tới 230.000 lượt. Ước tính đến năm 2021 sẽ có 7,5 triệu người Việt đến nước này.

Với xu hướng du lịch nước ngoài hiện nay, Thái Lan là đất nước phổ biến nhất được người Việt lựa chọn, theo sau đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Tuy nhiên, khảo sát về ước muốn đến nước nào nhất thì Nhật Bản lại được chọn nhiều nhất, xếp sau là Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Nhật Bản được nam giới ưa chuộng hơn, trong khi đó nữ giới lại thích Hàn Quốc hơn. Lý do họ lựa chọn Nhật Bản vì phong cảnh đẹp và văn hóa thú vị, Hàn Quốc được thích nhờ ẩm thực ngon, Thái Lan là hòa trộn giữa nhiều yếu tố, và Singapore được chọn nhờ có tính giải trí cao. Điều này phản ánh nhu cầu được thư giãn và cải thiện đời sống tinh thần của người dân Việt Nam ngày càng cao.

Hành vi du lịch thay đổi rõ rệt

Bên cạnh nhu cầu du lịch nước ngoài tăng mạnh thì thói quen du lịch của người Việt cũng thay đổi đáng kể. Trước đây họ thường đi theo tour thì giờ đây họ lại thích đi tự túc. So với đặt tour bị động thì người Việt chủ động lên lịch trình, đặt vé, tự tìm dịch vụ phù hợp với sở thích của mình. Điều này là kết quả của việc mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm trên mạng ngày càng phát triển. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và rất nhiều công cụ hỗ trợ, du khách chỉ cần ngồi một chỗ lướt web là đã có thể tự túc đi du lịch.

Du lịch nước ngoài để sắm hàng hiệu cũng là mốt mới của người Việt

Du lịch nước ngoài để sắm hàng hiệu cũng là mốt mới của người Việt

Người Việt cũng không còn coi chuyến du lịch nước ngoài là chuyến du lịch nghỉ dưỡng và thăm thú nhiều nữa. Đổi lại, họ đã biết cách “tận dụng” chuyến du lịch để nâng cao đời sống của mình, mua sắm tiêu dùng. Một số khác còn tận dụng kênh du lịch để bán hàng xách tay hay thực hiện công việc như viết blog du lịch, quay review trải nghiệm du lịch...

Theo báo cáo của Niesel, 23% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn du lịch nước ngoài để mua sắm hàng hiệu. "Sự thay đổi về mức độ giàu có của người tiêu dùng ở những nước đang phát triển giúp họ có khả năng mua sắm những sản phẩm và dịch vụ chuẩn quốc tế. Ngày càng nhiều người tiêu dùng ở những nước này chuyển sang chọn mua những mặt hàng cao cấp hay các dòng sản phẩm độc quyền", bà Laura McCullough, Bộ phận Đo lường hiệu quả bán hàng và tiếp thị Nielsen nhận định.

Tuy nhiên, nếu du lịch nước ngoài ngày càng được chuộng thì du lịch trong nước đối với người Việt vẫn chưa mặn mà và chưa phát triển đồng đều. Một số điểm du lịch rất nổi khi được quảng bá qua các bộ phim như Ninh Bình, Quy Nhơn. Tuy nhiên, với những điểm du lịch đã rất nổi tiếng ở phía Bắc hầu như không chuyển biến. Do vậy, cần có nhiều chính sách hơn để thúc đẩy ngành du lịch nước nhà.

Điều này cũng đã được ông Phạm Thành Công - Chuyên gia từ Nielsen Việt Nam nhận định: “Đối với du lịch, cơ hội chúng ta tiếp cận ra thị trường nước ngoài lớn nhưng ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ dành túi tiền của mình để chi cho các dịch vụ ở nước ngoài. Trong khảo sát của Nielsen, gần một nửa những người đã mua sắm online chọn dịch vụ của nước ngoài. Trong đó, ngành dịch vụ du lịch cũng là ngành đứng vị trí rất cao, xếp thứ 4 trong các ngành mà họ tìm kiếm từ nước ngoài. Chúng ta thấy rằng, túi tiền của người Việt Nam đang bị chia sẻ bởi các đối thủ ngoại”.